221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
509170
Xử lý vi phạm SHTT: Cha chung không ai khóc!
1
Article
null
Xử lý vi phạm SHTT: Cha chung không ai khóc!
,

(VietNamNet) - Nước giải khát Tribeco, mì Acecook, nước mắm Phú Quốc, gang thép Thái Nguyên... chỉ là số ít trong số các hàng hóa đang bị làm nhái, làm giả tại Việt Nam. Chính sách, pháp luật xử lý các trường hợp vi phạm về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền mặc dù đã có, nhưng các biện pháp thực thi còn quá yếu.

Hàng trăm triệu lít nước mắm đang ăn theo tên gọi xuất xứ Phú Quốc.

Chính vì vậy, Hội nghị toàn quốc về thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), do Bộ KHCN và VH-TT đồng tổ chức hôm nay (8/9), là dịp để các cơ quan chức năng rà soát lại tình hình thực hiện bảo vệ SHTT và bản quyền thời gian qua tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, đây là dịp để nhìn nhận lại vai trò của SHTT, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập và trong nền kinh tế tri thức. Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu để Chính phủ đề ra biện pháp thực thi hiệu quả hơn, chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam và học tập kinh nghiệm quốc tế.

Uy tín, thương hiệu bị đe dọa

Công ty CP Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) đang khốn khổ vì bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và SHTT. Một cửa hàng đã dùng vỏ chai Tribeco để đựng sữa tươi kinh doanh, không qua kiểm tra ATVSTP, làm người tiêu dùng bị ngộ độc. Tất nhiên, vỏ chai này đã được Cục Sáng chế thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Cục SHTT) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Ông Nguyễn Trí Bổng, Phó Tổng giám đốc Tribeco, cho biết, tình trạng này diễn ra khá phổ biến, nhất là đối với sữa đậu nành - sản phẩm chủ lực của công ty, hiện chiếm 80% thị phần tại TP.HCM. Tác hại nhãn tiền, theo ông Bổng, làm cho người tiêu dùng ngộ nhận sản phẩm đó là của Tribeco. Hơn nữa, việc này còn gây thiệt hại về tài chính, vì Tribeco không chỉ mất tiền bạc, công sức cho việc thiết kế, sản xuất, đặt hàng, mà còn lỗ nặng do mất quyền kinh doanh trên vỏ chai (công ty chỉ bán nước giải khát trong chai). Nguy hại hơn cả, hàng giả đã làm giảm uy tín của Tribeco. Tính đến thời điểm này, ít nhất công ty đã mất 2-3 tỷ đồng để bù đắp cho số vỏ chai trôi nổi trên thị trường, song, thiệt hại về thương hiệu, lòng tin thì khó có thể tính toán và bù đắp được. 

 Ông Hoàng Cao Trí, Tổng Giám đốc Công tyTNHH Acecook Việt Nam, cho biết, 50 loại sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, 70 loại cho xuất khẩu của công ty đang bị làm nhái về phông chữ, kiểu dáng bao bì, bị sao chép về hình ảnh, màu sắc, kể cả thùng carton đựng hàng. Doanh số bán hàng của công ty suy giảm. Đó là chưa kể, DN lại phải đầu tư cho chủng loại hàng mới. Chi phí dịch vụ, khuyến mãi, quảng cáo của Acecook tăng 10-15% để lo giữ nhãn hiệu, kiểu dáng cho sản phẩm của mình. Acecook cũng mất 500-1.000 USD nhờ luật sư khiếu nại, xử lý đối thủ, chưa kể việc theo kiện trong suốt 5-8 tháng cũng gây thiệt hại về doanh số cho công ty.

DN có thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm bán chạy trên thị trường thường là những đối tượng bị lợi dụng để làm giả, làm nhái nhất. Trong khi đó, tâm lý người dân vùng thu nhập thấp lại chấp nhận dùng hàng giả với giá rẻ. Đây là động lực khiến hàng giả phát triển và ít bị tố cáo, khiếu nại.

Bà Nguyễn Thị Tình, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, bức xúc, sản lượng nước mắm chai Phú Quốc của các DN chỉ đạt tối đa 15 triệu lít/năm, song, trên thị trường có tới hàng trăm triệu lít nước mắm cũng mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc."Đây là điều chúng tôi hết sức lo ngại, vì nạn hàng giả không chỉ làm mất uy tín của nước mắm Phú Quốc đối với người tiêu dùng và người được quyền sở hữu tìm ra nó", bà Tình nói.

Số liệu không chính thức từ một công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, riêng giá trị buôn bán hàng giả các nhãn hiệu Unilever tại Việt Nam năm 2001 ước tính 10 triệu USD. Từ năm 2000 đến nay, tổng cộng đã có 63 mẫu mã các sản phẩm nhái nhãn hiệu của Unilever bị Cục SHTT kết luận vi phạm. Công ty Unilever Vietnam đã phải thành lập ban chuyên trách về chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT vào cuối năm 2001. Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi, cung cấp thông tin, ban này đã giúp Unilever xử lý hơn 1 tỷ đồng (năm 2003) từ bán hàng giả và hàng nhái. Đồng thời, phối hợp với Unilever Trung Quốc bắt giữ, xử lý 6 tỷ đồng hàng giả tại các cơ sở sản xuất và chợ đường biên từ năm 2001 đến nay.

