(VietNamNet)-Nếu nước biển tăng lên 5m, Việt Nam có thể mất 16% diện tích... Văn phòng World Bank Việt Nam công bố báo cáo mới nhất về hiện tượng mực nước biển dâng.
Ngày 26/2, Văn phòng World Bank Việt Nam đã công bố Báo cáo “Ảnh hưởng khi mực nước biển tăng lên các nước đang phát triển: phân tích so sánh”.
Báo cáo, do một nhóm chuyên gia quốc tế soạn thảo cảnh báo, khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu mực nước biển tăng.
Tại Việt Nam, nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu mực nước biển chỉ tăng 1m thì sẽ ảnh hưởng đến gần 11% tổng dân số của Việt Nam, hơn 10% đất đô thị và 7% đất nông nghiệp bị ngập nước và khiến GDP giảm hơn 10%.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyên nhân khiến mực nước biển tăng, theo nghiên cứu trên, là do hiện tượng trái đất đang nóng lên. Sự biến đổi khí hậu này sẽ gây ảnh hưởng mạnh nhất lên các nước đang phát triển.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng bản đồ vệ tinh, với thông số so sánh của 84 nước đang phát triển vùng duyên hải, để tính toán mức độ ảnh hưởng của việc nước biển tăng lên đối với con người, kinh tế, các khu vực đô thị và nông nghiệp ở năm vùng khác nhau trên thế giới.
“Khi nào việc này xảy ra thì chỉ có nghiên cứu khoa học mới xác định được”, bà Susmita Dasgupta - Chuyên gia kinh tế cao cấp và là đồng tác giả nghiên cứu - cho biết. “Nhưng điều quan trọng là các nước biết được nếu mực nước biển tăng 1 m thì ảnh hưởng sẽ là thế nào, khu vực nào bị nhấn chìm, thiệt hại cho GDP là bao nhiêu, đất nông nghiệp, đô thị sẽ bị mất bao nhiêu?”
Đồng bằng sông Nile của Ai Cập cũng sẽ bị ảnh hưởng tương tự, với 10,5% tổng dân số bị ảnh hưởng và 25% tổng diện tích bị nhấn chìm.
Trên phạm vi toàn thế giới, nếu mực nước biển tăng thêm 1 m sẽ làm ngập 194.000 km2 đất ven biển và khiến 1,28% dân số 84 nước đang phát triển ở ven biển phải dời bỏ nhà ở, chuyển đến sống ở những vùng đất cao hơn. Theo WB, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Đông, Bắc Phi và Đông Á.
Theo nghiên cứu mới đây của Cơ quan liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), mực nước biển sẽ tăng 18 - 59 cm từ nay đến năm 2100, ảnh hưởng đến 90% hoạt động của con người.
Trong khi đó, những nghiên cứu khác còn dự kiến mực nước biển sẽ tăng 0,5 - 1,4 m đến cuối thế kỷ này, và sẽ còn tăng trong những thế kỷ tới do lượng CO2 lưu lại trong khí quyển tới 100 năm.
-
H.Yên