(VietNamNet) - Thứ trưởng Bùi Bá Bổng vừa ký văn bản 2019 gửi TT Chính phủ, báo cáo tình hình sản xuất và cân đối lượng lúa gạo năm 2004 để điều hành xuất khẩu. Theo đó, Bộ này cho rằng, nếu giữ nguyên mức 3,5 triệu tấn, lượng lúa tồn sang năm 2005 lớn, có thể làm giảm giá lúa trong nước, tác động mạnh đến người sản xuất.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, năm 2004, thị trường lúa gạo vẫn thuận lợi, sản xuất tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương chuyển một số diện tích đất lúa, nhất là đất lúa một vụ, có năng suất, không ổn định sang nuôi trồng thuỷ sản và cây trồng khác có hiệu quả hơn. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, tăng sản lượng lúa để bù đắp lượng lương thực giảm do giảm diện tích và phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT cho biết, diện tích lúa năm 2004 đạt khoảng 7,33 triệu ha. Nếu từ nay đến cuối năm không có diễn biến bất lợi lớn về thời tiết, gây ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, khả năng sản lượng lương thực của cả nước sẽ đạt 34,8-35 triệu tấn. Trong đó, tổng nhu cầu chi dùng trong cả nước là 27,6-28,1 triệu tấn, bao gồm 22 triệu để ăn; 1,1 triệu cho công tác giống, kể cả dự phòng; 4,5-5 triệu tấn hao hụt và dành cho chăn nuôi. "Như vậy lượng lúa hàng hoá dành cho xuất khẩu cả năm 2004 khoảng 7-7,2 triệu tấn, tương đương 3,9-4 triệu tấn gạo" - Bộ NN&PTNT khẳng định.
Với sản lượng trên, sau khi cân đối các nhu cầu tiêu dùng trong nước, Bộ NN&PTNT chính thức kiến nghị năm 2004, lượng gạo dành cho xuất khẩu ở mức trên 3,5 triệu tấn, vào khoảng 3,8 triệu tấn, số còn lại dùng để gối đầu sang quý I/2005. Theo Bộ này, nếu giữ nguyên mức xuất khẩu cũ, lượng lương thực tồn kho chuyển sang năm 2005 rất lớn, có thể làm giảm giá lúa trong nước, ảnh hưởng đến động lực của người sản xuất.
Hơn nữa, Bộ NN&PTNT cho rằng, mặc dù giá lúa hiện đã lên đến 2.400-2.600 đồng/kg, giá gạo 3.800-4.000 đồng/kg ở Đồng bằng sông Hồng, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm tại các tỉnh ĐBSCL lại giảm, khoảng 10-40 đồng/kg tuỳ loại. Bên cạnh đó, do giá vật tư phân bón đang ở mức cao, nên lãi suất mang lại cho người nông dân rất ít. Vì vậy, việc nâng chỉ tiêu xuất khẩu sẽ kích thích sản xuất phát triển, giữ được thị phần trên thị trường buôn bán gạo, có cơ hội mở rộng thị trường gạo, mang lại lợi ích cho người nông dân và cả DN xuất khẩu; đồng thời đảm bảo an toàn cho thị trường trong nước.
-
H.Yên