(VietNamNet)- Các nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là thị trường mới. Mặc dù một số ít còn lo ngại nhưng hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều cho rằng Việt Nam là cơ hội đầu tư của họ.
Hội nghị đầu tư đã diễn ra ngày thứ 2 sôi động hơn khi các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện mối quan tâm của mình đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam trong các chủ đề nhóm. Mọi lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam có hoặc chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đều là chủ đề của các cuộc hội thảo nhóm của hội nghị được xem là một trong những cơ hội giới thiệu đầu tư của Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay. Những vấn đề như những hiệp định quốc tế Việt Nam tham gia, thị trường xuất khẩu, cổ phần hóa, thị trường chứng khoán, ngân hàng, thuế, công nghệ thông tin, công nghiệp, du lịch khách sạn, cơ hội nhập khẩu, lao động...cũng chính là những câu hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài.
Người cũ tin tưởng...
Đầu tư ở Việt Nam chưa hẳn là hầu hết các "đại gia" đa quốc gia có mặt nhưng các công ty lớn có tầm hoạt động xuyên lục địa thì gần như không bỏ lỡ cơ hội đầu tư tại thị trường được xem là có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nếu nói Châu Á thì Việt Nam chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhà đầu tư này dù với thời gian hoạt động hơn 10 năm hay mới thành lập cũng đều khẳng định: họ không sai lầm khi "đổ tiền" vào Việt Nam để tính chuyện thu lợi nhuận từ thị trường với sức tiêu thụ bậc nhất khu vực này.
Có lẽ không nhà đầu tư nước nào tỏ ra hào hứng và tin tưởng môi trường làm ăn ở Việt Nam bằng những nhà doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là khu vực đầu tư cao và tiềm năng của Việt Nam nhưng có không ít những phàn nàn về chính sách thu hút đầu tư cũng như định hướng phát triển kinh tế của chính phủ nội địa, đặc biệt là chính sách thuế và qui hoạch mới về ngành ôtô, xe máy. Tuy nhiên, ông Masaru Matsubayashi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JBAH), vẫn khẳng định rằng việc chọn Việt Nam để đầu tư là con đường đúng đắn của 270 doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Nhật Bản tại TP.HCM, cũng là đại diện cho các DN Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam.
Ông Chủ tịch đưa ra những lý do cho sự khẳng định của mình mà trước tiên việc chọn Việt Nam đầu tư là kết quả của quá trình tìm kiếm sự cạnh tranh cao bao gồm trong đó là lực lượng lao động rẻ, cần cù, sáng tạo và có chất lượng. Một yếu tố tiếp theo là môi trường chính trị và xã hội ổn định. Cả hai yếu tố lao động và sự ổn định chính trị-xã hội được ông chủ tịch JBAH gọi đó là "danh tiếng" tốt của Việt Nam.
Song ông cũng không ngần ngại nêu ra những nhược điểm của môi trường đã tác động đến tâm lý của nhiều DN nước ngoài và dẫn đến sụt giảm "nhẹ" đầu tư của DN Nhật Bản ở Việt Nam. Những nhược điểm ông Matsubayashi nêu không khác gì những phàn nàn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và cả trong nước như hạ tầng cơ sở cải thiện chậm chạp và không hiệu quả, sức mua nội địa còn thấp so với mong đợi, sự không rõ ràng của việc thực thi qui định và luật pháp..."Những qui định và luật pháp của Việt Nam không rõ ràng và yếu kém vì xuất phát từ những yêu cầu nội bộ, xử lý các vấn đề trong nước và việc hài hòa các chính sách và môi trường quốc tế chỉ mới bắt đầu từ khi Việt Nam nghĩ đến việc hội nhập kinh tế thế giới. Khi những chính sách của chính phủ thay đổi bất ngờ làm cho nhà đầu tư có chiến lược dài hạn lo ngại là chuyện tất yếu", ông giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Matsubayashi, có đến 70% nhà đầu tư Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam cho biết sẽ tính chuyện mở rộng đầu tư tại đây sau khi có những chuyển động tích cực về môi trường đầu tư mới cũng là kết quả của Hiệp định Bảo hộ Đầu tư được chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết cùng với Sáng kiến Chung Nhật-Việt.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam và khu vực Indochina, ông Mizan Ab Rahman cũng rất lạc quan về môi trường đầu tư ở Việt Nam khi ông đã có 3 năm rưỡi làm việc tại đây. Ông đánh giá cao về lao động của ngành công nghệ thông tin (IT) của Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Không những thế, Việt Nam còn có khả năng cung cấp kỹ năng huấn luyện IT cho những nước trong khu vực. Chính vì lẽ đó mà nhiều công ty IT đa quốc gia như IBM thành lập những cơ sở đào tạo tại Việt Nam.
Ông Rahman còn tin tưởng vào cơ hội đầu tư của mình khi biết rằng chính phủ Việt Nam ủng hộ ngành IT khi tuyên bố dành 2% trong GDP (Tổng giá trị sản phẩm quốc nội) cho ngành này.
Người mới...lo
Những người mới đến bao giờ cũng lo ngại, các nhà đầu tư mới cũng vậy. Khá nhiều thông tin nói đến những nhược điểm của môi trường đầu tư đến với họ và chuyển thành những lo lắng đi theo họ đến với hội nghị.
Ông Tao Yang của công ty Michelin cho biết mối quan tâm của ông về chủ trương của chính phủ Việt Nam khi biết rằng Việt Nam đang có chính sách "hạn chế" ngành ôtô và xe máy. Ông nói rằng chính phủ một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, ... ủng hộ ngành công nghiệp này khác hẳn với Việt Nam. Liệu chính phủ có đóng cửa nhà máy của công ty nước ngoài không? Hoặc một nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc quan tâm đến ngành du lịch Việt Nam. Ông lo ngại đến vệ sinh và an toàn của ngành du lịch Việt Nam. Chính phủ Việt Nam có những qui định gì về việc này đối với các công ty kinh doanh trong ngành du lịch...
Một số nhà đầu tư khác thì quan tâm đến chính sách xuất khẩu, việc mở cửa thị trường, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán....Những lo lắng của họ được giải đáp ngay trong hội nghị nhưng không phải bởi các nhà quản lý hay phần lớn quan chức Việt Nam mà chính là các doanh nghiệp nước ngoài. Những nhà đầu tư nước ngoài đang làm ăn việc chia sẽ những kinh nghiệm, những qui định, chính sách thuế và cả những hạn chế của môi trường đầu tư hiện nay với những "người mới". Họ đưa ra những nhược điểm như thuế thu nhập doanh nghiệp tăng cao hơn trước đây, hay cơ sở hạ tầng còn kém..;nhưng đồng thời những "người cũ" lại nhìn nhận rằng những điều đó sẽ thay đổi hoặc không đáng ngại so với tiềm năng mà Việt Nam có thể sẽ mang đến cho các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam thực hiện các cam kết trong những hiệp định hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ ký.
Ông Phạm Sỹ Chung, Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính thuộc Bộ Thương mại, cho biết một số chính sách mới thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài mà Việt Nam đang nghiên cứu như là những bằng chứng cho những tiềm năng cơ hội đầu tư cho họ. Ông cho biết Việt Nam sẽ mở rộng quyền kinh doanh của các DN nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ, nhập khẩu, phân phối trong nước, dịch vụ vận tải và bưu chính viễn thông...DN nước ngoài cũng được phép mua và xuất khẩu thay vì chỉ được sản xuất và xuất khẩu như hiện nay. Hoặc như sắp tới DN nước ngoài sẽ không phải làm kế hoạch nhập khẩu phụ tùng, linh kiện, nguyên liệu thô và vật tư sản xuất mà họ phải làm hàng năm và trình cho Bộ Thương mại, thay vào đó họ được phép nhập trực tiếp theo yêu cầu của DN.
-
Minh Quang