(VietNamNet) - Theo các nguồn tin nước ngoài, sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế sơ bộ đối với tôm nhập khẩu từ 6 nước châu Á và Mỹ Latinh, ngư dân nước này hiện đang lo lắng vì phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước xuất khẩu tôm khác, nhất là Indonesia.
Những người chỉ trích thuế nhập khẩu tôm cho rằng, biện pháp mà Chính phủ Mỹ áp dụng đối với 6 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới sẽ không thể giúp các ngư dân trong nước bằng việc đẩy giá tôm lên. Thị trường sẽ tự điều chỉnh, và các nước xuất khẩu tôm khác, như Indonesia, sẽ chiếm thị phần tôm tại Mỹ.
Ông Bob Rosenberry, chủ tờ Tạp chí Ngành Thuỷ sản (Seafood Industry Magazine) nhận xét, chính sách áp thuế chống bán phá giá đối với 6 nước xuất khẩu tôm lớn "có thể chỉ làm thay đổi tên nước xuất xứ in trên các vỏ hộp tôm nhập khẩu vào Mỹ trong một thời gian". Kể từ khi Mỹ ra phán quyết sơ bộ, giá tôm sú trên thị trường Mỹ tăng từ 10-30 cent/pound. Hiện nay, 1/3 thị trường tôm nhập khẩu của Mỹ là tôm sú, còn lại là tôm thẻ chân trắng. Giá tôm thẻ chân trắng vẫn ở mức ổn định.
Giám đốc một công ty thuỷ sản tại San-Diego (Mỹ) cho biết, với mục tiêu thu được lợi nhuận cao nhất, các công ty toàn cầu đang cố gắng tận dụng tình thế hiện nay. Nhiều công ty hoạt động trong các ngành khác cũng tiến hành đầu tư vào các nước, như Venezuela, Iran để thâm nhập vào thị trường tôm của Mỹ. Các nước nuôi tôm nhỏ nhưng đang phát triển như Belize cũng kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Mới đây, một số công ty tiếp thị thuỷ sản của Bangladesh đã gửi email quảng cáo sản phẩm có tên "tôm- 0% thuế" sang Mỹ.
Tận dụng cơ hội do vụ kiện tôm mang lại, Indonesia cũng đang đẩy mạnh phát triển ngành tôm trong nước. Đây đang là một trong những nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới. Tính từ đầu năm đến nay, Indonesia đã xuất khẩu tôm sang Mỹ với khối lượng gần bằng cả năm 2003. Ông Johanes Kitono, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản Indonesia, dự đoán, sản lượng tôm của nước này trong cả năm 2004 có thể đạt 452 triệu pound, trong đó 60% sẽ dành cho xuất khẩu, và chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ. Từ vị trí đứng thứ 7, trong vài năm tới, nước này có khả năng sẽ vươn lên nhóm 3 nước xuất khẩu tôm lớn nhất cho thị trường Mỹ.
Bà Ernie Anderson, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh thuỷ sản bang Alabama, cho rằng, nếu khối lượng xuất khẩu tôm của Indonesia vào thị trường Mỹ tăng mạnh, các luật sư của họ sẽ xem xét và có thể cũng sẽ đâm đơn kiện Indonesia.
Trước đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp Indonesia công bố sẽ thắt chặt các quy định đối với tôm nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Quyết định trên được đưa ra sau khi Hiệp hội Ngành Khai thác Thuỷ sản Indonesia (GAPPINDO) có những khiếu nại cho rằng, các nước bị áp thuế đã bắt đầu xuất tôm sang Mỹ qua Indonesia. Các cơ quan quản lý Indonesia lo ngại, nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn thì có thể Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá với cả tôm nhập khẩu từ Indonesia và điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành thuỷ sản của nước này.
Theo các quy định mới, nhập khẩu của các công ty chế biến tôm sẽ bị hạn chế và tất cả các nhà nhập khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ của sản phẩm.
-
H.Phương