221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
495140
CPH để tăng ''sức đề kháng'' cho các ngân hàng
1
Article
null
CPH để tăng ''sức đề kháng'' cho các ngân hàng
,

(VietNamNet) - Có thể Nhà nước sẽ mất vốn, thiệt đấy nhưng lại là hướng phát triển tất yếu để tăng khả năng huy động vốn và tăng ''sức đề kháng'' cho các ngân hàng thương mại.

Quá thiếu những quy định pháp lý để cho các ngân hàng làm thí điểm CPH.

Đó là nhận định của TS. Phạm Thanh Bình - Thành viên hội đồng KH&CN ngân hàng và các đại biểu tại Hội thảo khoa học về cổ phần hóa (CPH) các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) sáng nay (3/8), tại Hà Nội. Xung quanh việc CPH NHTMNN, TS.Bình đã có cuộc trao đổi với báo giới.

- VietNamNet: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng nếu CPH các ngân hàng thương mại quốc doanh, Nhà nước sẽ ''thiệt''?

- TS. Phạm Thanh Bình: Trước hết phải xác định giá trị DN để xem sở hữu nhà nước còn nắm bao nhiêu trong ngân hàng. Nếu nợ xấu nhiều sẽ phải trừ khỏi giá trị DN và có thể Nhà nước sẽ mất vốn, thiệt đấy nhưng đây là hướng phát triển tất yếu để tăng khả năng huy động vốn trong công chúng, để kinh tế phát triển. Không thể trông chờ vào Nhà nước mãi được, không có Nhà nước nào lo vốn được cho các NHTM.

Định giá DN là công việc phức tạp nhất trong quá trình CPH các DN nói chung và đặc biệt là đối với các NHTM nhà nước.

- VietNamNet: Cụ thể, sẽ gặp những khó khăn gì?

- Cái khó thứ nhất là việc xử lý nợ khó đòi. Về nguyên tắc, nợ khó đòi phải loại khỏi giá trị DN CPH. Nếu việc xác định nợ khó đòi theo các chuẩn mực quốc tế của một NHTM nào đó quá cao (chẳng hạn tới 20 - 30%) thì có còn hấp dẫn nhà đầu tư và liệu chủ sở hữu (Nhà nước) có chấp nhận?

Hai là, giá trị NHTM được CPH có thể tăng thêm khi đánh giá lại tài sản cố định mà trước hết là nhóm bất động sản. Giá trị còn lại (sau khi khấu hao) của các trụ sở, văn phòng, tài sản xiết nợ (nếu đã chuyển thành tài sản cố định của ngân hàng phải được tính lại theo giá thị trường chắc chắn sẽ tăng hơn vì giá trị danh nghĩa của chúng đã quá lỗi thời. Tuy vậy, liệu khung giá mới theo Luật Đất đai mới đã sẵn sàng và hợp lý hay chưa để có thể định giá lại?

Ba là, vốn chủ sở hữu cũ (Nhà nước) về nguyên tắc phải là vốn thực. Nhưng thực tế, qua 4 đợt tăng vốn bổ sung vừa qua, Nhà nước đã cấp loại ''trái phiếu đặc biệt" cho các NHTMNN. Về bản chất, đây chỉ là vốn danh nghĩa (vốn ghi sổ) nên chúng không thể tạo nên giá trị DN. Vậy thì Nhà nước có chấp nhận loại trừ vốn này khỏi giá trị DN để rồi sau khi CPH vốn không tăng mà lại giảm không. Còn nếu không loại trừ thì nhà đầu tư liệu có chấp nhận?

Bốn là, ai sẽ là tổ chức đánh giá lại DN trước khi CPH? Rõ ràng phải có các tổ chức kiểm toán độc lập làm việc này. Tuy vậy, có thể dự đoán trước được sự phức tạp sẽ xảy ra sau khi kết quả kiểm toán được hoàn thành mà trọng tâm là nhóm tài sản có là nợ khó đòi và nhóm tài sản nợ là vốn của chủ sở hữu Nhà nước.

- Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN): Ví dụ cụ thể như trường hợp CPH Ngân hàng VCB thì khó khăn hiện nay ở chỗ nào?

- Đánh giá giá trị tài sản đối với VCB rất khó. Nhà nước hiện có khoảng 3.000 tỷ trong ngân hàng này, trong đó gần 1 nửa  là vốn thực, còn 1 nửa là trái phiếu đặc biệt của Nhà nước. Bây giờ ta phải xác định xem vốn thực có bao nhiêu; trong tổng tài sản DN nợ xấu bao nhiêu, bao nhiêu đòi được bao nhiêu không thể đòi được. Không đòi được phải trừ ra, nếu không đòi được quá lớn thì vốn chủ sở hữu lại giảm đi. Đây là việc khó bởi lúc đó coi như Nhà nước sẽ mất vốn, xử lý thế nào...

- Đài TNVN: Nếu như làm thật minh bạch và chính xác...?

