(VietNamNet) - "Nếu gạo đang có thị trường, được giá, thì chúng ta có thể cân đối lại lượng gạo nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, gạo dữ trữ; từ đó, tăng chỉ tiêu xuất khẩu, tăng thu nhập cho bà con nông dân", Cục phó Cục Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), ông Phan Huy Thông, khẳng định như vậy khi trao đổi với PV. VietNamNet.
Có thể tăng thêm trên 100.000 tấn
Cân đối của Cục Nông nghiệp cho thấy, năm nay, sản lượng lương thực của cả nước sẽ đạt khoảng 34,2 triệu tấn. Trong đó, vụ đông xuân 17 triệu tấn, hè thu 9,2 triệu tấn và vụ mùa có khả năng đạt 8 triệu tấn. Mặc dù giảm 400.000 tấn so với kế hoạch, chúng ta vẫn dành cho việc đảm bảo an ninh lương thực hàng năm là 20 triệu tấn. Số còn lại, theo Cục Nông nghiệp, 1,5 triệu tấn để làm giống; 3 triệu tấn dùng cho chăn nuôi; 1,5-2 triệu tấn dự trữ và khoảng 3 triệu tấn bị hao hụt do bảo quản. Như vậy, trừ tất cả các khoản trên, chúng ta còn lại khoảng 5,7 triệu tấn thóc, tương đương với 3,6-3,7 triệu tấn gạo. Nếu so với mục tiêu 3,5 triệu tấn, chúng ta có thể điều chỉnh tăng thêm 100.000-200.000 tấn gạo cho xuất khẩu.
Đến cuối tháng 7/2004, tỉnh An Giang đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa hè thu năm nay, với năng suất bình quân 5,2 tấn/ha, tăng 0,7 tấn/ha so với cùng kỳ và cao nhất từ trước đến nay. Huyện Châu Phú đạt gần 6 tấn/ha, cao nhất tỉnh. Với 213.348 ha lúa, cùng thời tiết thuận lợi, sản lượng lúa hè thu của An Giang năm nay đạt trên 1,117 triệu tấn, tăng 158.000 tấn và là năm có sản lượng lúa hè thu cao nhất từ trước đến nay (trong khi diện tích tương đương). |
Ông Thông cho rằng, con số trên chỉ là ước tính, chưa kể lượng gạo còn nằm trong kho của DN và lượng gạo gối đầu qua các năm. Như vậy, sản lượng gạo thực tế có thể còn cao hơn. Bên cạnh đó, phải kể đến khả năng tăng huy động, mua thóc dự trữ vụ hè thu này của các DN trong thời gian tới, mà hiện còn dè dặt do không còn chỉ tiêu xuất khẩu.
Để có thể cân đối lại lượng gạo dành thêm cho xuất khẩu, theo ông Thông, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh lượng lương thực tiêu dùng trong nước theo hướng giảm, cùng với việc bớt chút ít lượng thóc dự trữ. Song song đó là đẩy mạnh sản xuất vụ mùa, vụ thu đông tới bằng cách thâm canh tăng vụ, kết hợp gieo cấy giống lúa năng suất cao. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao. "Theo tôi biết, hiện nay, vụ thu hoạch hè thu tại ĐBSCL đang cao điểm, nhiều nơi năng suất tăng 1,5-2 tạ/ha so với năm 2003... Như vậy, tính toán của Cục Nông nghiệp thì lượng lương thực dôi dư cũng khá cao", ông Thông nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đẩy mạnh xuất khẩu, giá lúa gạo trong nước sẽ tăng nhanh. Điều này sẽ tác động xấu, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng đến 2 con số (10%) - cao hơn mức Quốc hội cho phép. Song, ông Thông nhấn mạnh, mặc dù giá lương thực, thực phẩm tăng cao nhất, nhưng trên thực tế, cũng không tăng nhiều hơn so với các nhóm hàng khác, như vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, xăng dầu... Bên cạnh đó, việc lương thực tăng có ảnh hưởng đến đời sống của người làm công ăn lương, nhưng với nông dân, những người vốn chịu vất vả, thiệt thòi nhất (do nhiều năm qua, giá lương thực luôn ở mức thấp) thì việc tăng giá là tin vui, vì 80% lao động nông thôn được cải thiện đời sống, tăng thu nhập. Do vậy, theo ông Thông, nếu muốn bình ổn giá cả lương thực, phải kết hợp bình ổn các mặt hàng khác.
Bộ Thương mại nói phải chờ
Trao đổi với PV VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu cho biết: ''Việc điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo là vấn đề rất nhạy cảm trong thời điểm hiện nay. Bộ Thương mại đang tổ chức đoàn khảo sát tình hình tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL, tuần sau sẽ về. Căn cứ vào kết quả khảo sát, chúng tôi sẽ tính toán trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo cụ thể''.
Trước việc Bộ Thương mại yêu cầu các DN tạm ngưng ký các hợp đồng xuất khẩu, nhiều địa phương, DN đang xin thêm chỉ tiêu xuất khẩu. Sau khi cân đối lương thực trên địa bàn, tỉnh Kiên Giang đề nghị được xuất thêm 80.000 tấn. Tại Cần Thơ, nông trường Cờ Đỏ, Công ty CP Thương nghiệp và Chế biến Lương thực Thốt Nốt (GENTRACO) cũng vừa có đề xuất ký thêm hợp đồng lương thực với Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Nông trường Cờ Đỏ còn trong kho 8.000 tấn lúa và 6.000 tấn gạo thành phẩm các loại. Với GENTRACO, sau khi cung ứng cho các hợp đồng đã ký, cũng còn 20.000 tấn, phần lớn là gạo thơm Jasmine. Mặc dù mới đây, Bộ Thương mại đã đồng ý cho các DN tiếp tục xuất khẩu thêm gạo thơm và gạo nếp, song, lại khống chế tối đa ở mức 5.000 tấn/tháng/loại.
Một chuyên gia về xuất khẩu gạo của Bộ NN-PTNT cho rằng, việc Bộ Thương mại hạn chế xuất khẩu ở mức 3,5 triệu tấn là hợp lý, vì còn để dành gạo xuất khẩu vào đầu năm tới, khi giá thế giới lên cao. "Kinh nghiệm vừa qua cho thấy, các DN trong nước xuất đến kiệt kho vào cuối năm 2003, nên đầu năm nay, giá nội địa tăng theo giá thế giới làm DN lỗ nặng. Hơn nữa, tình hình thiên tai năm nay khó đoán trước, vụ mùa ở miền Bắc lại mới bắt đầu, phải đến tháng 9 mới có thể bổ sung chỉ tiêu", ông này nói. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho rằng, đến tháng 9, mới có quyết định về việc tăng thêm chỉ tiêu xuất khẩu gạo.
Chưa biết mục tiêu 3,5 triệu tấn có được điều chỉnh hay không, và điều chỉnh vào thời điểm nào, nhưng khi Chính phủ đồng ý với Bộ Thương mại về chủ trương ngưng hoạt động xuất khẩu gạo, giá lúa hàng hóa tại ĐBSCL những ngày qua bắt đầu chựng lại, thậm chí còn giảm 50-200 đồng/kg, chỉ 2.150-2.170 đồng/kg; trong khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao. Và giá gạo xuất khẩu vẫn vững ở mức 231 USD/tấn (gạo 5% tấm), 222 USD/tấn (25% tấm).
-
Hà Yên - Phương Thanh