(VietNamNet) - Dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam vẫn chưa chuyển động. Tỷ lệ nguồn vốn này so với vốn đầu tư trực tiếp năm 2002 chỉ chiếm chưa đến 1,2%, quá nhỏ so với các nước ở khu vực là 10-50%.
Bức tranh không mấy vui vẻ về tình hình đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam được các chuyên gia tài chính phác thảo sáng nay (12/8), tại một hội thảo bàn về tình hình đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam ở Hà Nội.
Tăng trong sự... "tụt hậu"
Theo thống kê của Mekong Capital, kể từ năm 1999, đầu tư gián tiếp nước ngoài ở Việt Nam đã tăng dần, nhưng tăng rất chậm trong sự tụt hậu rất xa so với ngay cả các nước trong khu vực chứ chưa nói đến các nền kinh tế lớn khác. Tỷ lệ tăng 0,2% trong tổng đầu tư vào Việt Nam năm 1999 và lên đến 2,3% vào năm 2003.
Hiện, mới có khoảng 70 công ty cổ phần của VN có vốn đầu tư gián tiếp với tổng số ước chừng khoảng 200 triệu USD. Hầu hết các tổ chức đầu tư nước ngoài đều là những quỹ đầu tư nhỏ đã hoạt động lâu ở Việt Nam, cho tới thời điểm hiện tại chỉ còn vẻn vẹn 6 quỹ đầu tư hoạt động với tổng số vốn là 241 triệu USD. Trước đó, đã có 6 quỹ ngừng hoạt động trước thời hạn, với số vốn rút về nước khoảng 250 triệu USD trên tổng số vốn huy động được để đầu tư vào Việt Nam là 390 triệu USD.
Thậm chí, văn phòng đại diện của 2 tập đoàn chứng khoán đa quốc gia của Nhật Bản là Nomura và Daiwa đã đóng cửa chỉ sau 4-5 năm hoạt động tại Việt Nam. Một số quỹ mới hoạt động tại Việt Nam từ 2001 thì có qui mô vốn nhỏ so với giai đoạn 1991-1997, bình quân từ 5-20 triệu USD cho 1 quỹ. Các nhà quản lý quỹ đều muốn huy động thêm vốn vào Việt Nam nhưng rất khó khăn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI): ''Các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài chỉ đầu tư vào cổ phiếu niêm yết. Rất ít nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đầu tư vào các DN Việt Nam, nếu có thì đa phần là khách hàng lâu năm của DN''.
Chính phủ đang chủ trương đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa cho mọi loại hình DN, kể cả khối ngân hàng, bảo hiểm, DN nhà nước qui mô vốn lớn và tổng công ty nhà nước. TTCK đã hình thành được 4 năm, đã cổ phần hóa được trên 1.500 DN với trên 200 DN đủ điều kiện niêm yết và trong 3 năm tới sẽ có thêm 2.000 DN được cổ phần hóa. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam vẫn chưa chuyển động. Tỷ lệ vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam so với vốn đầu tư trực tiếp năm 2002 chỉ chiếm 1,19%, quá nhỏ so với các nước trong khu vực là 10-50%.
30% chưa đủ với nhà đầu tư nước ngoài
Nguyên nhân chính và quan trọng nhất cản trở luồng đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, theo các chuyên gia tài chính, là do quy định ''nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% vốn điều lệ''.
Quy định trên khiến nhà đầu tư nước ngoài (1 hoặc nhóm nhà đầu tư) chỉ có thể là cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần vì bị khống chế tỷ lệ. Trong khi đó, đại bộ phận DN Việt Nam đều là DN nhỏ so với thế giới, cho nên số vốn đầu tư dành cho nhà đầu tư nước ngoài trên thực tế là thấp, không đạt yêu cầu về quản lý danh mục đầu tư. Tỷ lệ cổ phần nhà nước còn quá cao trong công ty cổ phần, trung bình 40%, nhiều DN kinh doanh có lãi là trên 51%. Do đó, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế, khiến họ khó có khả năng tác động cơ bản tới phương thức quản trị DN, nhất là khi DN gặp khó khăn trong kinh doanh hoặc kinh doanh kém hiệu quả. Đây chính là rủi ro về đầu tư, làm cho cổ phiếu kém thanh khoản, nhà đầu tư nước ngoài bị động trong những tình huống khó khăn.
Với tỷ lệ sở hữu không quá 30% vốn điều lệ, khó có thể thu hút được nhà đầu tư chiến lược (có vốn, công nghệ, trình độ quản lý, thị trường tiêu thụ...) tham gia đầu tư vào DN cổ phần, vì tỷ lệ sở hữu ít, trong khi DN Việt Nam qui mô lại nhỏ, nên không mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. Tiến trình cổ phần hóa chưa mang lại kết quả mong muốn, tốc độ phát triển DN chậm, đã không lôi cuốn mạnh mẽ và đông đảo các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào tiến trình cổ phần hóa cũng như tham gia vào TTCK...
Các quỹ đầu tư vào cả hai loại hình, vừa công ty niêm yết và cả công ty chưa niêm yết. Tuy nhiên, ở hầu hết các nước, quy mô của những quỹ đầu tư vào các công ty niêm yết thường lớn hơn rất nhiều so với quy mô của những công ty chưa niêm yết. Đó là vì việc mua và bán cổ phần của những công ty niêm yết thường dễ dàng hơn so với việc mua bán cổ phần của những công ty chưa niêm yết. |
Việc khống chế tỷ lệ 30% sẽ làm giảm tính thanh khoản của cổ phiếu (cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết), từ đó hạn chế khả năng huy động vốn của DN, nhất là trong bối cảnh TTCK Việt Nam còn nhỏ, thiếu vắng các nhà đầu tư có tổ chức và các nhà tạo lập thị trường; số lượng nhà đầu tư cá nhân cũng hạn chế và đa phần là chưa chuyên nghiệp.
