(VietNamNet) - Theo tin trên mạng Yonhap, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định mua 100.000 tấn gạo của Việt Nam để phục vụ chương trình 300.000 tấn gạo viện trợ cho CHDCND Triều Tiên. Số gạo này sẽ được chuyển thẳng tới đầu mối nhận viện trợ tại Bình Nhưỡng.
200.000 tấn gạo còn lại Hàn Quốc vẫn chưa công bố sẽ nhập khẩu từ nước nào. Nhiều thương nhân cho rằng, rất có thể là Thái Lan.
Trước đó, Bộ Thương mại đã chỉ định Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đại diện cho Việt Nam tham gia đấu thầu xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang Hàn Quốc trong tháng 7.
Hiện nay, giá gạo xuất khẩu tại châu Á vẫn duy trì ở mức cao. Theo một thương nhân Thái Lan, nhu cầu gạo lớn từ Hàn Quốc đã góp phần đẩy giá gạo tăng cao ở tất cả các loại, và mức giá này còn cao đến tuần tới. Hiện, Nigeria, Nam Phi, một số quốc gia Trung Đông đã ký hợp đồng mua gạo của Thái Lan. Giá gạo Thái 100% loại B đang được chào 240-247 USD/tấn FOB cảng Bangkok, gạo 5% tấm là 234-240 USD/tấn, gạo 25% tấm khoảng 227-229 USD/tấn. Thái Lan cũng vừa trúng thầu xuất khẩu 200.000 tấn gạo sang Trung Quốc.
Tại Việt Nam, gạo xuất khẩu vững giá. Gạo 5% tấm được chào bán 229 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn; gạo 25% tấm là 219 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước. Tại cảng Sài Gòn hiện có 10 tàu đang chờ bốc xếp gạo, với tổng lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng lên đến mức kỷ lục là trên 95.000 tấn. Số gạo này được chuyển đến Philippines, Cuba và châu Phi.
Như vậy, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với 100.000 tấn gạo trúng thầu tại Hàn Quốc hôm 26/7, các DN kinh doanh gạo của cả nước đã ký được hợp đồng xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo, hoàn thành chỉ tiêu của Bộ Thương mại. Đến nay, gần 2,6 triệu tấn đã được giao cho khách hàng. Tuy nhiên, Hiệp hội cũng vừa có văn bản gửi Bộ Thương mại đề nghị không tính các hợp đồng xuất khẩu 3 loại gạo (chiếm khoảng 200.000 tấn): nếp, gạo thơm và tấm vào chỉ tiêu xuất khẩu 3,5 triệu tấn, bởi cân đối của Bộ NN&PTNT cho thấy, qua thu hoạch vụ hè thu, lượng hàng trong nước vẫn bảo đảm cho xuất khẩu trong năm nay khoảng 3,7 triệu tấn.
-
Hà Yên