(VietNamNet) - Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (TTGDCK) Hà Nội - ''Thị trường chứng khoán chưa niêm yết'' được mong đợi từ lâu sẽ chính thức hoạt động từ năm 2005, chậm nửa năm so với kế hoạch và số thành viên sẽ tham gia giao dịch cũng không nhiều.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc TTGDCK Hà Nội hôm qua (13/7) cho biết, nguyên nhân chính là do Bộ Tài chính quyết định thay đổi định hướng hoạt động của Trung tâm này. Lẽ ra, TTGDCK Hà Nội sẽ thực hiện các hoạt động giao dịch chứng khoán của các DN vừa và nhỏ theo cơ chế tập trung, cấp lệnh định kỳ như ở TTGDCK TP.HCM, thì nay chuyển hướng hoạt động thành thị trường giao dịch phi tập trung (OTC).
Đối tượng tham gia: DN vừa và nhỏ
Thị trường này sẽ dành cho giao dịch các loại chứng khoán của các DN vừa và nhỏ chưa đủ điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán chính thức.
Theo chủ trương của Bộ Tài chính, từ nay đến năm 2007, sẽ tổ chức giao dịch chứng khoán trên TTGDCK Hà Nội đơn giản với quy mô nhỏ, phương thức tổ chức và hoạt động giao dịch phù hợp với yêu cầu và điều kiện thị trường, thực hiện đấu giá cổ phiếu, đấu thầu tài sản là chính. Giai đoạn sau 2007 sẽ phát triển TTGDCK Hà Nội thành thị trường OTC.Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay, các DN vừa và nhỏ chiếm hơn 80% tổng số DN, tạo ra việc làm cho gần 90% lực lượng lao động trong khu vực DN ở cả nông thôn và thành thị. Đây là thành phần năng động nhất, thích nghi với những thay đổi nhanh chóng về thị trường cũng như môi trường kinh doanh, nhưng lại luôn trong tình trạng thiếu vốn và gặp khó khăn về việc tiếp cận các nguồn vốn. Việc tạo điều kiện cho các DN này tiếp cận, khai thác và thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn trung, dài hạn bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng là những vấn đề cần được đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường vốn.
Dễ ''vấp'' vòng luẩn quẩnB
à Nguyễn Thị Liên Hoa - Vụ trưởng Vụ phát triển TTCK - Bộ Tài chính cho biết, thời gian từ nay đến 2007, quy mô thị trường trước mắt có thể chưa lớn, nhưng các hoạt động giao dịch phải an toàn, đảm bảo cho các nhà đầu tư...Theo bà Hoa, công chúng đã có một thời gian làm quen với đầu tư trên TTCK, các DN cũng đã có những hiểu biết nhất định về những lợi ích và cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn qua thị trường; các công ty chứng khoán đang trên đà phát triển cả về quy mô và năng lực hoạt động - Đó là những thuận lợi cho một thị trường OTC phát triển.
Tuy nhiên, tại Hội thảo ''Xây dựng thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết'' hôm qua, các đại biểu cũng thừa nhận rằng, những khó khăn mà
TTGDCK Hà Nội phải đương đầu cũng không ít. Thứ nhất bởi đây là TTGDCK chưa đủ điều kiện niêm yết. Các DN dự kiến sẽ niêm yết trên thị trường này phần lớn là các DN vừa và nhỏ có mức vốn thấp, rất có thể ''vấp'' phải vòng luẩn quẩn: qui mô nhỏ - thiếu hấp dẫn - tính thanh khoản kém - dễ thao túng thị trường - dễ mất ổn định - khó phát triển.Thứ hai, hệ thống phần mềm giao dịch chứng khoán do trong nước tự xây dựng, trong khi chưa có kinh nghiệm thực tiễn. ''Đây là một cố gắng rất lớn và là một hướng đi cần ủng hộ, song chúng ta cũng phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì chưa thể khẳng định được tính ổn định của hệ thống; do đó cần thống nhất phương châm là vừa vận hành vừa hoàn thiện chức năng'', bà Hoa nói.
Thứ ba, tổ chức TTCK nói chung, thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết nói riêng, là vấn đề mới và thực sự khó trong điều kiện Việt Nam hiện nay.
Ngay các công ty chứng khoán cũng đang lúng túng
Bà Hoa dẫn ra một thực tế đáng lo ngại là mức độ sẵn sàng niêm yết trên TTGDCK Hà Nội của các DN hiện nay chưa cao. Theo một kết quả điều tra, trong số 248 DN được hỏi ý kiến thì chỉ có hơn 50% DN có ý định niêm yết trên TTGDCK Hà Nội. Trong đó chỉ có 30 DN dự kiến niêm yết năm 2004, 34 DN vào năm 2005 và 75 DN vào năm 2006. Thực tế hiện nay cho thấy, số DN sẽ tham gia niêm yết ngay còn thấp hơn nhiều. Báo cáo kết quả làm việc giữa TTGDCK Hà Nội và các công ty chứng khoán về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho thấy, số DN đã được các công ty chứng khoán tiếp xúc và tư vấn niêm yết đều chưa khẳng định chắc chắn về khả năng niêm yết, khả quan thì con số này cũng dưới 20 công ty.
|
Còn theo ông Trần Văn Dũng, hiện mới có 6 công ty cổ phần của Hà Nội đang được xem xét để đưa vào giao dịch tại Trung tâm. Dự kiến, sẽ có một phần trong tổng số 3.500 tỷ đồng trái phiếu Thủ đô huy động cho dự án cầu Nhật Tân và đường 5, được đưa ra đấu thầu tại Trung tâm này.
B
à Hoa cho rằng, các khó khăn gây cản trở tiến trình niêm yết đều xuất phát từ nhận thức của các cổ đông và ban lãnh đạo hiện tại của công ty không muốn chia sẻ quyền sở hữu. Bên cạnh đó là tâm lý e ngại yêu cầu công bố thông tin trên thị trường.Ngay cả chính các công ty chứng khoán cũng đang rất lúng túng trong khâu chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị và xây dựng quy trình tác nghiệp, vì cũng phụ thuộc vào quyết định lựa chọn cuối cùng về mô hình, phương án tổ chức thị trường giao dịch tại TTGDCK Hà Nội.
Theo bà Hoa, việc cần làm trước mắt là
xây dựng và quyết định cơ chế hoạt động của TTGDCK Hà Nội; khẩn trương ban hành khung pháp lý để Trung tâm đi vào hoạt động, bao gồm các qui định và hướng dẫn về giao dịch chứng khoán trên TTGDCK Hà Nội. Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan cần xem xét có cơ chế, chính sách tạo thuận lợi và ưu đãi phù hợp đối với các DN có chứng khoán giao dịch trên TTGDCK Hà Nội. Nghiên cứu tìm các nguồn hỗ trợ một số chi phí phát sinh cho các công ty muốn tham gia niêm yết đợt đầu, như phí kiểm toán và phí tư vấn niêm yết trên TTGDCK Hà Nội.-
Hồng Phúc