(VietNamNet) - Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông đang khẳng định vị trí đầu bảng khi đưa ra quyết định một vùng cước. Các công ty viễn thông khác phải hì hục chạy theo với các biện pháp khuyến mãi khác nhau.
"Bom nổ" giữa trời quang!
Quả bom một vùng cước của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông (VNPT) vừa tung ra đã làm chấn động các nhà kinh doanh mạng điện thoại di động. Họ vô cùng lo lắng bởi VNPT đang nắm thị phần lớn nhất với số thuê bao dẫn đầu tại VN. Cả S-Fone lẫn Viettel trong giai đoạn này đều chưa đủ điều kiện để tung ra những cú đấm quyết định trong cuộc chiến tranh giành thị phần. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng thực hiện những chiến dịch khuyến mãi - quảng cáo tiếp thị trong giới hạn cho phép để giành lấy những thuê bao mới.
Theo thông tin từ VNPT, nếu phương án điều chỉnh cách tính cước được thông qua kịp thời, từ đầu tháng 7, các thuê bao thuộc 2 mạng điện thoại di động Vinaphone và Mobifone sẽ được tính cước 1 vùng. Nghĩa là không còn có tình trạng sợ tốn tiền khi gọi điện vào số thuê bao ngoài vùng. Trước kia, giá cước liên vùng cao hơn cước nội vùng khoảng 40% nên nhiều người ngại gọi cho số điện thoại nằm ngoài vùng. Vinaphone và Mobifone đều xác nhận việc tính cước một vùng sẽ làm tăng lưu lượng cuộc gọi do khách hàng không lo ngại bị tính cước liên vùng như trước.
Cuộc chơi vẫn tiếp diễn
S-Fone cũng như các công ty viễn thông khác, lập tức phải tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm giữ thị phần. |
Bước vào khoảng cuối tháng 6, S-Fone đã tiên liệu trước tình hình này và nhanh tay đưa ra chương trình khuyến mãi tặng máy vào đầu tháng 7. Đó là các mẫu quảng cáo theo kiểu nếu bạn muốn "mua điện thoại hoặc cần điện thoại mới hoặc bị mất điện thoại - hãy chờ đến 1 tháng 7". Vào thời điểm đó, các khách hàng đăng ký thuê bao mới (trả sau/trả trước) sẽ viết cam kết sử dụng mạng S-Fone trong 12 tháng và ứng trước một khoản tiền cước phí sẽ được tặng điện thoại di động. 12 tháng là thời gian S-Fone cho khách hàng mượn máy sử dụng và không thu tiền; sau thời gian đó khách hàng sẽ được quyền sở hữu máy.
Do Viettel đang bận rộn với việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng để ra mắt mạng di động mới nên vẫn chưa thể quyết định điều gì. Nhưng chắc chắn họ sẽ tính cước một vùng và toan tính đến việc tặng máy hoặc bán với giá ưu đãi cho khách hàng với sự tham gia tài trợ của các nhà sản xuất điện thoại di động. Trước mắt, Viettel có ưu thế hơn S-Fone ở chỗ đã phủ sóng được phần lớn các tỉnh thành và họ đang hoàn chỉnh từng bước hệ thống mạng. Điểm thứ hai là do Viettel Mobile thuộc hệ thống GSM như Vinaphone và Mobifone nên việc kết nối khá thuận lợi. Điểm thứ ba, thuê bao Viettel Mobile sẽ dễ dàng thay đổi máy mới và không lệ thuộc bởi nhà cung cấp dịch vụ mạng như S-Fone.
Không chỉ giảm cước
Ngoài việc giảm cước và điều chỉnh cách tính cước để thu hút thuê bao mới, các công ty viễn thông còn đưa ra những phương thức mới nhằm giữ chân các thuê bao cũ. Như Mobifone và Vinaphone dự kiến thực hiện chương trình ưu đãi về giá cước cho nhóm khách hàng sử dụng cước nhiều trong tháng. Cụ thể là đối với diện khách hàng là các công ty trang bị điện thoại di động cho nhân viên sử dụng sẽ được tính cước giảm giá khoảng 15-20%; bán các gói cước ưu đãi cho những thuê bao có nhu cầu sử dụng nhiều trong tháng. Đồng thời, các thuê bao của Vinaphone và Mobifone khi gọi lẫn nhau trong cùng một mạng sẽ được tính cước nội mạng rẻ hơn 15% so với mức cước bình thường.
S-Fone đang tiếp tục chương trình tặng số phút gọi miễn phí cho thuê bao mới, miễn phí 100 tin nhắn khi đăng ký mới. Chủng loại điện thoại CDMA dùng để hòa mạng S-Fone đã ngày càng nhiều lên so với trước nhằm thuyết phục khách hàng. Còn Viettel mặc dù chưa khai trương vẫn hứa hẹn trước là sẽ tính cước tin nhắn ngang với S-Fone và thấp hơn Vinaphone và Mobifone.
Tháng vừa qua, chúng ta đã thấy sự cố gắng của Vinaphone và Mobifone trong việc lấy lại cảm tình của khách hàng qua những động tác giảm cước hòa mạng, miễn phí cho các thuê bao trả trước chuyển sang trả sau, bán điện thoại giá rẻ khi hòa mạng,... Mặt khác, cả 2 nhà cung cấp mạng này đã nhanh chóng triển khai các dự án mở rộng mạng lưới, tăng cường năng lực hệ thống để có thể đáp ứng nhu cầu phát triễn thuê bao mới trong khoảng cuối năm. Đây là điểm "nhạy cảm chết người" mà trước đó một số chuyên gia viễn thông đã dự báo rằng S-Fone sẽ tăng nhanh thị phần khi báo chí liên tiếp đăng tải thông tin về khả năng Vinaphone và Mobifone "sập mạng".
Nhờ thế, Vinaphone và Mobifone vẫn ung dung chiếu trên với số thuê bao lớn nhất - nhì; còn S-Fone cùng Viettel và một vài nhà cung cấp mạng di động trong tương lai phải giành giật số khách hàng ít ỏi còn lại. Lẽ dĩ nhiên, trong những năm tới thị trường viễn thông VN sẽ phát triễn mạnh hơn và số lượng người sử dụng sẽ không dừng lại ở con số 2-3 triệu. Khi đó, số khách hàng đó sẽ đủ chia cho 5-6 công ty viễn thông và họ không phải chật vật cạnh tranh với nhau từng khách hàng như tình cảnh hiện nay.
Khách hàng bị tính cước liên vùng trong những trường hợp sau: thuê bao đăng ký tại TP.HCM (vùng II) gọi cho thuê bao đăng ký tại Hà Nội (vùng I) và ngược lại, hoặc thuê bao đăng ký tại Đà Nẳng (vùng III) gọi cho thuê bao đăng ký tại TP.HCM/Hà Nội và ngược lại. Trước đây, ngành viễn thông đã từng có cách tính cước nội vùng - liên vùng - cách vùng; sau đó, cước cách vùng đã được loại bỏ. Vùng I chính là các tỉnh thành phía Bắc; vùng II là các tỉnh thành phía Nam và vùng III là các tỉnh thành còn lại của miền Trung. Hiện tại, cước nội vùng đối với thuê bao trả sau là 850đ; liên vùng là 1.200đ/30 giây; đối với thuê bao trả trước lần lượt là 1.500đ và 1.750đ/30 giây; thuê bao ngày (Vina Daily/Mobi 4U) là 1.000đ và 1.400đ/30 giây.
-
Chí Thịnh