Tam Đảo 2 thành khu du lịch: 2 triệu dân ảnh hưởng
(VietNamNet) - 2 triệu nông dân sẽ chịu ảnh hưởng nếu như khu du lịch Tam Đảo 2 được xây dựng... Ý kiến của người dân ở Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo về dự án biến VQG thành khu du lịch.
>> Tam Đảo: Du lịch sinh thái hay... phá sinh thái?>>
2 triệu nông dân bị ảnh hưởng
Ông Nguyễn Huy Khoa, "đại tướng giữ rừng" (Ảnh: Minh Ngọc)
Ông Nguyễn Huy Khoa, ngụ thôn Vĩnh Thịnh, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc trước kia từng là người lính sống và chiến đấu, bảo vệ và gắn bó cả đời với Tam Đảo đã tỏ ra bức xúc trước dự án xây dựng khu du lịch Tam Đảo 2 tại Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo.
Ông Khoa, cũng là người từng được nguyên Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Minh Đăng ví là ’’đại tướng giữ rừng’’, nói: ’’Là một công dân ở Tam Đảo, một đại tá cựu chiến binh, giảng viên môn địa lý quân sự của Học Viện kỹ thuật quân sự, một người chỉ huy công tác bảo vệ rừng VQG hàng chục năm, tôi đồng tình với các kiến nghị: Không phá VQG Tam Đảo làm du lịch sinh thái cho dù nó có thu nhập cao đến đâu...".
Theo ông Khoa, ảnh hưởng thứ nhất, nếu ’’gọt’’ đỉnh Tam Đảo đi 300ha thì không còn cách gì điều tiết được nước bằng rừng tự nhiên.
Dãy Tam Đảo với hệ thống núi vòng cung suốt khu vực Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Tuyên Quang- Thái Nguyên và rừng nguyên sinh nhô ra tới đồng bằng và trung du Bắc Bộ, điều hòa khí hậu cho đồng bằng và núi từ 6 - 10 độ. Nước thiên nhiên ở vùng này dồi dào, rất ít khi thừa nước hoặc thiếu nước.
Ông Khoa không tin vào ý kiến của các nhà khoa học trường ĐH KHTN sau ’’chuyến đi ngắn ngày thực địa Tam Đảo 2’’. Hàng chục năm đi tuần rừng, ăn ngủ dài ngày trên rừng, ông rất rành rẽ khu vực Tam Đảo 2, ’’nó không như họ nói’’. Theo ông Khoa, đỉnh núi Tam Đảo có 3 loại thực vật phổ biến mọc xen kẽ là cây dứa dại, cây sặt và cây lùn. Các loại cây này có bộ rễ rất tốt, lan rộng, dày đặc, người len qua cũng khó, xuyên sâu nên có tác dụng bảo vệ núi, chống sạt lở, giữ nước và điều tiết tuyệt vời.
Hơn nữa, 48 dòng suối trên dãy Tam Đảo tuôn nước ra sông Đáy (Vĩnh Phúc) và sông Công (Thái Nguyên) và được chứa ở các hồ Đại Lải, hồ Xạ Hương, hồ Lùng Hà, hồ Vĩnh Linh, hồ Núi Cốc... Người dân của các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang và khu công nghiệp Bắc Thăng Long đều dùng nước từ các sông hồ này.
Tam Đảo không chỉ là lá phổi điều hòa không khí mà còn là nguồn cung cấp nguồn nước cho nhiều địa phương (Ảnh: Minh Ngọc)
’’Nếu nước cạn thì có khoảng 2 triệu nông dân bị ảnh hưởng tới sản xuất. Dẫn đến mất an toàn lương thực cho cả một vùng, xói mòn cũng vô hiệu hóa các lòng sông lòng hồ vì đùn đất màu làm nông cạn lòng hồ’’.