- Việc CPH NHTMNN nếu xử lý triệt để sẽ động chạm đến phần vốn của Nhà nước còn lại, giá trị thật tài sản của Nhà nước có thể sẽ không lớn, khó khăn nhất đấy...

- Báo Đầu tư: Hình như theo cách tính của ông thì ''giá trị nhà nước'' của VCB... âm?

- Không thể nói ''âm'' vì việc đó còn tùy thuộc vào đánh giá nợ xấu. Nếu số nợ xấu có khả năng mất hẳn (không đòi được - PV) mà lớn thì Nhà nước mất lớn. Tỷ lệ thấp không có nghĩa là âm, nên tùy thuộc vào cách đánh giá như thế nào.

- VietNamNet: Còn cái chúng ta được gì trong chuyện CPH các ngân hàng?

- Với các ngân hàng TMNN, sau khi CPH, tôi nghĩ sẽ có những cái lợi nhất là: tăng tiềm lực tài chính; tăng tính cạnh tranh và hiệu quả; giảm độc quyền; tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhà nước; cải thiện mạnh mẽ năng lực quản trị, điều hành của các NHTM.

Hiện 5 ngân hàng TMNN có số vốn thuộc sở hữu Nhà nước khoảng trên 15.500 tỷ đồng, bình quân 3.100 tỷ đồng cho 1 ngân hàng. Số vốn này thật nhỏ bé nếu đem so sánh với các ngân hàng quốc tế mà Việt Nam đang và sẽ phải cạnh tranh. Bên cạnh đó, mức tăng dư nợ tín dụng hàng năm (20% trong mấy năm gần đây) làm hệ số đủ vốn của các ngân hàng giảm nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2003, tỷ lệ vốn tự có so với tổng tài sản có của các NHTM bình quân chỉ đạt 3%, nếu so với tổng tài sản có điều chỉnh theo mức độ rủi ro cũng chỉ đạt trên 4% trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế (Basel) đòi hỏi tối thiểu là 8%. Nếu mức tăng tín dụng cứ tiếp tục cao mà vốn chủ sở hữu tăng không đáng kể thì chỉ sau 5 năm nữa, tỷ lệ này chỉ còn 2%.

Nhu cầu vay vốn của khách hàng lớn trong khi hiện một khách hàng lớn ở Việt Nam cũng chỉ vay được Ngân hàng Nông nghiệp tối đa 780 tỷ, Ngân hàng Nhà ĐBSCL tối đa là 105 tỷ.

Một thực tế nữa, trong số vốn tự có hiện nay của các NHTM thì trên 50% là vốn danh nghĩa, tức được hình thành từ trái phiếu đặc biệt. Loại trái phiếu này chỉ biến dần thành vốn mỗi năm có 3% do cách trả lãi trái phiếu đặc biệt của Bộ Tài chính.

Các NHTM khó có hy vọng được tăng vốn thực sự bằng nguồn của NSNN do tình trạng ngân sách Việt Nam và cũng không nên trông mong ở Nhà nước. Con đường cổ phần hóa là cách lựa chọn cần thiết. Việc này sẽ tìm được nguồn vốn từ những chủ nhân mới là các nhà đầu tư tiềm năng (công chúng, nhân viên ngân hàng, các DN, Việt kiều...).     

- Đài TNVN: Vấn đề vướng mắc cốt lõi nhất hiện tại là gì?

- Là thiếu những quy định pháp lý để cho các ngân hàng làm thí điểm CPH. Ta còn 5 ngân hàng TMNN, rất cần phải có những quy định pháp lý. Trên cơ sở đó đánh giá xem tài sản như thế nào, từ đó xác dịnh được giá trị cổ phiếu, cổ phần cụ thể là bao nhiêu.

- Thanh Niên: Vậy trong hai mục tiêu tăng vốn và cơ cấu lại sở hữu để đổi mới khối ngân hàng, theo ông mục tiêu nào quan trọng hơn?

- Hai cái đó quan hệ lẫn nhau. Tăng vốn phải đánh giá lại sở hữu nhà nước. Tăng vốn hiện cấp bách rồi vì tín dụng tăng hàng năm rất lớn. Tôi cho rằng tăng vốn phải tăng ngay. Người ta hội nhập rồi mình không thể áp dụng chuẩn mực riêng mãi. Tăng vốn là cấp thiết nhưng không thể thiếu việc xác định giá trị cần thiết.

- VietNamNet: Nếu chưa thể CPH ngay vì những vướng mắc, chúng ta có thể làm được gì trước mắt?

- Để chuyển hoàn toàn các ngân hàng thương mại thành công ty cổ phần là khó khăn rất lớn hiện nay. Đây là vấn đề rất cần thiết, nhưng cũng rất nhiều khó khăn chưa thể giải quyết ngay. Trước mắt có thể chọn hình thức phát hành cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu trong thời kỳ quá độ lên CPH.

- Xin cảm ơn ông!

  • Hồng Phúc - ghi
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,