(VietNamNet) - Việc quy định chỉ cho phép đầu tư nước ngoài trong giới hạn 35 ngành nghề như hiện nay là quá hạn hẹp.
Cần mở rộng thêm nhiều ngành nghề
Hầu hết những công trình xây dựng lớn của Việt Nam đòi hỏi công nghệ cao thì DN Việt Nam ít có khả năng thắng thầu. |
Trước những hạn chế khiến luồng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam gần như ngừng chảy, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN nên mở rộng danh mục ngành nghề cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần.
Theo ông Lý Tài Luận - Chủ tịch VAFI: ''Với thực tế thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, rất cần mở rộng nhiều ngành nghề được phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo điều kiện cho DN Việt Nam thu hút được vốn, công nghệ sản xuất, quản lý và thị trường tiêu thụ... Việc quy định chỉ cho phép đầu tư nước ngoài trong giới hạn 35 ngành nghề như hiện nay là quá hạn hẹp''.
Một rào cản khác cho nhà đầu tư nước ngoài là rất khó có thể tập hợp đầy đủ các ngành cũng như rất khó qui định rõ ràng cụ thể từng ngành nghề tại Việt Nam hiện nay. Nếu theo cách làm cũ là tiếp tục mở rộng thêm các ngành nghề cho phép đầu tư nước ngoài thì khó có thể liệt kê và mô tả đầy đủ các ngành. Hơn nữa, nhiều khi việc mô tả các ngành còn rất chung chung. Ví dụ như tại Quyết định số 260/2002/QĐ-BKH ngày 10/5/2002 qui định ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy là ngành nghề cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, vậy việc in ấn các tờ quảng cáo, bưu thiếp, giấy viết cho học sinh có thuộc ngành nghề được phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài hay không, thì không rõ.
Việc giới hạn 35 ngành nghề sẽ khiến DN Việt Nam sau khi bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, liệu có được phép mở rộng kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm? Nhất là khi những ngành này lại thuộc diện không được bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài? Đây là qui định chưa rõ ràng, sẽ gây e ngại cho DN Việt Nam cũng như rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài.
DN Việt Nam kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có ngành nghề phụ chiếm tỷ trọng doanh thu thấp, nhưng không có trong danh mục những ngành nghề được phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và như vậy DN loại này sẽ không có cơ hội bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Những bất cập như trên sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào DN Việt Nam vì e ngại DN có thể vi phạm luật lệ hiện hành hoặc việc kinh doanh của DN bị bó buộc trong 1 số ngành nghề sẽ hạn chế sự phát triển.
Vốn đầu tư gián tiếp quá thấp
Việc bó hẹp ngành nghề đã không tạo dựng được môi trường đầu tư trong nước có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều nước ở châu Á, đều có danh mục một số ngành nghề không cho đầu tư nước ngoài. Một số ngành nghề nhạy cảm tuy cho phép, nhưng cần hạn chế thông qua việc khống chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (thông thường ở mức không quá 49% như ngành ngân hàng, bảo hiểm, hàng không...). Trừ 2 đối tượng trên thì không hạn chế ngành nghề để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như không hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần.
Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước và công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty nhà nước đã tạo một tiền đề tích cực trong đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá DN nhà nước. Quyết định này đã qui định danh mục những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn. VAFI đề xuất: ''Nên sử dụng danh mục này là danh mục ngành nghề, lĩnh vực không cho đầu tư nước ngoài; Những ngành nghề không thuộc danh mục này thì nên cho phép các DN ngoài quốc doanh, DN thực hiện cổ phần hoá cũng được bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài''.
Trong 10 năm thực hiện Luật Khuyến khích Đầu tư trong nước (1994-2004), tổng số vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp vào các DN Việt Nam (hoạt động theo Luật DN) ước khoảng 200 triệu USD và chỉ mới đầu tư vào khoảng 70 Công ty cổ phần.
Cho tới thời điểm hiện tại chỉ còn 6 Quỹ đầu tư hoạt động với tổng số vốn là 241 triệu USD. Trong đó, đã có 6 Quỹ ngừng hoạt động trước thời hạn tại Việt Nam với tổng số vốn rút về nước khoảng 250 triệu USD trên tổng số vốn huy động được để đầu tư là 390 triệu USD. Một số Quỹ mới hoạt động tại Việt Nam từ 2001 có qui mô vốn nhỏ hơn 4 lần so với giai đoạn 1991-1997, bình quân 5- 20 triệu USD cho 1 Quỹ. Hiện nay Các nhà quản lý Quỹ đang hoạt động ở Việt Nam đều muốn huy động thêm vốn từ nước ngoài vào nhưng rất khó khăn. Các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài thì chỉ đầu tư vào cổ phiếu niêm yết.
So với 10 năm trước, hiện Chính phủ đang chủ trương đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá cho mọi loại hình DN, kể cả khối ngân hàng, bảo hiểm, DN nhà nước qui mô vốn lớn và Tổng công ty nhà nước; đã hình thành thị trường chứng khoán được 4 năm và cổ phần hoá được trên 1.500 DN, trên 200 DN đủ điều kiện niêm yết và trong 3 năm tới sẽ có thêm 2000 DN được cổ phần hoá... Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam vẫn chưa chuyển động. Tỷ lệ vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam so với vốn đầu tư trực tiếp chỉ chiếm 1,19% là quá nhỏ (năm 2002) trong khi các nước khu vực là 10% -50%.
-
Hồng Phúc