221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
511356
TP.HCM rốt ráo cải cách hành chính đẩy mạnh cổ phần hóa
1
Article
null
TP.HCM rốt ráo cải cách hành chính đẩy mạnh cổ phần hóa
,

(VietNamNet) - Báo cáo của Ban Đổi mới quản lý DN TP.HCM (ĐMQLDN) cho biết, hầu hết các DN sau khi cổ phần hóa (CPH) có mức doanh thu tăng nhanh, bình quân đạt 27,6%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng 19%/năm, cổ tức hàng năm đạt từ 15 đến 17%. Thế nhưng, vì sao nhiều lãnh đạo DNNN và người lao động trong các DN ấy vẫn ngại CPH, và CPH vẫn diễn ra hết sức chậm chạp.

Từ khi triển khai công tác chuyển đổi DN đến giờ phút này, TP.HCM đã CPH được tổng cộng 146 DNNN trực thuộc UBND thành phố. 8 tháng đầu năm 2004, thành phố chỉ mới chuyển đổi được 18 DN, 7 đơn vị được sáp nhập và 1 giải thể. So với kế hoạch cả năm phải CPH là 43 DN, tốc độ này được xem là quá chậm.

Vẫn nặng tư tưởng “Nhà nước bao cấp”!

Bưu điện, ngân hàng, điện lực... cũng sẽ CPH. Ảnh: Đặng Vỹ.

Theo ông Trần Ngọc Phượng, Phó Ban Thường trực Ban ĐMQLDN thành phố, ngoài những lý do khách quan..., thì một nguyên nhân quan trọng khác là tư tưởng độc quyền, bao cấp của một thời vẫn còn ăn sâu vào tư tưởng các nhà quản lý và lãnh đạo DN. Ông Phượng cho biết, còn nhiều DN không muốn rời bỏ cơ chế quốc doanh một thời huy hoàng, với nhiều ưu đãi từ phía Nhà nước. Người ta ngại CPH vì sợ mất đi lợi thế được hưởng những đặc quyền và độc quyền về điều kiện kinh doanh, về giao đất, vay vốn tín dụng, trong đó có vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước... Cụ thể, hiện tại có đến  80% tín dụng của ngân hàng thương mại quốc doanh là dành cho các DNNN. Sau khi CPH, các DN không còn được hưởng những lợi thế trên, ngược lại có khi còn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh doanh.

Trên thực tế, DN CPH mà Nhà nước nắm giữ 51% vốn thì không khác DNNN, vì hầu như tất cả mọi vấn đề hoạt động kinh doanh, nhân s… của DN đều do Nhà nước quyết định. Điều này không hấp dẫn người ngoài tham gia mua cổ phần. Với quy định DN có vốn 5 tỷ đồng trở lên Nhà nước sẽ nắm giữ 51%, như vậy Nhà nước sẽ giữ số lớn DN. Vấn đề này không phù hợp với chủ trương là phải đẩy mạnh CPH để giảm gánh nặng về DNNN.

Việc bán cổ phần cũng là một vấn đề cần tháo gỡ. Năm 2003, TP.HCM CPH 36 DN với tổng số vốn điều lệ 612 tỷ đồng, nhưng tỉ lệ cổ phần Nhà nưc sở hữu chiếm 43% (264 tỷ), cổ phần ưu đãi 42% (259 tỷ), cổ phần bán ra bên ngoài chỉ 15%, bằng 89 tỷ. Kết quả này không đạt được mục tiêu huy động tiền bạc và trí tuệ trong xã hội trên con đường chuyển đổi DNNN. Vì vậy mọi việc tiến hành chậm.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Garmex Saigon phân tích: “Nhà đầu tư không muốn “chia lỗ với Nhà nước” khi bỏ tiền đầu tư vào một công ty cổ phần mà thực chất vẫn là DNNN. DNNN rất khó chủ động, vì hầu hết các quyết sách lớn về đầu tư, lĩnh vực kinh doanh, nhân sự cấp cao... đều phải xin phép cấp trên và phải chờ đợi phê duyệt mới được thực hiện. Trong khi đó ở công ty cổ phần, hội đồng quản trị có thể tự quyết định được các vấn đề này nên không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh.

