(VietNamNet) - Ngày 9/9, TƯ Đ
ảng đã có Thông báo 15/TB-TƯ về quyết định của Bộ Chính trị chuyển Dung Quất từ KCN thành Khu kinh tế, hoạt động như Khu KTM Chu Lai.Theo đó, về quy hoạch KKT Dung Quất: Cần phát triển toàn diện và đồng bộ các khu sản xuất, dịch vụ và khu dân cư. Nên xem xét việc thuê công ty nước ngoài tham gia quá trình quy hoạch KKT Dung Quất.
Về những cơ chế, chính sách áp dụng đối với cả KKT Dung Quất:
Cơ chế về tài chính: Để lại toàn bộ nguồn ngân sách thu được trên địa bàn KKT Dung Quất và Khu KTM Chu Lai cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của các khu này. Mở rộng các hình thức huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình BOT, BTO, BT và đấu giá quyền sử dụng đất. Cho KKT Dung Quất, Khu KTM Chu Lai được quyền quyết định cấp phép cho các dự án đầu tư có quy mô đến 40 triệu USD.
Chính sách đất đai, nhà ở: Nghiên cứu vận dụng cho phép các DN đầu tư sản xuất kinh doanh vào các khu này được hưởng chế độ thuê đất ưu đãi nhất theo Luật Đất đai; Thí điểm việc miễn thu tiền thuê đất có thời hạn. Chú ý ưu tiên tập trung xây dựng các khu nhà chung cư phục vụ cho các đối tượng làm việc tại đây - cho cả người lao động trong nước và nước ngoài.
Chính sách thuế: Ưu tiên giảm thuế thu nhập cá nhân tới 50% đối với những người làm việc tại các khu này (kể cả người VN và người nước ngoài). Miễn, giảm có thời hạn các mức thuế hiện hành đối với các DN sản xuất kinh doanh như đã áp dụng đối với Khu KTM Chu Lai.
Về mô hình tổ chức:
Trong giai đoạn đầu, Ban quản lý KKT Dung Quất được thành lập và trực thuộc Thủ tướng Chính phủ để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc quy hoạch, xây dựng và phát triển Khu kinh tế. Chính phủ phân công một Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng phát triển KKT Dung Quất và nhà máy lọc dầu tại đây.-
Hải Châu