(VietNamNet) - Vướng ngày Quốc khánh Mỹ, phán quyết sơ bộ đối với các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam đến mai (6/7) mới được thông báo, thay vì 2/7 như dự kiến. Theo báo giới Mỹ, một số chuyên gia, dấu hiệu khả quan cho thấy nhiều khả năng, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ áp mức thuế thấp đối với Việt Nam.
Catherine McKinley - tác giả bài báo đăng trên mạng "Dow Jones Newswires" ngày 30/6 cho rằng, tháng 7/2003, sau khi Washington đánh thuế 64% đối với cá tra, basa Việt Nam, theo số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ 12,4 triệu USD (2002) xuống còn 5,2 triệu USD. Cuối năm ngoái, khi các nhà sản xuất tôm Mỹ kiện 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam "bán phá giá" tôm vào thị trường này, các nhà quan sát đã lo ngại rằng, thuế chống phá giá có thể lại gây tổn hại vô cùng nghiêm trọng tới ngành sản xuất tôm của Việt Nam.
Song, nhiều chuyên gia nhận định, Washington "có thể sẽ nhẹ tay" đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Matthew Nicely, một luật sư của "Willkie Farr & Gallagher LLP" - đại diện pháp lý của Việt Nam trong vụ kiện tôm, nói: "Chúng tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ áp đặt thuế chống bán phá giá. Việt Nam đang bán (tôm sang Mỹ) với giá tương đối cao. Vì thế, có thể Mỹ không cảm thấy cần phải trừng phạt". Theo các nhà quan sát, chắc chắn tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bị áp thuế, thay vì không thuế như trước đây; nhưng mức thuế này có thể nằm trong khoảng thấp của dải thuế từ 30 đến 267% mà các nhà đánh bắt tôm Mỹ đang đòi hỏi.
Theo tác giả bài báo, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt hơn trong vụ kiện này. Từ chọn công ty luật làm đại diện, đến các hoạt động lobby và chuẩn bị thị trường mới cho con tôm trong trường hợp bị áp mức thuế cao. Không những thế, qua vận động hành lang, DOC đã chọn Bangladesh là nước thứ ba để so sánh giá tôm Việt Nam, thay vì Ấn Độ - nước có chi phí sản xuất cao hơn.
Bên cạnh đó, cách đây hai năm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đặt quan hệ với các hiệp hội, công ty, cơ sở chế biến của Mỹ như ASDA, CITAC... đặc biệt là quan hệ với Nhóm đặc trách Tôm - do Liên minh Hành động Thương mại công nghiệp tiêu dùng (CITAC) và Hiệp hội Phân phối thủy sản Mỹ (ASDA) thành lập - nhằm phản đối vụ kiện. Nhóm này đại diện cho "số cử tri khổng lồ" từ trong lòng nước Mỹ ủng hộ các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam.
Một động thái khác, Hiệp hội Đậu tương Mỹ (ASA) - đại diện cho 25.000 nông dân trồng đậu tương khắp nước Mỹ, ngày 3/7 đã gia nhập Nhóm đặc trách Tôm để phản đối vụ kiện. Hiện nay, đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương được sử dụng rộng rãi trong nuôi tôm, các quốc gia nuôi tôm cũng mua lượng lớn (chiếm 1/2 lượng đậu tương xuất khẩu của Mỹ), khiến đậu tương trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu số một tại Hoa Kỳ. Vụ kiện tôm rõ ràng đang đe dọa đến một số ngành xuất khẩu của Mỹ.
Ngày mai (6/7), Bộ Thương mại sẽ công bố quyết định sơ bộ đối với tôm xuất khẩu Việt Nam, Trung Quốc. Ngay sau đó, Nhóm Đặc trách Tôm sẽ có cuộc họp bày tỏ quan điểm của họ về các mức thuế, phân tích mức độ ảnh hưởng của nó đối với người tiêu dùng, các nhà phân phối, chế biến và bán lẻ tôm của Mỹ.
Phán quyết của DOC sẽ có hiệu lực vào khoảng 13/7, khi đã hoàn tất thủ tục đăng công báo. Đối với 4 quốc gia còn lại, gồm Brazil, Ecuador, Thái Lan và Ấn Độ, DOC sẽ công bố chậm nhất vào 28/7. Song, đây mới là mức thuế sơ bộ, các nước nhập khẩu còn phải chờ phán quyết của Ủy ban quốc tế Thương mại Hoa Kỳ (USITC) về việc liệu tôm nhập khẩu có gây thiệt hại về vật chất với ngành đánh bắt tôm trong nước hay không. Dự kiến, USITC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về vụ kiện vào ngày 7/10, cùng với đề nghị về mức thuế chống bán phá giá. Quyết định của USITC sẽ được chuyển lại cho DOC, và cơ quan này sẽ chính thức ra lệnh áp thuế vào 14/10 năm nay.
-
Hà Yên