Cũng vấn đề này, trong một lần trao đổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc chậm CPH không phải do cách làm mà chủ yếu là do chủ trương. Theo Bộ trưởng, chủ trương  những DN hơn 5 tỷ đồng thì Nhà nước phải chiếm 51%, khiến người tham gia cổ phần e ngại. “Tư nhân bỏ tiền ra mua nhà máy, mà nhà máy ấy vẫn do Nhà nước quản lý thì mua làm gì!” - Bộ trưởng nói.

Đẩy mạnh tiến độ bằng mọi giá

Mặc dù khó khăn bề bộn, nhưng trong lần làm việc gần đây nhất với các DN chuẩn bị CPH, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân vẫn nêu quyết tâm và đề nghị đẩy mạnh công tác CPH. Chỉ thị 20 của UBND thành phố ban hành ngày 06/8/04 đưa ra nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp cải cách hành chính để thực hiện công tác này.

Từ nay đến cuối năm, thành phố phải hoàn thành CPH 25 DN, sáp nhập 11 đơn vị, chuyển sang công ty TNHH một thành viên 7 DN và phá sản 2 DN. Đến năm 2005 sẽ CPH 117 DN, toàn thành phố chỉ còn 104 DNNN. Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình này, trong chỉ thị 20 ngày 06/8, UBND TP.HCM chỉ đạo “chuyển các DN sẽ CPH trong năm 2005 sang thực hiện trong năm 2004".

Thành phố phải mở rộng diện CPH các DN trước đây được giữ lại 100% vốn nhà nước nhưng quyết định 155 của Chính phủ quy định không cần giữ lại. Chính phủ sẽ chỉ giữ lại 100% vốn ở 6 lĩnh vực then chốt gồm dầu khí, điện, xi măng, và những DN hoạt động trong lĩnh vực công ích.

Theo chỉ thị 20, sau khi xử lý những tồn tại về tài chính, nhất là các khoản nợ khó đòi,  trước khi xác định giá trị DN, nếu không đủ điều kiện CPH, sẽ chuyển sang bán, khoán, cho thuê, giải thể hoặc cho phá sản, nhất thiết không sáp nhập tạo thành gánh nặng cho đơn vị khác. Các DN đủ điều kiện được Nhà nước giữ lại 100% vốn phải xây dựng đề án chuyển sang Công ty TNHH 1 thành viên, chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 2/2005.

Riêng với các DN thuộc diện sáp nhập phải hoàn thành đề án vào quý III/2004. Các Tổng Công ty như TCT Nông nghiệp SG, TCT Xây dựng SG, TCT Du lịch SG, Công ty Dược thành phố phải xây dựng đề án chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - con, hoàn thành trong tháng 10/2004. TP.HCM kiến nghị, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ và qui chế tài chính mô hình công ty mẹ - con, Trung ương cho phép thành phố thông qua điều lệ và qui chế tạm thời để có cơ sở cho các công ty hoạt động; đồng thời được phép bán đấu giá các DN có vốn trên 5 tỷ đồng hiện có các món nợ khó đòi, công nợ dây dưa, nhằm thu hồi vốn đầu tư cho các DN khác.

Việc bán cổ phần sẽ được thực hiện theo hướng đấu giá. Chỉ thị 20 yêu cầu, trước mắt, Ban ĐMQLDN thành phố phối hợp với Trung tâm Giao dịch Chứng khoán đưa một số công ty đã cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán, thực hiện thí điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán.

Về vấn đề mặt bằng, UBND TP cho phép DN lựa chọn 1 trong 2 phương thức: hoặc thuê đất theo khung giá đất của Nhà nước hoặc đưa toàn bộ giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, tính vào phần góp vốn của Nhà nước. Công tác quyết toán thuế và tài chính sẽ được giải quyết nhanh. TP chỉ đạo Cục Thuế và Chi cục Tài chính DN nhanh chóng lập, kiểm tra quyết toán thuế, tài chính cho những đơn vị CPH. Với những đơn vị hết tháng 8/2004 vẫn chưa được quyết toán thuế, TP cho phép các hội đồng định giá DN căn cứ vào báo cáo tài chính của DN để xác định giá trị DN.

Về thủ tục hành chính, chỉ thị 20 đưa ra yêu cầu, các đơn vị chủ quản, Ban ĐMQLDN có trách nhiệm xử lý xong theo thẩm quyền được giao, trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ.

  • Đặng Vỹ

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,