Theo phân tích của ông Khoa, Tam Đảo 2 bị ’’gọt’’, đường ô tô sẽ làm mới từ Đạo Trù và từ Tam Đảo 1 vào lại phá thêm hàng trăm ha rừng nguyên sinh và rừng đầu nguồn. Thêm vào đó, lâm tặc cũng dễ phá rừng. Dẫn đến nước sông Đáy, sông Công không điều tiết nổi, nguy cơ ’’dìm’’ Vĩnh Phúc, sân bay Nội Bài, thậm chí cả thủ đô Hà Nội trong nước là bất khả kháng.
Nếu xây dựng Tam Đảo 2 trong VQG Tam Đảo, theo ông Khoa còn ảnh hưởng về mặt quân sự. Dãy Tam Đảo địa hình tốt cho không quân trong tiếp cận mục tiêu, trong trinh sát rađa của cả ta và... địch! Không có núi, không còn rừng nguyên sinh thì đặt rađa vào đâu, những hoạt động quân sự cũng sẽ bị hạn chế.
Sao cứ phải Tam Đảo 2... ?
Tam Đảo có 9 xã thì 8 xã là miền núi, chủ yếu là người dân tộc Sán Dìu sinh sống và canh tác từ nguồn nước mà dãy núi này mang lại. Nước sông Đáy chảy qua huyện Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, đập thủy lợi Liễn Sơn cũng được cung cấp nước từ Tam Đảo... 3.000 hợp tác xã đang lấy nước canh tác từ đây!
Thực tế nhãn tiền cho thấy, năm 1966 lũ lớn, đê sông Đáy sắp tràn hơn mức báo động 3, nếu vỡ sẽ ngập 10 huyện. Năm 1997 thì lại hạn hán, nước sông Đáy cạn, không đủ nước tưới cho đồng ruộng. Năm 2002, lũ quét do phá rừng ở xã Đạo Trù gậy thiệt hại cả tài sản lẫn sinh mạng người.
Theo những người dân ở Tam Đảo thì việc ’’gọt’’ rừng làm khu du lịch sẽ không điều tiết được nước: hết nước thì canh tác bằng cách gì, hạn hán thì sao, lũ thì ai chịu? Những câu hỏi này vẫn để ngỏ.
Nhiều người dân băn khoăn nếu xây Tam Đảo 2 liệu có đi lại ’’vết xe đổ’’ của Tam Đảo 1 với hạ tầng bị ’’gọt’’ lôm nhôm (Ảnh: Minh Ngọc)
Trong khi những người trực tiếp phụ thuộc kế sinh nhai của mình vào khu vực Tam Đảo 2 thì ở Tam Đảo 1, nhiều người dân cũng bày tỏ nỗi lo: liệu dãy Tam Đảo có còn được gọi là VQG nữa không khi xây dựng con đường dài 15km, rộng 25m chạy trên đỉnh núi và xây dựng nhà nghỉ, khách sạn hiện đại. Ít nhất 200ha rừng nguyên sinh sẽ biến thành đường cái và phố xá. Mất rừng nguyên sinh thì môi trường, cảnh quan và đa dạng sinh học cũng bị thủ tiêu luôn!
Bà Chắc Thị Định, gần 80 năm sinh sống ở thị trấn Tam Đảo 1 tỏ ý tiếc: ’’Sao Tam Đảo 1 còn đẹp lung linh thế này mà không làm cho hoàn thiện lại cứ phải Tam Đảo 2?
Trong khi đó, văn bản mới nhất số 1209 ngày 6/6/2007 của Cục Bảo vệ Môi trường trình Lãnh đạo Bộ TN&MT về dự án Tam Đảo 2, có đoạn: "Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học nói riêng, đồng thời tránh những tiền lệ vi phạm pháp luật bảo vệ VQG, khu bảo tồn, Cục Bảo vệ Môi trường kiến nghị việc xây dựng dự án Tam Đảo 2 nghiêm túc xem xét và tuân thủ pháp luật hiện hành’’.
-
Kiều Minh
Ý kiến của Bạn: