221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
456782
Giao dịch từ 200 triệu VND, bị nghi rửa tiền?
1
Article
null
Giao dịch từ 200 triệu VND, bị nghi rửa tiền?
,

(VietNamNet) - Khi bạn giao dịch với ngân hàng hoặc thanh toán một khoản tiền từ 200 triệu VND trở lên với một tổ chức, các giao dịch của bạn sẽ bị kiểm soát bởi biết đâu số tiền đó có dính dáng đến nạn ''rửa tiền''.

Theo Tổ chức quốc tế chống rửa tiền, mức giao dịch có thể cần kiểm soát là 15.000 USD.

Trao đổi với VietNamNet, một quan chức của Ngân hàng Nhà nước đã cho biết, dự thảo Nghị định mới nhất  của Chính phủ về phòng chống hoạt động rửa tiền đang được trình lấy ý kiến Văn phòng Quốc hội. Dự kiến trong quý III năm nay, Dự thảo này sẽ được trình Chính phủ ban hành.

Sẽ kiểm soát tất cả các giao dịch trên 200 triệu VND

Ông này cho biết, những tổ chức, cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động rửa tiền sẽ gồm: Các tổ chức tín dụng; Các tổ chức môi giới, đầu tư tiền tệ hoặc cung ứng dịch vụ thanh toán; Các tổ chức phát hành, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, lưu ký, thanh toán bù trừ chứng khoán; Các tổ chức cá nhân có đăng ký kinh doanh mua bán ngoại tệ, vàng bạc đá quý; Các công ty bảo hiểm; Các tổ chức kinh doanh trò chơi may rủi, sòng bạc hoặc xổ số; Cá nhân, tổ chức tại Việt Nam thay mặt hoặc đại diện cho các định chế tài chính ở nước ngoài.

Một điểm rất đáng chú ý của Dự thảo này, theo quan chức trên, là các giao dịch từ 200 triệu VND trở lên của khách hàng sẽ bị giám sát, kiểm tra về tính hợp pháp của nguồn tiền. ''Khi các khách hàng là cá nhân hay tổ chức mở tài khoản lần đầu, nếu thấy xuất hiện các giao dịch tiền mặt đáng ngờ, một hoặc nhiều giao dịch trong 1 ngày do cá nhân hay tổ chức thực hiện bằng tiền mặt có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng) có giá trị tương đương sẽ bị kiểm soát'', ông này nói.


Rửa tiền
là hành vi của cá nhân, tổ chức khi: Tìm cách hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua việc tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến số tiền, tài sản do phạm tội mà có; Thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, chuyển dời khỏi hoặc mang vào Việt Nam tiền, tài sản do phạm tội mà có: Che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có; Sử dụng tiền, tài sản để tạo điều kiện hay tài trợ cho hoạt động phạm tội trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.

(Trích Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phòng chống hoạt động rửa tiền)

Còn đối với giao dịch tiền gửi tiết kiệm, sẽ kiểm soát đối với mức giá trị của một hay nhiều giao dịch trong một ngày do cá nhân, tổ chức thực hiện là 500 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, vàng có giá trị tương đương.

Trong Dự thảo Nghị định cũng quy định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định mức giá trị giao dịch tiền mặt cần kiểm soát cho phù hợp với tình hình theo từng thời điểm.

Khi nói về vấn đề này, một quan chức của Văn phòng Quốc hội cho biết, quy định này của Nghị định phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong số 40 khuyến nghị về phòng chống rửa tiền của Tổ chức quốc tế chống rửa tiền (FATF), có 1 khuyến nghị về mức giao dịch có thể cần kiểm soát là 15.000USD, tương đương với số tiền 200 triệu đồng Việt Nam - ''ngưỡng'' mà Nghị định này đưa ra.

Sẽ lập Trung tâm Phòng chống rửa tiền

Trung tâm này sẽ làm đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin, thu thập tài liệu, hồ sơ về các cá nhân, tổ chức, thực hiện các giao dịch... Trung tâm Thông tin Phòng chống rửa tiền (Trung tâm Phòng chống rửa tiền) sẽ được thành lập và trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV). Trung tâm này sẽ làm đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin, thu thập tài liệu, hồ sơ về các cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch giúp Thống đốc thực hiện nhiệm vụ phòng chống rửa tiền. Nếu cần thiết, Thống đốc Ngân hàng sẽ quyết định thành lập chi nhánh Trung tâm Phòng chống rửa tiền tại một số tỉnh, thành phố khác.

Rửa tiền là hành vi sử dụng tiền, tài sản để tạo điều kiện hay tài trợ cho hoạt động phạm tội trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.

