221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
460536
Bảo hiểm nông nghiệp: Nhà nước ở đâu?
1
Article
null
Bảo hiểm nông nghiệp: Nhà nước ở đâu?
,

(VietNamNet) - Dịch cúm gà đã làm ''thời thế'' thay đổi, từ chỗ chẳng ai để mắt đến bảo hiểm nông nghiệp thì nay, người nông dân có nhu cầu lại khó có thể tìm nơi mua được loại bảo hiểm này. Đơn giản vì nó đang là lĩnh vực kinh doanh rất ''xương'', thừa rủi ro, thiếu lợi nhuận, nên các DN bảo hiểm rủ nhau... tránh cho xa.

Nông dân Việt Nam quá ''cô độc'' khi chống chọi với dịch bệnh?

Nhiều người nước ngoài đã rất ngạc nhiên khi biết rằng, với một nền kinh tế như Việt Nam, sản lượng nông nghiệp chiếm khoảng 30% GDP, nhưng khái niệm ''bảo hiểm nông nghiệp'' lại quá xa lạ.

Mất gà mới lo tìm... bảo hiểm

Theo Vụ Bảo hiểm - Bộ Tài chính, tỷ trọng tham gia bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam đứng ở mức rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 1% tổng diện tích cây trồng, số vật nuôi. Tính đến hết năm 2001, mới chỉ có 0,19% diện tích cây trồng; 0,24% số trâu bò; 0,10% đàn lợn và 0,04% số gia cầm được bảo hiểm.

Trong khi đó, theo Hội Nông dân Việt Nam, tổng giá trị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp hàng năm lại rất lớn, tương ứng 8,2% GDP (1994), 10,5% GDP (1997), 4,8% GDP (1999) và 4,57% GDP (2000). Nói cách khác, bảo hiểm nông nghiệp là cực kỳ cần thiết đối với người nông dân.

Trong đợt cúm gia cầm vừa qua, cả nước đã có trên 38 triệu gia cầm mắc dịch, chết và tiêu huỷ, chiếm 15% tổng đàn của cả nước, gây thiệt hại khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của hàng triệu hộ gia đình.

Xét dưới góc độ tài chính, một phần của những tổn thất nêu trên đã có thể được bù đắp, nếu những người chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ gia cầm được bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, trong phạm vi cả nước, mới chỉ có một đàn gà với tổng số trên dưới 500 con được bảo hiểm với số tiền bồi thường khoảng 12 triệu đồng. Điều này cho thấy một thực tế là trong thời gian qua, nghiệp vụ bảo hiểm vật nuôi nói riêng và bảo hiểm nông nghiệp nói chung ở Việt Nam đã chưa được quan tâm, chú ý đúng mức nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Bảo hiểm nông nghiệp ''đã từng'' xuất hiện

Trên thực tế, bảo hiểm nông nghiệp được triển khai ở Việt Nam từ khá sớm. Ngay từ đầu những năm 1980, Bảo Việt đã thí điểm nhận bảo hiểm cây lúa ở hai huyện Vụ Bản và Nam Ninh, tỉnh Nam Hà, trước khi mở rộng nghiệp vụ này ra nhiều địa phương trong phạm vi cả nước vào năm 1993. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do, hoạt động bảo hiểm cây lúa của Bảo Việt gặp phải không ít khó khăn dẫn đến diện tích gieo trồng được bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm giảm dần, trong khi tỷ lệ bồi thường lại đứng ở mức cao.

Trong suốt thời gian từ 1994 đến 1998, Bảo Việt đã nhận bảo hiểm cho diện tích hơn 200.000ha lúa, thu phí được 13 tỷ đồng nhưng lại bồi thường hết 14,4 tỷ đồng. Từ năm 1999 trở đi, Bảo Việt đã ngừng triển khai bảo hiểm cây lúa do thua lỗ. Bên cạnh bảo hiểm cây lúa, Bảo Việt cũng đã xúc tiến bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cho một số loại cây công nghiệp như cao su, cây bạch đàn làm nguyên liệu giấy. Tuy nhiên, các sản phẩm này mới chỉ được triển khai ở quy mô nhỏ, hiệu quả còn hạn chế và đã chấm dứt từ bao giờ chẳng rõ...

