(VietNamNet) - Dự thảo ''Quy chế kinh doanh thép'' của Bộ Thương mại đang gây ra những phản ứng mạnh từ phía nhà sản xuất và phân phối thép.
Với đặc thù là ngành sản xuất có vốn bỏ ra lớn rất lớn, thép chủ yếu được bán cho những công trình xây dựng, các DN thép đều khẳng định không thể thực hiện được quy định ''chỉ được duy trì hoạt động kinh doanh phân phối thép khi thiết lập được hệ thống phân phối của mình qua các công ty, chi nhánh, cửa hàng và qua các tổng đại lý, đại lý bán lẻ thuộc DN khác''.
Trên thực tế, không có nhà sản xuất nào đủ vốn để chờ đến lúc các công trình xây dựng được Nhà nước quyết toán (thậm chí hàng năm) mới thu được tiền. Vì vậy, họ chỉ tập trung vào khâu sản xuất là chính, còn tiêu thụ sản phẩm theo phương thức mua đứt bán đoạn, không thể qua hệ thống đại lý được.
Chúng tôi không đủ vốn
Một số quy định trong Dự thảo Quy chế kinh doanh thép xây dựng của Bộ Thương mại - Các DN sản xuất, nhập khẩu và lưu thông thép xây dựng (nhà phân phối thép) chỉ được duy trì hoạt động kinh doanh phân phối thép khi thiết lập được hệ thống phân phối thép của mình qua các đơn vị trực thuộc (công ty, chi nhánh, cửa hàng) và qua các tổng đại lý, đại lý bán lẻ thuộc DN khác. - Tổng đại lý thép xây dựng được phép làm đại lý bán thép cho nhiều nhà phân phối thép với nhiều chủng loại thép xây dựng khác nhau, nhưng đối với mỗi loại thép xây dựng (có quy cách phẩm chất, nhãn mác và giá bán cụ thể) chỉ được nhận bán hàng của một nhà phân phối thép. - Mọi cửa hàng, điểm bán lẻ thép xây dựng không thuộc hệ thống kinh doanh của nhà phân phối thép hoặc hệ thống của các Tổng đại lý do các nhà phân phối thép thiết lập đều không được phép kinh doanh thép xây dựng trên thị trường nội địa. - Trên địa bàn một tỉnh, mỗi DN sản xuất thép xây dựng hoặc chuyên doanh thép xây dựng chỉ được tổ chức từ 2-3 tổng đại lý bán thép xây dựng trực thuộc tuỳ theo điều kiện của từng tỉnh. |
Đại diện Công ty Thép Việt Hàn cho biết: ''Đọc bản dự thảo quy chế này, chúng tôi rất băn khoăn. Khi đầu tư 56 triệu USD xây dựng nhà máy thép, chúng tôi nhắm vào các công trình là chính. Và để quyết toán được mỗi công trình phải mất nửa năm đến hàng năm. Đối với ngành thép, quy chế đại lý là không phù hợp vì đại lý nghĩa là người làm thuê cho chúng tôi, khi nào họ bán được hàng thì họ mới trả tiền và hưởng hoa hồng. 10 năm trời chúng tôi mới xây dựng được hệ thống khách hàng, nếu thực hiện theo quy chế này thì hệ thống khách hàng bị phá vỡ hết''.
Ông Trần Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thép Việt - Ý thì bày tỏ: ''Thép xây dựng là mặt hàng có giá trị lớn, với sản lượng 150.000 tấn/năm thì doanh thu bán hàng khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân 100 tỷ đồng/tháng. Với sản lượng như trên các nhà máy cần lượng vốn lưu động thường xuyên khoảng 400-500 tỷ đồng. Mọi nhà máy thép tại Việt Nam đều phải vay ngân hàng. Do vậy, áp lực bán hàng, thu vốn để trả nợ cho ngân hàng của chúng tôi là rất lớn''.
Kể cả một DNNN là Công ty Gang thép Thái Nguyên cũng rất phản đối bản Dự thảo Quy chế kinh doanh này. Ông Trương Bưởi, Phó phòng Kinh doanh của Công ty nói: ''Quy trình sản xuất thép của chúng tôi phức tạp hơn nhiều, chúng tôi phải phụ thuộc thị trường từ xăng dầu, than coke, đến phôi thép. Hệ thống phân phối mà Bộ Thương mại đưa ra là chúng tôi phải chịu trách nhiệm đến người tiêu dùng cuối cùng thì rất khó vì làm sao chúng tôi có vốn để bao đến tận người mua cuối cùng''.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Thép miền Nam thì bày tỏ: ''Chúng tôi không thể giao hàng cho đại lý, chờ đại lý bán hàng theo giá quy định xong mới thu tiền và trích hoa hồng. Khi nhà sản xuất bán hàng cho nhà phân phối và đã thu tiền thì việc kiểm soát giá hàng hoá của người khác là cực kỳ khó khăn (nếu không nói là không thực hiện được). Thực tế cho thấy rằng, thị trường kiểm soát giá tốt hơn bất kỳ cơ quan quản lý nào khác''.
Quy chế sẽ không thể thực thi được vì trái luật
Không chỉ gặp phản ứng trong DN, bản Dự thảo Quy chế này của Bộ Thương mại cũng không được các chuyên gia quản lý đồng tình. Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp nhận định: ''Nhiều điều khoản trong bản Quy chế cần phải xem xét lại cho phù hợp với Luật DNNN, Luật DN, Thương mại và các văn bản pháp luật khác'' vì theo Luật DN, thép không nằm trong danh mục hàng hoá kinh doanh có điều kiện.
Mặt khác ông Tuất cũng cho biết: ''Đây là quy định thiếu rõ ràng vì các tổng đại lý, đại lý bán lẻ là khái niệm chỉ các khâu của kênh phân phối và các tổng đại lý, đại lý bán lẻ hoàn toàn có thể là các DN được thành lập theo luật định. Các quy định này có lẽ là do quen hiểu theo những ngành hàng đặc trưng nào đó và không nên coi đó là tính chung cho mọi ngành hàng, đặc biệt là thép xây dựng''.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép nhận định: ''Nhiều điều khoản của bản Dự thảo này sẽ khó có thể thực hiện được vì không phù hợp với Luật DN, Luật Thương mại, Đầu tư. Và như thế, sẽ chỉ có các DNNN thực hiện còn các liên doanh thì họ sẽ chỉ làm theo luật''.
Ông Alan Alexander Young, Giám đốc Công ty Sản xuất Thép Úc (SSE) phát biểu: ''Ở hầu hết các nước, thép đều được bán trực tiếp cho các công trình, không ai có thể thiết lập hệ thống phân phối đến tận tay người tiêu dùng. Nếu giới hạn nhà sản xuất trong một tỉnh chỉ 2-3 nhà phân phối sẽ kém cạnh tranh. Tại sao lại bắt người tiêu dùng chỉ được mua hàng ở 1-2 nhà phân phối như vậy''.
Trước những ý kiến của DN Thép, đại diện Bộ Thương mại, bà Lê Thị Kim Ngân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước cho biết, ''Đây mới chỉ là Dự thảo Quy chế. Bộ Thương mại sẽ phối hợp với Bộ Công nghiệp tiếp tục hoàn chỉnh quy chế này. Nhưng hệ thống phân phối thép thì có nhiều vấn đề, nhất định phải điều chỉnh. Ngày 13/9 tới, Bộ Thương mại sẽ họp mặt và lấy ý kiến của các nhà phân phối thép phía Bắc một lần nữa''.
-
Phương Thanh