(VietNamNet) - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam dẫn nguồn tin Seafood.com cho biết: Tuy Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra phán quyết sơ bộ với tôm nhập khẩu song các mức thuế này có thể sẽ giảm khi cả hai phía đều rất tích cực nhằm thay đổi phán quyết.
Các mức thuế có thể có một số thay đổi lớn và có một số lý do để cho rằng các mức thuế có thể được giảm xuống.
Một trong những điểm gây ngạc nhiên nhất trong cách tính thuế đối với Trung Quốc là có hai công ty (Zhanjiang Goulin và Red Garden) được hưởng mức thuế rất thấp (0-7,67%), trong khi có hai công ty khác lại chịu thuế tới gần 100% (Allied - 90,05% và Yellin - 98,34%). Giải thích về sự khác biệt quá lớn này, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông James Jochum, cho rằng Zhanjiang Goulin và Red Garden là những công ty có "mối liên kết dọc trong sản xuất", trong khi hai công ty còn lại phải thu mua tôm tươi nguyên liệu về chế biến.
Ở đây, có một điểm gây bức xúc: các doanh nghiệp (DN), người trong ngành, và cả DOC đều biết, thông thường, tôm được định giá theo kích cỡ. Nhưng trong phán quyết sơ bộ đối với Allied và Yellin, DOC đã bỏ qua dữ liệu về cỡ tôm mà hai công ty này cung cấp. Thay vào đó, họ sử dụng giá tôm trên thị trường một nước thứ ba. DOC không làm điều này với Zhanjiang Goulin và Red Garden, mà dựa trên các số liệu của chính hai công ty.
Trên thực tế, nếu một người muốn bán tôm cho bạn với giá 4,25 USD/pound, bạn không bao giờ quyết định mua ngay khi chưa biết cỡ tôm. Tôm cỡ 90-100, mức giá đó là một điều hết sức khôi hài; nhưng nếu là tôm cỡ 13-15, thì mức giá đó lại quá lợi cho người mua. Ở thị trường Mỹ, không có sản phẩm nào tương tự như sản phẩm tôm. Bạn không thể bán được tôm nếu không xác định kích cỡ.
Một số công ty của Trung Quốc cáo buộc rằng họ đã bị trừng phạt một cách bất công, bởi công ty mà họ bị lấy làm so sánh chủ yếu bán tôm cỡ 26-30, trong khi cỡ tôm của họ chủ yếu là 51-60!
Theo hãng tin Urner Barry, mức giá tôm trung bình cả năm 2003 đối với tôm vỏ cỡ 26-30 của Trung Quốc là 4,35 USD/pound và mức giá trung bình của sản phẩm tương tự từ Ấn Độ là 4,36USD. Tôm cỡ 51-60 của Trung Quốc có giá trung bình 2,32 USD. Nếu DOC so sánh ngang bằng sản phẩm thì sẽ không có sự khác biệt lớn nào: mức giá tôm cỡ 26-30 của Trung Quốc và Ấn Độ gần như nhau. Nhưng nếu DOC bỏ qua kích cỡ tôm, và chỉ đơn giản cho rằng giá tôm của Ấn Độ mới là thật thì rõ ràng những công ty bán tôm cỡ 51-60 với giá 2,23 USD, thấp hơn nhiều mức giá ở Ấn Độ mà DOC lấy so sánh (đáng lẽ là của tôm cỡ 26-30), sẽ bị coi là bán phá giá tôm và biên độ phá giá là gần 100%. Đó chính là cái cách mà DOC tạo ra một “sân chơi bình đẳng”!
Trong giai đoạn điều tra cuối cùng, những con số kiểu như trên sẽ được xem xét lại. DOC được yêu cầu phải xem xét và trả lời các ý kiến và thông tin mà các công ty trình lên. Nếu luật sư của các công ty Trung Quốc buộc được DOC so sánh chi phí tôm theo kích cỡ, thì toàn bộ các phân tích trước đó của DOC sẽ trở nên đáng nghi ngờ, và các công ty của Trung Quốc có thể sẽ chỉ phải chịu mức thuế khoảng 20%, thay vì gần 100%.
Điều tương tự đang diễn ra đối với hầu như tất cả các nước khác bị áp đặt thuế tôm. Thị trường tôm là một thị trường có sự cạnh tranh gay gắt, và sự khác biệt về chi phí sản xuất giữa các nước được thể hiện qua giá cả sản phẩm. Vì vậy, nếu DOC nghiên cứu thị trường kỹ hơn, tất cả các nước Thái Lan, Ecuador, Việt Nam, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc đều có cơ hội được giảm mức thuế.
Một vấn đề khác được che giấu là vấn đề thiệt hại của ngành tôm nội địa Mỹ. Lý do mà Liên minh Tôm miền Nam (SSA) kịch liệt phản đối báo cáo của Cục Nghề cá biển quốc gia (NMFS) về ngành tôm Mỹ là bản báo cáo này cho rằng sản phẩm tôm nội địa chỉ phù hợp với một mảng thị trường riêng biệt hơn là đối với toàn bộ thị trường tôm Mỹ, hiện đang bị chi phối bởi gần 90% hàng nhập khẩu. Cho dù DOC có đưa ra kết luận gì về các mức thuế, nhưng nếu Cơ quan Thương mại Quốc tế (ITA) của DOC phát hiện không có chuyện tôm nhập khẩu gây ra thiệt hại đối với ngành tôm nội địa Mỹ thì vụ kiện tôm sẽ đổ bể. Vì thế, SSA muốn bác bỏ bản báo cáo của NMFS để ITA không chấp nhận những kết luận nêu ra trong bản báo cáo này. Trái lại, Hiệp hội Phân phối Thuỷ sản Mỹ (ASDA) và Liên minh Hành động Thương mại Ngành Công nghiệp Tiêu dùng (CITAC) đã đấu tranh mạnh mẽ để bản báo cáo được công bố.
Do đó, trong thời điểm hiện nay, các bên đều đấu tranh mạnh mẽ nhằm tác động đến phán quyết cuối cùng về các mức thuế và diễn biến thị trường tôm năm 2005 có khả năng sẽ có nhiều thay đổi so với hiện nay do các mức thuế sơ bộ đã bắt đầu có hiệu lực.
Theo dự kiến, DOC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng đối với Trung Quốc và Việt Nam vào 24/11 và bốn nước còn lại vào 17/12. Sau đó, các quyết định này sẽ được trình lên ITA để đưa ra công bố chính thức vào tháng 1/2005 đối với Trung Quốc và Việt Nam, và vào đầu tháng 2/2005 đối với các nước còn lại.
-
H.Phương