SBV đưa ra các tiêu chí xác định những giao dịch được coi là ''đáng ngờ'' (xem box bên dưới), sẽ bị theo dõi, giám sát.

Rửa tiền, sẽ bị truy cứu hình sự

Khi nghi ngờ về thông tin khách hàng có dính dáng tới rửa tiền, các ngân hàng, tổ chức tín dụng... phải thu thập thông tin từ các chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty con, công ty phụ thuộc... tại nơi xuất xứ của thông tin do khách hàng cung cấp; thông qua các cơ quan có thẩm quyền tại nơi xuất xứ của thông tin do khách hàng cung cấp, và dùng các biện pháp khác để nhận biết khách hàng. Các thông tin nhận biết khách hàng phải có liên quan tới các giao dịch ít nhất 5 năm. Đồng thời phải báo cáo về các giao dịch với Trung tâm Phòng chống rửa tiền.

Khi phát hiện một giao dịch nào có dấu hiệu rửa tiền, các ngân hàng, tổ chức ngay lập tức không thực hiện giao dịch, phải phong toả tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản, tạm giữ người vi phạm và tiến hành các biện pháp ngăn chặn khác. Các cơ quan có thẩm quyền khi nhận được tố giác hay thông tin về rửa tiền sẽ có trách nhiệm xử lý thông tin theo thẩm quyền được pháp luật quy định và thông báo ngay về Trung tâm Phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, thông tin liên quan tới các giao dịch được bảo quản theo chế độ mật và chỉ được cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Quan chức này cũng cho biết, người phạm tội liên quan đến rửa tiền sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt hành chính theo các mức: Phạt tiền từ 5 triệu đến 15 triệu đối với hành vi không thông báo hoặc không báo cáo cho Trung tâm Phòng chống rửa tiền hoặc cơ quan có thẩm quyền, không lưu giữ sổ sách, tài liệu phải lưu trữ theo quy định, hoặc khi phát hiện có sai lệch trong hồ sơ, sổ sách. Phạt 10 đến 30 triệu đối với hành vi thông báo cho các bên liên quan tới giao dịch về nội dung báo cáo hoặc thông tin đã cung cấp, trì hoãn hoặc không thực hiện các yêu cầu của Trung tâm Phòng chống rửa tiền mà không có lý do. Các vi phạm khác tuỳ trường hợp sẽ phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.

  • Hồng Phúc

 

Các giao dịch được coi là có dấu hiệu đáng ngờ, gồm:

1.Các bên liên quan tới giao dịch cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán hoặc thuyết phục cá nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không báo cáo giao dịch đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền .

2.Các giao dịch được thực hiện theo lệnh hay ủy quyền của cá nhân, tổ chức có liên quan đến hoạt động tội phạm .

3.Các giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội.

4.Các cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với số tiền có giá trị lớn không tương xứng hoặc không liên quan tới hoạt động thường ngày hay bất cứ dịch vụ hợp pháp nào.

5.Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản tại một vùng vào một thời gian nhất định; tiền gửi vào mà rút ra nhanh ; doanh số giao dịch lớn trong ngày, nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không.

6.Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một khoản tiền lớn hay chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản trong một thời gian ngắn hoặc ngược lại; tiền được chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản, các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch.

7.Sử dụng tín dụng thư và các phương thức tài trợ thương mại có giá trị lớn, chiết khấu với giá trị cao nhằm chuyển tiền giữa các quốc gia khi giao dịch này không liên quan đến hoạt động thường xuyên của khách hàng.

8.Các pháp nhân không thực hiện giao dịch trên tài khoản của mình kể từ khi mở, DN trong nước mở tài khoản ở nước ngoài dưới tên pháp nhân hoặc thể nhân nước ngoài và tài khoản nước ngoài đó thường xuyên có các giao dịch.

9.Chuyển lượng tiền lớn từ tài khoản ngoại hối của DN ra nước ngoài sau khi thu nhận được nhiều khoản tiền nhỏ được chuyển vào bằng chuyển tiền điện tử, sec, hối phiếu.

10.DN nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được vốn đầu tư hoặc chi trả tiền ra nước ngoài không phù hợp với tính chất hay nhu cầu của hoạt động kinh doanh hoặc chuyển lợi nhuận về nước hàng năm vượt quá giá trị đầu tư ban đầu.

11.Các công ty bảo hiểm thường xuyên đền bù hoặc chi trả bảo hiểm với số tiền lớn cho cùng một khách hàng nước ngoài, các tổ chức chứng khoán chuyển tiền không vì mục đích giao dịch hoặc thanh toán chứng khoán; Bất cứ giao dịch nào khác mà các định chế tài chính thấy có biểu hiện bất thường hoặc cơ sở pháp lý không đáng tin cậy.

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,