221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
454952
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: thiếu vóc dáng vùng
1
Article
null
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: thiếu vóc dáng vùng
,

(VietNamNet) - Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, được xác lập để các tỉnh thành vùng cùng hợp tác phát triển và làm đòn bẩy cho sự phát triển của những khu vực lân cận. Tuy nhiên, vùng KTTĐ này vẫn đang dậm chân tại chỗ và "mạnh ai nấy làm". Tại sao?

TP.HCM - nơi phát triển nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Có ba vùng KTTĐ được Chính phủ qui hoạch ở 3 vùng: Bắc, Trung và Nam. Vùng KTTĐ phía Nam bao gồm 7 tỉnh thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh. Tổng diện tích vùng gần 24.000m2 (chiếm 7,3% diện tích của cả nước) và dân số là 12,35 triệu người (chiếm 15,5% dâm số của cả nước), là hạt nhân của vùng Đông Nam bộ, có mối quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Xác định trọng điểm nhưng chưa rõ thế mạnh

Trên tổng thể, vùng KTTĐ phía Nam đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế quốc gia. Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực này đạt 10,74%; tỷ trọng đóng góp của vùng trong GDP (tổng giá trị sản phẩm quốc nội) của Việt Nam tăng từ 24,6% năm 1990 lên 28,9% năm 1995, 31,1% năm 1999 và gần 32% vào năm 2002. Tỷ trọng này hiện chiếm đến 35-36%, là mức đóng góp cao nhất cho GDP quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người của vùng này năm 2002 đạt 18,5 triệu đồng, gấp 2,7 lần so với trung bình của cả nước.

Với những đóng góp này, vùng KTTĐ Phía Nam được xem là vùng kinh tế quan trọng và đầu tàu phát triển kinh tế quốc gia. Tuy vậy, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng sự phát triển này chưa đạt được "tầm" của một vùng KTTĐ mà Chính phủ yêu cầu. Đã qua một khoảng thời gian đáng kể mà vùng này chưa xác lập được một nền kinh tế vùng, chưa tạo được động lực phát triển cho bản thân cũng như góp sức thúc đẩy sự phát triển của những tỉnh thành lân cận. Khi nói đến KTTĐ phía Nam, các nhà quản lý cũng như những nhà kinh tế chưa biết được một cách rõ ràng thế mạnh của vùng là gì. Đó là công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, dầu khí, cảng biển, tài chính, ngân hàng, hay công nghệ mới...?

Cụ thể hơn, ai cũng thừa nhận rằng, TP.HCM là vùng kinh tế phát triển, nhưng lại không nhận thức rõ điểm mạnh của thành phố loại 1 này là công nghiệp, dịch vụ, trung tâm tài chính hay khoa học kỹ thuật...(?) Một số ý kiến phân tích, TP.HCM nên là trung tâm dịch vụ, tài chính hơn là phát triển lĩnh vực công nghiệp, vì TP không có thế mạnh về đất đai và lao động, và nên chuyển giao lĩnh vực này cho những tỉnh thành lân cận. Trong khi đó, TP.HCM cũng được hoạch định theo chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; điều này cũng có nghĩa là TP.HCM cần phát triển trọng tâm ngành công nghiệp. Nói như một chuyên gia kinh tế, với định hướng này, điểm mạnh của TP.HCM là sự "lẩn quẩn".

Đó là TP.HCM, còn những tỉnh khác thì sao? Nhắc đến những tỉnh trong vùng KTTĐ phía Nam người ta chỉ biết đến những khu công nghiệp (KCN) hơn những ngành hay lĩnh vực nào khác ngoài cảng biển và dầu khí ở Vũng Tàu. Và có lẽ KCN là điểm mạnh của vùng KTTĐ phía Nam?

Các KCN trong vùng chưa có qui hoạch tổng thể vùng

Đồng Nai - 1 trong 7 tỉnh thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tính đến tháng 3 năm 2004 cả nước có 106 KCN, rải rác ở ba vùng KTTĐ, trong đó vùng phía Nam chiếm trên 43% về số lượng và gần 65% diện tích. Bình quân mỗi khu rộng gấp rưỡi ở vùng KTTĐ miền Trung và gấp đôi vùng phía Bắc.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các KCN phát triển mạnh ở vùng này, và đóng góp tích cực đối với nền kinh tế vùng. Nhưng các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về sự cạnh tranh thu hút dự án đầu tư và thiếu qui hoạch tổng thể vùng. GS.TS Võ Thanh Thu, Giảng viên Cao cấp của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, không mấy lạc quan về đề tài nghiên cứu của bà về các KCN, khi thực tế ở đây còn tồn tại nhiều vấn đề cạnh tranh, qui hoạch và định hướng phát triển. Theo bà, các KCN trong vùng KTTĐ phía Nam phát triển tự phát ở mỗi tỉnh, thành, không theo qui hoạch tổng thể vùng, "không gian phát triển bị cắt khúc, phân đoạn bởi ranh giới hành chính. Điều này dẫn đến "hai chính sách thuê đất, giá nhân công khác nhau... ở hai KCN láng giềng(!), cạnh tranh nhau mà không tạo ra điều kiện hợp tác để thu hút vốn, sắp xếp ngành nghề và phát triển các dịch vụ hỗ trợ".

