Khí thải hiện đang trở thành món hàng có giá trị đối với nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Việc hình thành thị trường buôn bán khí thải vừa giúp các nước phát triển thực hiện cam kết giảm khí thải, vừa giúp các nước đang phát triển đạt mục tiêu phát triển bền vững. Thế nhưng, tại nước ta sau gần 3 năm triển khai, số doanh nghiệp tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cơ chế phát triển sạch (viết tắt là CDM) được khởi xướng từ Nghị định thư Kyoto nhằm chống lại hiện tượng ấm lên của trái đất do hiệu ứng nhà kính.
Đối với những nước phát triển, để giảm 1 tấn CO2 mất khoảng 30 – 40 USD, trong khi đó nếu bỏ ra một số tiền hỗ trợ các nước đang phát triển đổi mới công nghệ sản xuất để giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và mua quota khí thải từ những nước này thì các nước phát triển chỉ mất khoảng 7,5 – 16USD.
Chính sự chênh lệnh này đã hình thành nên một thị trường mua bán chỉ tiêu khí phát thải.
Theo đó, các nước giàu sẽ bỏ tiền ra xử lý khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại các nước đang phát triển và việc xử lý này sẽ được tính vào chỉ tiêu thực hiện của nước giàu. Vậy thực hiện CDM vừa giúp các nước công nghiệp phát triển thực hiện cam kết giảm khí thải và giúp các nước đang phát triển đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá là nước có tiềm năng CDM trong các ngành tiết kiệm năng lượng, trồng rừng, thu hồi khí rác thải và chăn nuôi… Trong giai đoạn 2001-2010, Việt Nam có thể giảm khoảng 80 – 120 triệu tấn CO2. Thế nhưng, trên cả nước, con số doanh nghiệp tham gia vào thị trường trên chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết, có đến 800 doanh nghiệp của TPHCM có khả năng tham gia vào thị trường mua bán quota khí CO2 nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào quan tâm đến nguồn lợi trên.
Lý giải vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho rằng phần lớn doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi đó định mức mà Ban điều hành CDM quốc tế đưa ra phải giảm 10 tấn CO2/doanh nghiệp/năm là quá cao. Hơn nữa, việc làm phương pháp luận để được Ban điều hành CDM thế giới chứng nhận khối lượng khí thải giảm được đạt yêu cầu quá phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc thường trực Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM lại cho rằng do công tác tuyên truyền về vấn đề này đến các doanh nghiệp chưa sâu rộng.
Điều dễ thấy là phần lớn các doanh nghiệp còn chưa hiểu biết nhiều về cách thức cũng như tự đánh giá khả năng của mình khi tham gia vào cơ chế phát triển sạch.
Ông Hoàng Mạnh Hòa, chuyên viên chính Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường có một cách nhìn khác: nhận thức và sự hiểu biết của các nhà quản lý, hoạch định chính sách về môi trường còn hạn chế; doanh nghiệp vừa thiếu kiến thức lại không được các nhà hoạch định chính sách hướng dẫn nên không biết và tất nhiên vì thế thiếu chủ động tham gia CDM; ngoài ra, ngân sách quốc gia dành cho lĩnh vực này còn quá ít nên chưa thể khuyến khích các hoạt động liên quan đến CDM.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng phối hợp với chính phủ của các nước như Hà Lan, Nhật, Canada... tổ chức nhiều hội thảo nhằm phổ biến cách thức tham gia cơ chế phát triển sạch cho nhiều doanh nghiệp trong cả nước nhưng cho đến nay chỉ mới có 2 dự án CDM được phê duyệt là dự án thu hồi, sử dụng khí đồng hành tại mỏ Rạng Đông (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và dự án đổi mới nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong nhà máy bia (tỉnh Thanh Hóa).
Đáng lo ngại, từ nay đến hết năm 2008, thị trường mua bán quota khí CO2 giữa các nước phát triển và những nước đang phát triển sẽ tạm dừng.
Việc chậm trễ, thụ động của doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang đánh mất cơ hội thu nguồn ngoại tệ lớn từ các nước phát triển, cải thiện một phần tình trạng môi trường đang bị ô nhiễm do sản xuất gây ra hiện nay.
-
Theo SGGP