Ông Trần Hồng Đởm - Tổng Giám đốc TransimexSaiGon làm phép so sánh: Ở các nước châu Á (trừ Việt Nam) đều không có sự giới hạn cố định về phần trăm (%) đối với đầu tư nước ngoài, mà họ chỉ quy định rõ cho những lĩnh vực, ngành nghề cụ thể, hoặc do cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt từng trường hợp. Luật Đầu tư nước ngoài của các nước ở châu Á cũng không có luật nào cấm 100% sở hữu của nước ngoài, mà chỉ có các văn bản như sắc lệnh, các quy định của Chính phủ cho những lĩnh vực, ngành nghề cụ thể về sở hữu của nước ngoài, và nó sẽ được điều chỉnh theo những thời điểm thích hợp, có lợi cho nền kinh tế quốc dân. Đó chính là sự linh hoạt nhạy cảm.
''Pháp luật của chúng ta ấn định mức đầu tư nước ngoài tối đa 30% là không còn phù hợp nữa. Chúng tôi thấy cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Ví dụ như với các ngành nghề có tính truyền thống, tính nhà nước độc quyền và gắn chặt lợi ích chính trị an ninh với các đối tượng nông nghiệp, khai thác hệ thống giao thông..., không nên cho phép đầu tư nước ngoài tham gia hoặc cho phép tham gia với tỷ lệ 5%. Danh mục ngành nghề giới hạn đầu tư với các đối tượng ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, viễn thông nên áp dụng tỷ lệ tối đa là 40%. Một số ngành dịch vụ có lợi nhuận kinh tế cao và trực tiếp tác động đến quá trình xuất nhập như giao nhận hàng hóa, vận chuyển... áp dụng tỷ lệ tối đa là 49%. Còn đối với danh mục ngành nghề có tính cạnh tranh mạnh, ngành nghề không thuộc vào các lĩnh vực cấm, lĩnh vực cần hạn chế... nên áp dụng tỷ lệ tối đa là 100%'', ông Đởm đề xuất.
Ngân hàng cũng ngán
Theo ông Hoàng Hải - việc hạn chế đầu tư nước ngoài cũng gây ngao ngán cho ngành ngân hàng, vì những khó khăn không nhỏ.
Văn bản pháp lý quy định mỗi nhà đầu tư chỉ được nắm giữ không quá 10% vốn điều lệ, các nhà đầu tư được sở hữu không quá 30% vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng. Qui định này không thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược là ngân hàng nước ngoài đối với khối ngân hàng cổ phần, vì toàn bộ các ngân hàng cổ phần có qui mô vốn nhỏ (chưa quá 500 tỷ đồng), trong khi 1 nhà đầu tư chiến lược chỉ được nắm giữ mức tối đa là 10% vốn điều lệ (chỉ là cổ đông thiểu số).
Thực tế trong 50 ngân hàng cổ phần, có 3 ngân hàng chỉ thu hút được vốn đầu tư nước ngoài từ các nhà đầu tư tài chính là Ngân hàng ACB, VPBank, Sacombank. Ngoại trừ VPBank thì 2 ngân hàng còn lại đều có lịch sử phát triển tốt, kinh doanh hiệu quả, tuy nhiên vai trò của nhà đầu tư nước ngoài là thụ động (tác động không nhiều tới phương thức quản trị DN) vì chỉ đầu tư lấy lãi.
Các Ngân hàng TMCP chưa thu hút được nhiều người tài như ngân hàng nước ngoài hay ngân hàng thương mại nhà nước. Qui mô vốn của khối ngân hàng cổ phần còn nhỏ so với yêu cầu đặt ra, mặc dù nhiều ngân hàng có tăng vốn điều lệ nhưng khả năng huy động vốn cổ phần là không dễ dàng. Ngân hàng thương mại cổ phần kém lợi thế hơn ngân hàng thương mại nhà nước do không được lợi thế về chính sách bao cấp tín dụng, cấp vốn nhà nước và độ an toàn rủi ro của đồng vốn.
Ngân hàng TMCP có nhiều lợi thế hơn ngân hàng nước ngoài ở giấy phép kinh doanh (được kinh doanh nhiều ngành hàng và ở nhiều địa bàn). Tuy nhiên, kinh doanh ở lĩnh vực ngân hàng có nhiều rủi ro hơn các ngành nghề khác, cộng với việc bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nên các ngân hàng cổ phần khó có thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.
Ông Hoàng Hải cho rằng, nếu tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng được tăng lên (giả sử là 49% vốn điều lệ), thì nhiều ngân hàng cổ phần sẽ có khả năng thu hút được vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, cho dù tình trạng kinh doanh còn chưa khả quan. Việc ''nới luật'' sẽ mở ra cơ hội thu hút được nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư nước ngoài. Phương thức quản trị cũng sẽ được cải thiện mạnh mẽ làm tăng khả năng thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong nước.
Ông Hồng Đởm kết luận: ''Các nhà đầu tư lớn vẫn còn mang tính dè dặt thăm dò mà chưa thực sự đầu tư mạnh vào Việt Nam. Mặc dù Việt Nam được nhìn nhận là một quốc gia đầy tiềm năng với những lợi thế như rừng nhiệt đới, biển lớn, lắm khoáng sản... và một lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công rẻ''.
-
Hồng Phúc