221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
459792
Indonesia thành nhà cung cấp tôm lớn nhất vào Mỹ
1
Article
null
Indonesia thành nhà cung cấp tôm lớn nhất vào Mỹ
,

(VietNamNet) - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trích nguồn tin nước ngoài cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, Indonesia trở thành nước xuất khẩu tôm lớn nhất sang thị trường Mỹ. Điều này cho thấy, ngành kinh doanh tôm thế giới đã có nhiều biến động sau cuộc chiến tôm trị giá 2,4 tỷ USD.

 

Các nước sản xuất tôm khác đang tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ.

Tháng 5, tổng khối lượng tôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ sụt giảm. Đây là tháng thứ hai sụt giảm liên tục do nguồn cung cấp từ các nước xuất khẩu chính giảm để tránh mức thuế chống bán phá giá mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra. Tổng khối lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ trong tháng 5 đạt 51,2 triệu pound, trị giá 172,7 triệu USD, giảm 26% về khối lượng và 25% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cả quý I/2004, tổng lượng tôm nhập khẩu của Mỹ tăng 36%. Do vậy, mặc dù lượng tôm nhập vào Mỹ trong tháng 4-5/2004 giảm, nhưng tổng khối lượng tôm nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2004 vẫn tăng 21,3% so với cùng kỳ.

 

Các nước xuất khẩu tôm còn lại đều bị giảm khối lượng do các nhà nhập khẩu e ngại thuế hồi tố. Lượng tôm xuất khẩu của Thái Lan trong tháng 5 chỉ đạt 7,3 triệu pound, trị giá 22,5 triệu USD, giảm 58% về lượng và 62,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; lượng tôm Trung Quốc xuất sang Mỹ cũng giảm 59,5%. Tuy nhiên, Indonesia không phải là nước duy nhất tận dụng được cơ hội này, khi Trung Quốc và Việt Nam đang phải đối mặt với các mức thuế nhập khẩu cao. Bangladesh, Hoduras và Venezuela... cũng đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tôm sang Mỹ.

Với 9,4 triệu pound tôm xuất vào Mỹ, tăng gần 92% so với cùng kỳ, Indonesia đã "qua mặt" các nước sản xuất tôm lớn khác là Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Indonesia vào Mỹ trong 5 tháng đầu năm tăng gần 40%, đạt hơn 2/3 tổng giá trị xuất sang Mỹ trong cả năm 2003. Trong khi đó, năm 2003, nước này chỉ mới đứng thứ 8 trong danh sách các nước xuất khẩu tôm lớn nhất vào thị trường Mỹ.

 

Lo ngại việc tôm từ các nước bị kiện sẽ xuất sang Indonesia để tái xuất sang Mỹ, Bộ Thủy sản và Nguồn lợi Biển Indonesia đã kiến nghị Chính phủ đánh thuế nhập khẩu 40% đối với 5 quốc gia là Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện đang có sự bất đồng giữa ngư dân tôm và các nhà kinh doanh kho lạnh nước này về việc áp mức thuế trên.

 

Hôm 12/7, tại cuộc đối thoại với các quan chức Phòng Thương mại và Công nghiệp địa phương, trong khi những người nuôi tôm phía Đông đảo Java kiến nghị, cần có biện pháp ngăn chặn tôm nhập khẩu, thì Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Kho lạnh Indonesia (APCI) lại cho rằng, không thể đổ lỗi việc giá tôm trong nước giảm cho tôm nhập khẩu. Theo ông này, mặc dù Indonesia đã nhập tôm từ nhiều năm nay, nhưng tôm này không tiêu thụ trong nước mà để tái xuất. Do đó, ảnh hưởng của tôm nhập khẩu đối với giá tôm trong nước là rất ít. Ví dụ, giá tôm thẻ chân trắng trên thị trường Indonesia đã không giảm mà còn tăng từ 26.000 rupia/kg lên 29.000 rupia/kg (3,28 USD/kg).

 

Ông Chủ tịch APCI cũng kêu gọi Chính phủ nước này, không áp thuế 40% lên tôm nhập khẩu như đề nghị của Bộ Thủy sản và Nguồn lợi Biển.

 

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, bà Rini MS Soewandi cho biết, bà đã nhận được thư của các ngư dân nuôi tôm phản ứng gay gắt việc tôm nhập khẩu đang tràn vào nước này. Tuy nhiên, theo bà Rini, cần hết sức thận trọng khi đưa ra chính sách về nhập khẩu tôm nhằm tránh những thiệt hại cho ngành xuất khẩu tôm Indonesia và không đi ngược với những nguyên tắc tự do thương mại quốc tế. Bà Rini cũng không loại bỏ khả năng Chính phủ Indonesia sẽ áp thuế nhập khẩu tôm.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,