(VietNamNet)- ''Việt Nam có nhiều loài động thực vật rất độc đáo mà nhiều quốc gia trên thế giới không có được, đã làm cho Việt Nam trở thành nơi tốt nhất (trong một số trường hợp là nơi duy nhất) để bảo tồn đa dạng sinh học''- Đây là thông điệp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhân ngày Môi trường thế giới năm nay (5/6).
Trong một số trường hợp, Việt Nam là nơi duy nhất để bảo tồn đa dạng sinh học. (Ảnh: Kiều Minh) |
Trong thông điệp của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhân ngày Môi trường thế giới năm nay, Bộ trưởng Mai Ái Trực nhấn mạnh: ''Chúng ta có thể khẳng định rằng đa dạng sinh học chính là cuộc sống của chúng ta và tương lai của chúng ta. Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực và quan trọng trong tất cả các nỗ lực chung của khu vực có một ASEAN phát triển năng động hơn, xanh, sạch và đẹp hơn''.
Hiện nay, khoảng 25 triệu người Việt Nam sống dựa vào các hệ sinh thái rừng và khoảng 8 triệu người khác có một phần thu nhập từ ngư nghiệp. Các hệ sinh thái và đa dạng sinh học đã góp phần quan trọng cải thiện điều kiện sống, cung cấp dinh dưỡng, lương thực, chất đốt, thuốc men, bảo vệ sức khoẻ và cung cấp nước sinh hoạt cho loài người. Việt Nam là một trong các quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới, được công nhận là một quốc gia ưu tiên cao cho bảo tồn toàn cầu.
Các hệ sinh thái của Việt Nam rất đa dạng và phong phú, tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% số loài chim và thú trên toàn cầu. Việt Nam có nhiều loài động thực vật rất độc đáo mà nhiều quốc gia trên thế giới không có được, đã làm cho Việt Nam trở thành nơi tốt nhất (trong một số trường hợp là nơi duy nhất) để bảo tồn đa dạng sinh học.
“Đa dạng sinh học- Cuộc sống của chúng ta- Tương lai của chúng ta” cũng chính là chủ đề Năm Môi trường ASEAN 2006 (viết tắt là AEY 2006), tổ chức tại Bogor, Indonesia. Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN phải đối mặt với các thách thức về môi trường rất nghiêm trọng, trong đó có sự suy giảm mạnh về đa dạng sinh học. Thông qua các hoạt động của Năm Môi trường tổ chức hàng năm, mối quan hệ truyền thống, đoàn kết và hữu nghị, tạo nên nền tảng vững chắc cho các hoạt động hợp tác phát triển trong cộng đồng các nước ASEAN cũng được thắt chặt hơn .
Cùng với lễ phát động AEY 2006 tại Indonesia, Hội nghị lần thứ 10 của Nhóm công tác ASEAN về Hiệp định môi trường đa phương và triển lãm về giá trị của đa dạng sinh học cũng được tổ chức tại Borgo. AEY lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan năm 1995 với chủ đề "Xanh và sạch". Từ AEY thứ hai năm 2000, ASEAN đã nhất trí phát động AEY 3 năm một lần. Khu vực ASEAN có tổng diện tích khoảng 4,5 triệu km2 và hệ sinh thái độc đáo, đa dạng với khoảng 27.000 loài sinh vật |
-
Kiều Minh