Một quan chức của Bộ Kế hoạch - Đầu tư nói rằng, bao nhiêu tỉnh thành ở Việt Nam có KCN thì có bấy nhiêu "thảm" được trải để thu hút đầu tư. "Thảm" trải quá nhiều dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các KCN. Riêng với các KCN ở vùng KTTĐ phía Nam thì sự cạnh tranh không lành mạnh đó diễn ra rất mạnh, chủ yếu là ở giá thuê đất và thuế được quyết định bởi chính sách vĩ mô của từng tỉnh thành.

Từng tỉnh thành có qui hoạch tổng thể phát triển KCN, nhưng các tỉnh thành này không có qui hoạch chung của vùng nên "mặc sức" thu hút dự án đầu tư mà không định hướng tập trung hay ưu tiên gì. Các KCN gần như giống nhau, trong đó chủ yếu phát triển những ngành nghề truyền thống như giày dép, dệt may..., còn những ngành có tính hiện đại hóa cao, có tính chất lôi kéo sự phát triển kinh tế của tỉnh và vùng thì không có, hoặc không đáng kể. GS.TS Thu cho biết, KCN ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu "cái gì cũng làm"; từ sắt thép đến sản xuất bột mì, đều có thể nằm ngay cạnh nhau trong một KCN. "Điều này không phù hợp và không chấp nhận được đối với qui hoạch kinh tế vùng", bà nhận định.

Khi không có qui hoạch vùng, sự phát triển của các KCN cũng bị ảnh hưởng, nhất là trình độ phát triển hạ tầng cơ sở. Các tiện ích như đường xá, điện nước, dịch vụ internet, bưu điện... còn kém và không đồng bộ giữa các khu. Tỉnh thành nào tập trung cải thiện được tiện ích gì thì nhà đầu tư ở đó được hưởng, chứ chưa có sự chia sẻ để cùng hưởng giữa các tỉnh thành. GS.TS Thu còn cho rằng, thiếu qui hoạch vùng, quỹ đất dành cho phát triển KCN không hiệu quả và nhanh chóng bị cạn kiệt, môi trường ô nhiễm và đặc biệt là kéo theo sự phát triển của hệ dân cư, hiện tượng đang đeo bám các KCN mà chưa có biện pháp khắc phục.

Thiếu sự phối hợp đồng bộ để phát huy lợi thế so sách

Các nhà lãnh đạo chính quyền Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tụ họp để bàn chuyện phát triển vùng. Ảnh: M.Q

Làm thế nào để phát triển kinh tế vùng và phát triển theo hướng nào là vấn đề đáng quan tâm của các nhà hoạch lược chính sách vùng. Từ lý do này mà đại diện chính quyền của 7 tỉnh thành thuộc vùng KTTĐ phía Nam đã tụ họp tại TP.HCM hôm qua (2/7), cùng với các chuyên gia kinh tế trong cả nước. Các chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh thành đã thừa nhận với nhau rằng, vùng KTTĐ phía Nam chưa phát triển theo như mong muốn cũng như theo yêu cầu của Chính phủ, chính là do họ chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, thay vào đó các tỉnh thành "mạnh ai nấy làm".

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nói rằng, địa giới hành chính và sự phân chia địa lý của tỉnh thành là rào cản lớn của sự phối hợp, nên chưa phát huy tối đa năng lực của vùng. Thêm vào đó, mỗi tỉnh thành đều có HĐND và UBND, những cơ quan kiểm soát và thực thi các chính sách và ngân sách của tỉnh thành mình. Mục tiêu của hai cơ quan này là phát triển tỉnh thành mình hơn là nghĩ đến việc liên kết vùng, nên các khoản đầu tư tài chính vào những chiến lược vùng không được ưu tiêu hoặc không dễ được đồng ý. Ông Nguyên nêu một ví dụ lý giải cho điều này, là việc xây dựng hệ thống giao thông nối kết TP.HCM với Long An. Bên phía tỉnh Long An, hệ thống đường vào TP.HCM rất tốt do có sự đầu tư, nhưng phía TP.HCM thì không tập trung đầu tư. Vì xem ra, việc đầu tư này có lợi cho Long An nhiều hơn TP.HCM, trong khi hệ thống cầu đường khu vực nội thành TP cần được ưu tiên đầu tư nhiều hơn.

Kinh tế vùng khái niệm được đề cập đã 10 năm nay nhưng vẫn chưa hình thành. Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM - ông Trần Du lịch nhận định, nguyên nhân chính là chưa có một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các vùng. Theo ông, lãnh đạo các tỉnh thành cần tăng cường phối hợp với nhau và sớm có qui hoạch vùng dựa trên đặc tính của từng vùng. Mỗi tỉnh thành có những lợi thế về xã hội, địa lý kinh tế... và qui hoạch vùng cần phải dựa trên những lợi thế so sách này. TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế so sách rõ nét hơn các tỉnh thành khác. Các tỉnh thành lân cận có lợi thế so sánh ở đất đai và lao động, có thể bổ sung cho "yếu điểm" của TP.HCM.

Vùng KTTĐ là mô hình phát triển mới, khi Chính phủ không đủ sức để cùng lúc phát triển các khu vực của quốc gia, cũng như không thể tập trung phát triển cho một tỉnh thành nào. Sự phát triển của một vùng hay một khu vực sẽ làm đòn bẩy cho những khu vực lân cận, nơi mà nguồn lực quốc gia chưa thể tập trung đầu tư.

  • Minh Quang
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,