Tương tự, năm 2002, Công ty TNHH bảo hiểm tổng hợp Groupama cũng đã cung cấp các dịch vụ bảo hiểm vật nuôi, cây trồng; bảo hiểm tài sản, thiệt hại dùng trong sản xuất nông nghiệp, bảo hiểm việc cung ứng nguyên vật liệu thiết bị và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động nông nghiệp và trách nhiệm dân sự trong sản xuất nông nghiệp. Phạm vi hoạt động của Công ty giới hạn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.

Sau 2 năm đi vào hoạt động, mặc dù đã có nhiều cố gắng và được sự giúp đỡ của Bộ Tài chính về cơ chế, chính sách, song hoạt động của công ty vẫn không sáng sủa và phải ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp.

Nông dân ngại, DN không mặn mà

Theo ông Lê Song Lai - Vụ phó Vụ Bảo hiểm - Bộ Tài chính, sở dĩ bảo hiểm nông nghiệp đã thất thế ở thị trường Việt Nam thời gian qua là do người dân ở nhiều địa phương chưa có thói quen tham gia bảo hiểm. Nhiều người còn chưa thực sự tin tưởng, chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích, vai trò của bảo hiểm trong việc duy trì ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh... Điều này một phần xuất phát từ việc tuyên truyền về bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm còn yếu.

Điều kiện kinh tế xã hội tại một số địa phương, đặc biệt là những vùng xa, vùng sâu, vùng chịu nhiều thiên tai còn thấp, nhiều hộ gia đình không đủ khả năng tài chính để tham gia bảo hiểm, mặc dù phí bảo hiểm đã được tính ở mức khá thấp.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn chưa phủ kín địa bàn, chưa vươn đến những nơi có nhu cầu. Có một nghịch lý là những người dân sinh sống tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai có thể sẵn sàng và tự nguyện tham gia bảo hiểm, thì các DN bảo hiểm lại tỏ ra không mặn mà với đối tượng khách hàng có độ rủi ro cao này.

Mặt khác, do những đặc thù của sản xuất nông nghiệp, chi phí cho bán bảo hiểm lớn, việc kiểm tra, giám định tổn thất và bồi thường gặp khó khăn, trong khi hoa hồng lại thấp so với số phí bảo hiểm thu được... nên không thực sự hấp dẫn đối với DN bảo hiểm. Nếu tăng phí bảo hiểm tương ứng với rủi ro thì người dân không có khả năng tham gia; còn nếu giữ phí bảo hiểm ở mức thấp thì không đảm bảo khả năng tài chính.

Một trở ngại nữa là việc giải quyết bồi thường bảo hiểm còn chậm, thủ tục còn phiền hà, gây nhiều khó khăn cho người tham gia bảo hiểm. Việc thiết kế sản phẩm bảo hiểm chưa phù hợp với điều kiện dân trí, nhiều điều khoản bảo hiểm còn phức tạp, dễ dẫn đến nhầm lẫn, tranh chấp, nhất là khi đại lý không hoàn thành nghĩa vụ giải thích hợp đồng.

Chính phủ sẽ hỗ trợ phí bảo hiểm cho nông dân?

Hàng ngàn nông dân đã thiệt hại nặng nề bởi dịch cúm gia cầm.

Theo ông Lai, Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu các giải pháp có thể áp dụng để hỗ trợ cho Bảo hiểm. Trước mắt, Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần phí bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm, trong đó ưu tiên những đối tượng chính sách, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống tại những vùng có nhiều thiên tai hoặc dịch bệnh. ''Vấn đề là ở chỗ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xác định những đối tượng được hỗ trợ, phương thức hỗ trợ, mức hỗ trợ và quản lý việc hỗ trợ để tránh thất thoát, lãng phí'', ông Lai nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể xây dựng và triển khai một số chương trình bảo hiểm có sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, các DN bảo hiểm sẽ đứng ra bán bảo hiểm, khi xảy ra tổn thất, Chính phủ sẽ đóng góp một phần hoặc toàn bộ chi phí bồi thường cho phần vượt quá trách nhiệm của DN bảo hiểm. Ông Lai dẫn ra một ví dụ điển hình cho các chương trình dạng này là loại hình bảo hiểm lũ lụt ở Mỹ, trong đó các công ty bảo hiểm tư nhân chịu trách nhiệm bán bảo hiểm, còn Chính phủ Liên bang sẽ trang trải cho các tổn thất. Chính phủ đóng vai trò là người bảo hiểm cuối cùng đối với một số rủi ro đặc biệt hoặc những tổn thất mang tính thảm hoạ như dịch bệnh gia súc, gia cầm, bão lụt...