"Cha chung không ai khóc"?

Hiện nay, Việt Nam đã có đủ các biện pháp chế tài nhằm xử lý các hành vi xâm phạm, vi phạm về SHTT. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ VH-TT Trần Chiến Thắng nhận xét, chúng ta còn quá yếu trong việc thực thi, hầu như mới giải quyết trên quan hệ dân sự, hành chính. Bên cạnh đó, có sự không rõ ràng trong khái niệm "hàng giả" liên quan đến SHTT. Việc coi mọi hàng hóa xâm phạm về nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ đều là hàng giả là định nghĩa quá rộng và không hợp lý.

Nhưng một nguyên nhân quan trọng là cách tổ chức thực hiện chưa thực sự phù hợp. Hiện Việt Nam có tới 6 cơ quan được giao trách nhiệm bảo đảm thực thi về SHTT, đó là quản lý thị trường, UBND các cấp, thanh tra KHCN, thanh tra VH-TT, cảnh sát kinh tế và hải quan.

Việc quá nhiều cơ quan có chức năng, thẩm quyền xử lý hành chính đối với vi phạm SHTT khiến hiệu lực thi hành bị phân tán và trở nên phức tạp. Hơn nữa, thẩm quyền của các cơ quan trên nói chung là giống nhau. Điều này làm cho các chủ thể lúng túng khi muốn liên lạc; còn chính những cơ quan trên lại nảy sinh tâm lý đùn đẩy, chờ đợi hoặc giẫm chân lên nhau. Sự quá phức tạp, rắc rối không cần thiết gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực thi. Chính ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, phải đặt câu hỏi: "Cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về tình trạng vi phạm SHTT? Câu trả lời là tất cả các cơ quan, cũng đồng nghĩa là không có cơ quan nào. Thực trạng là khi có nhiều người cùng chịu trách nhiệm một việc dẫn đến mạnh ai nấy làm, dễ làm khó bỏ, chồng chéo, "lấn sân" nhau".

Đến nay, chúng ta cũng chưa có một cuộc điều tra tổng hợp nào về tình hình vi phạm SHTT, mà mỗi cơ quan trên lại hoạt động độc lập, đưa ra những con số khác nhau. Rõ ràng là Việt Nam đang thiếu một hệ thống đầu mối theo dõi về tình hình này. Do đó, vi phạm, xâm phạm SHTT gần như trở thành phổ biến, với mức độ nghiêm trọng và phức tạp ngày càng gia tăng. Mọi chủng loại hàng hóa đều có thể bị làm nhái, kể cả sản phẩm có công dụng và chức năng đặc biệt như dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật...

Thượng tá Nguyễn Đức Long, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP. Hà Nội, cho biết, chỉ riêng trong năm 2003 và 6 tháng đầu năm nay, lực lượng cảnh sát kinh tế đã tịch thu và xử lý 2.600 ống thuốc, gần 3.600 lọ, 300.000 viên thuốc tân dược giả; 13.000 lọ thuốc đông dược giả; 35 kg mì chính, 3.860 chai nước mắm giả... Năm 2003, có tới 326 vụ vi phạm về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Ông Trần Chiến Thắng khẳng định, trên thực tế, số liệu này còn cao hơn nhiều

Cần nâng mức xử phạt để đủ sức răn đe

Ông Hoàng Cao Trí kiến nghị, cần rút ngắn thời gian xét cấp văn bằng độc quyền cho nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp xuống còn 9-10 tháng, thay vì 14-15 tháng như hiện nay.

Một trong những biện pháp quan trọng khác là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và tăng mức phạt. Ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, cho rằng, cần tăng mức phạt trị giá gấp 40-50 lần theo giá hàng thật và quy định mức tiền vi phạm để khởi tố hình sự mới có tác dụng răn đe hữu hiệu hơn. Ông dẫn chứng về một DN khi bị xử lý tái phạm sản xuất nước ngọt đóng lon vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, bị phạt 20 triệu đồng/năm. Để bù lại thiệt hại, DN này đã tăng gấp đôi công suất sản xuất hàng giả??!

Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong cũng đồng tình với ý kiến này, và cho biết, khả năng tăng mức xử phạt hành chính lên cao so với giới hạn 100 triệu đồng hiện nay sẽ được Bộ tính đến. Như Ấn Độ, nước thu nhập bình quân đầu người 450 USD/năm, mức phạt có thể cao gấp 10 lần sẽ là một gánh nặng lớn đối với cá nhân, và có tác dụng răn đe mạnh mẽ. Đối với Việt Nam, để siết chặt hơn các mức phạt, trước hết, cần xây dựng hệ thống pháp lý, các văn bản pháp quy để thực thi. Nếu hội nghị này thống nhất được các ý kiến, Bộ KHCN sẽ đề xuất tăng mức xử phạt trình Chính phủ thông qua.

  • H.Phương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,