(VietNamNet) - Theo Bộ Thương mại, mặt hàng thủ công mỹ nghệ đang có nhiều triển vọng về thị trường xuất khẩu. Các thị trường Mỹ, Nhật, EU đều đang có dấu hiệu tăng trưởng khá.
Ước xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tháng 6 đạt 32 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 6 tháng đầu năm đạt 199 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2003. Về thị trường xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ của ta đang có xu hướng gia tăng vào các thị trường, đứng đầu là Hoa Kỳ với mức tăng trưởng năm 2004 dự kiến là 4,5%, thị trường Nhật Bản tăng trưởng 3,4% và tiếp theo là các thị trường châu Âu như Đức, Pháp…tăng trưởng 2 - 3%. Đây cũng là những nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục nhanh.
Trong nước, thời tiết đã bắt đầu vào mùa mưa, không thuận lợi cho việc chuẩn bị nguyên liệu, nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang đẩy mạnh việc sản xuất và xuất khẩu để thực hiện kế hoạch giao hàng 6 tháng. Lượng hàng cung ứng cho xuất khẩu vẫn khá dồi dào, nhất là hàng mây tre, cói, hàng gốm sứ.
Tỷ giá USD được cải thiện, giá vàng giảm, vốn kinh doanh thuận lợi, cùng với chính sách thưởng vượt kim ngạch đã kích thích các DN xuất khẩu tích cực tìm kiếm khách hàng. Bộ Thương mại dự báo, trong những tháng cuối năm 2004, các loại hàng mây tre và hàng cói, thảm cói, thảm sơ dừa, gốm sứ… với nguồn nguyên liệu phong phú, có nhiều thuận lợi phát triển.
Tuy nhiên, với thị trường Hoa Kỳ, thị trường có khả năng tăng trưởng khá nhất thì DN đang gặp khó khăn với loại phí DDC (Delivery Document Cost). Theo đó, mỗi container hàng đi Hoa Kỳ, ngoài phí vận tải, DN phải chi 30 USD/m3 cho loại phí này. Ngoài ra, việc giá nguyên liệu gỗ tăng mạnh từ đầu năm đến nay cũng đang gây khó khăn cho các DN sản xuất đồ mỹ nghệ chất liệu gỗ. Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Thiên Ấn (TP.HCM), ''giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 25-30% mà giá sản phẩm chỉ tăng được 5-10%, vì phải cạnh tranh mạnh với hàng Trung Quốc''.
-
Phương Thanh