(VietNamNet) - Bất lợi về chế độ quota (hạn ngạch), DN dệt may phải chú trọng vào hoạt động quảng bá để tìm kiếm con đường khác đến với khách hàng.
Ông Benjamin Chau, Giám đốc Triển lãm của TDC. |
Vào đầu năm tới (từ 1/1/2005), trong khi 147 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được hưởng chế độ phi quota (hạn ngạch) thì DN dệt may Việt Nam vẫn phải tiếp tục mang "chiếc vòng kim cô" hạn ngạch, do chưa phải là thành viên WTO.
PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Benjamin Chau, Trợ lý Giám đốc Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong, khi ông có mặt tại Việt Nam hôm 4/8, với tư cách Giám đốc Triển lãm của Công ty TDC, để giới thiệu về triển lãm Fashion Week và World Boutique 2005.
Theo ông Chau, đối với nền kinh tế thế giới, khi bỏ quota sẽ là cơ hội và cũng là thách thức. DN thuộc các nước thành viên WTO có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng cũng có nguy cơ bị bóp chẹt bởi những nhà cung cấp có khả năng cạnh tranh cao hơn. Riêng đối với Việt Nam thì thách thức sẽ nhiều hơn là cơ hội, bởi Việt Nam chưa phải là thành viên của tổ chức này.
Đẩy mạnh quảng bá để tìm kiếm khách hàng trực tiếp
- PV: Nhiều người nghĩ rằng Việt Nam sẽ không có lợi thế bằng những nước thành viên WTO, như thế Việt Nam sẽ không có nhiều cơ hội xuất khẩu. Theo ông, đây là điều đáng lo lắng đối với VN?
- Ông Chau: Trong tiếng Hoa của chúng tôi có từ khủng hoảng mà tiếng Anh gọi là crisis. Từ khủng hoảng này có hai nghĩa, đó là sự nguy hiểm (danger) và cơ hội (opportunities). Cũng như vậy, việc bãi bỏ hay áp đặt quota nói chung có cả cơ hội và thách thức. Song, đối với khách mua hàng, tôi nghĩ rằng, quyết định để họ đặt hàng với DN nào đó không phải dựa vào việc nhà cung cấp có quota hay không. Thay vào đó, họ quan tâm đến năng lực sản xuất, chất lượng hàng hóa, chi phí sản xuất và khả năng giao hàng đúng hạn.
Quota bãi bỏ, người ta nghĩ ngay đến sự bất lợi đối với DN vừa và nhỏ vì khả năng hạn chế trong đơn hàng. Nhưng nếu những DN vừa và nhỏ này chứng minh được sự đáng tin cậy đối với khách hàng, thì không có lý do gì khách hàng quay lưng lại với họ. Tôi nghĩ rằng, DN Việt Nam, mà phần lớn là vừa và nhỏ, có khả năng cạnh tranh và cung cấp sản phẩm với chi phí thấp, đảm bảo chất lượng yêu cầu. Họ có thể tạo ra được cơ hội xuất khẩu không phải chỉ đến khách hàng gián tiếp mà còn cả khách hàng trực tiếp.
- Xuất khẩu gián tiếp đã khó, nay ông nói đến việc xuất khẩu trực tiếp cho khách hàng. E rằng việc này còn khó hơn khi quota đe dọa ngăn cản bước phát triển của DN Việt Nam?
- Từ nhiều năm nay DN Việt Nam phần lớn làm hàng và xuất khẩu gián tiếp, chưa chú ý nhiều đến khách hàng trực tiếp. Khách hàng gián tiếp thường yêu cầu với số lượng lớn và liên quan đến quota. Khi quota bãi bỏ, khách hàng gián tiếp có hướng tập trung vào nhà cung cấp có năng lực lớn và thường không ưu tiên cho nhà cung cấp nhỏ. Vì vậy, các DN nhỏ và vừa nên mở rộng đối tượng xuất khẩu theo hướng tìm kiếm những khách hàng trực tiếp.
