Theo nhận định, TCVN ngày càng đứng trước những khó khăn bởi đối thủ cạnh tranh chính của chúng ta là Thái Lan. Với họ, mỗi ngày càng mạnh thêm, còn chúng ta thì càng ..yếu dần. Điều này được minh chứng, ngày 18/6/2004, Trung Quốc đã ký với Thái Lan Hiệp định ưu đãi thuế quan riêng cho rau quả hai nước, tức đặt các doanh nghiệp Việt Nam vào thế cạnh tranh gay gắt.
Hiện có 188 mặt hàng, chiếm phần lớn rau quả của Thái Lan xuất vào Trung Quốc được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Trong khi đó, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 80% trái cây tươi của Việt Nam, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Chủ yếu trái cây xuất khẩu của nước ta được thông qua bằng con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên., lợi thế xuất khẩu này đang có nguy cơ bị mất dần bởi từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, hàng rào thuế quan của họ sẽ bị cắt giảm dần.
Cũng theo khảo sát, hiện thị trường trái cây của Thái Lan đang được mở rộng và bán ồ ạt sang 33 nước có nhu cầu lớn. Đặc biệt, chính phủ Thái Lan rất quan tâm đến vai trò của thương hiệu còn các doanh nghiệp ngành trái cây nước ta chưa hiểu rõ vai trò của thương hiệu. Họ thường lẫn lộn giữa thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa. Đây cũng là một nguyên nhân khiến TCVN không thể đi xa được.
Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng hai mặt hàng nhãn và sầu riêng của Thái Lan trong quý 1/2004 xuất sang Trung Quốc, họ đã thu về 29 triệu USD, với khoản thuế được giảm 4,7 triệu USD (Nhờ Hiệp định rau quả TQ -TL). Trong khi đó, tính cả rau và quả thì chúng ta mới chỉ bằng 37,5% kim ngạch xuất khẩu trái cây của Thái Lan.
Từ thực trạng trên, Thạc sĩ Cao Ngọc Thành, công tác tại Viện Kinh tế TP.HCM cho rằng để giữ được thị trường Trung Quốc ổn định và lâu dài cần phải thống kê lại các doanh nghiệp, kể cả hộ cá thể xuất hàng sang Trung Quốc có tính tương đối ổn định thì hỗ trợ họ thành những doanh nghiệp lớn đủ sức cạnh tranh để vào sâu thị trường nội địa Trung Quốc.
Ngoài ra, cần tổ chức các chợ đầu mối rau quả biên giới kết hợp với phía bạn để bàn và tổ chức về cách thức mua bán, giá cả số lượng, phương pháp trao đổi...với mục đích để hai bên cùng có lợi. Quan trọng hơn cả, các cơ quan ngoại giao, các thương vụ Việt nam ở Trung Quốc cùng phối hợp, thúc đẩy họat động theo đường chính ngạch. Cùng các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh và hải quan các cửa khẩu phối hợp giải quyết những phát sinh, có thể mở kho tàng , bến bãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trái cây nước ta thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
-
C.L