Một biện pháp khác đang được Bộ Tài chính xem xét là việc có chính sách miễn giảm thuế phù hợp để khuyến khích DN bảo hiểm cung cấp loại dịch vụ này. Chẳng hạn như miễn thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng trong thời gian từ 3-5 năm đối với phần thu nhập và doanh thu chịu thuế từ phí bảo hiểm nông nghiệp.

Về các giải pháp quản lý, theo ông Lai, tại một số nước, Chính phủ đã yêu cầu các DN bảo hiểm phải đảm bảo một tỷ trọng hợp lý doanh thu phí bảo hiểm từ các nghiệp vụ bảo hiểm cây trồng, vật nuôi hoặc từ khu vực nông thôn. Thông thường tỷ lệ này sẽ tăng dần đến một con số nhất định, căn cứ theo số năm hoạt động của DN. Phương thức đó hiện đang được áp dụng ở Ấn Độ.

Thứ hai, có thể Nhà nước sẽ dành vị trí độc quyền trong thời hạn nhất định, cũng có thể ưu tiên cấp giấy phép cho những DN bảo hiểm chuyên cung cấp các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp hoặc có trên 50% doanh thu từ các dịch vụ này.

Thứ ba, khuyến khích các mô hình bảo hiểm tương hỗ, hay cơ chế tự bảo hiểm đối với một số loại rủi ro. Theo mô hình này, người tham gia bảo hiểm cũng chính là người bảo hiểm, nhờ đó góp phần làm giảm các khoản chi phí, thu hút những đối tượng thực sự có nhu cầu tham gia bảo hiểm, đồng thời đảm bảo tính công bằng trong việc đóng phí cũng như bồi thường tổn thất. Theo cách làm này, những người tham gia hoạt động trong một lĩnh vực, ngành nghề và có chung một loại rủi ro (như các hộ nuôi tôm, nuôi cá basa...) có thể cùng nhau thành lập và quản lý điều hành những tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Để tạo cơ sở pháp lý cho loại DN này, hiện nay, Bộ Tài chính đang được giao chủ trì soạn thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Dự kiến Nghị định này sẽ được ban hành trong quý IV năm 2004.

Giải pháp thứ tư ông Lai đưa ra là bắt buộc mua bảo hiểm đối với một số loại rủi ro thường gặp và có ý nghĩa thiết yếu đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, để tránh những phản ứng tiêu cực từ phía người dân, cần thực hiện giải pháp này bằng những bước đi thận trọng.

Trước mắt, Bộ Tài chính có thể thí điểm yêu cầu các hộ nông dân vay vốn của Nhà nước để sản xuất thì phải tham gia bảo hiểm tại một hoặc một số DN bảo hiểm do Chính phủ chỉ định, nhằm bảo vệ cho chính mình và đảm bảo an toàn đối với đồng vốn vay, thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Bên cạnh đó, Bộ này đang nghiên cứu khả năng gắn các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp với các loại hình bảo hiểm tài sản có liên quan khác, theo hình thức bắt buộc, nhằm san sẻ các rủi ro và thực hiện nguyên tắc lấy số đông bù số ít trong bảo hiểm.

Tuy nhiên, điều băn khoăn là trong thời gian chờ đợi những giải pháp của Chính phủ và Bộ Tài chính được ban bố, cũng như chờ triển khai các giải pháp này đến từng ngõ xóm... thì trên 80% dân số Việt Nam sinh sống bằng nghề nông với những mối đe dọa rủi ro và tổn thất đang cận kề, sẽ lấy ai bảo vệ?

  • Hồng Phúc

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,