Muốn làm được việc này, DN cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại ở những thị trường mới để tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Nếu DN có năng lực cạnh tranh cao, nhưng lại không chú ý đến hoạt động quảng bá, thì họ sẽ khó có cơ hội có thêm những khách hàng mới. Và điều này tôi nghĩ còn cần thiết hơn đối với DN Việt Nam, khi quota đang đe dọa ngăn cản bước phát triển của DN. Khách hàng nước ngoài sẽ dễ bỏ qua DN Việt Nam để đến với những nhà cung cấp không bị hạn chế bởi quota. Nhưng nếu DN tạo được hình ảnh đối với họ thì có thể làm thay đổi suy nghĩ của họ. Tham gia vào các cuộc hội chợ triển lãm quốc tế, DN Việt Nam có thể tiếp cận được những khách hàng tiềm năng.
TDC - Hong Kong luôn dành cơ hội cho DN VN quảng bá sản phẩm
- Chúng tôi biết rằng, Công ty TDC hàng năm đều có những triển lãm cho ngành dệt may ở Hong Kong. Có phải việc sang Việt Nam và tổ chức buổi hội thảo dệt may hồi hôm 4/8 qua là nhằm quảng bá cho cuộc triển lãm của Công ty?
- Chúng tôi không có ý định sang Việt Nam lần này để bán gian hàng trong triển lãm thời trang dệt may, mà vì lợi ích của khách hàng. Có rất nhiều DN ở Trung Quốc quan tâm và muốn tham gia triển lãm của TDC, nhưng chúng tôi chưa sẵn sàng nhận yêu cầu của họ. Thực sự chúng tôi muốn dành những cơ hội đó cho DN Việt Nam.
Như chúng tôi đề cập ở trên, chúng tôi làm những việc này vì lợi ích của khách hàng, bao gồm những DN, nhà cung cấp, những người tham gia triển lãm và những người đến tham quan triển lãm. Để thu hút cũng như tạo điều kiện cho các DN và khách hàng nói chung, cuộc triển lãm cần có sự đa dạng, hay nói cách khác cần có nhiều lựa chọn. Chính vì vậy, chúng tôi muốn sự tham gia của DN Việt Nam nhằm làm phong phú và đa dạng thêm gian hàng cũng như sản phẩm trưng bày trong cuộc triển lãm, điều mà trong những triển lãm trước còn chưa đạt, mặc dù vẫn có nhiều DN của các nước khác tham gia.
- Phải chăng việc tham gia không hiệu quả nên không có nhiều công ty Việt Nam?
Chúng tôi không muốn nói đến việc liệu tham gia triển lãm có hiệu quả hay không, nhưng chúng tôi muốn đề cập đến một vài số liệu. Các gian hàng trưng bày hàng dệt may của Ấn Độ hồi năm ngoái có 60 DN tham gia và năm nay có 90 DN đăng ký. Đối với gian hàng của Trung Quốc, trước đây chỉ có 100 DN nay tăng lên 200 DN. Trung Quốc và Ấn Độ là những cường quốc xuất khẩu về dệt may. Họ phải đánh giá được mức độ hiệu quả của triển lãm mới duy trì số lượng tham gia năm sau cao hơn năm trước như vậy.
Cần lưu ý rằng, trong các cuộc triển lãm mà chúng tôi tổ chức, thường có đến 14.000 lượt khách tham quan, trong đó có phân nửa là các nhà nhập khẩu sản phẩm dệt may từ khắp nơi trên thế giới.
Cách đây 2 năm, có khoảng 20 DN Việt Nam tham gia triển lãm, nhưng đến năm ngoái chỉ có 1 DN tham gia. Chúng tôi rất tiếc cho điều này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có lẽ Chính phủ đã cắt giảm viện trợ cho DN tham gia triển lãm ở nước ngoài, mà việc tham những triển lãm ở nước ngoài như Hong Kong khá tốn kém, vì vậy ít DN Việt Nam có đủ khả năng về tài lực.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu DN Việt Nam không đẩy mạnh hoạt động quảng bá thì sẽ rất khó khăn cho họ khi quota không còn, mà các khách hàng chỉ chú ý đến những quốc gia không bị áp đặt quota.
- Xin cám ơn.
-
Minh Quang