(VietNamNet) - Hiện nay nước ta chưa có nơi chôn lấp chung các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, các cơ sở phải tự lo lấy biện pháp bảo quản tạm thời.
Chất phóng xạ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng lại chưa có nơi chôn lấp... Trong ảnh: Nhân viên y tế sử dụng chất phóng xạ để điều trị ung thư |
Trong Hội nghị phòng chống thiên tai 2005 do Bộ Tài nguyên-Môi trường tổ chức tại Hà Nội hồi gần đây, Cục Bảo vệ Môi trường đã báo động về nguy cơ sự cố phóng xạ.
Các nhà khoa học cảnh báo, nước ta chưa có nơi chôn lấp chung các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Từ đó, có khả năng thất thoát nguồn phóng xạ ra ngoài và không thể kiểm soát được.
Hiện cả nước có hơn 1.100 cơ sở sử dụng bức xạ hạt nhân. Riêng trong lĩnh vực y tế, hiện có tới hàng nghìn máy chụp X-quang và trên 20 cơ sở y học hạt nhân sử dụng chất phóng xạ để chẩn đoán và điều trị bệnh. Đó là chưa kể việc sử dụng chất phóng xạ trong lĩnh vực công nghiệp như kiểm tra không phá hủy giúp xác định vết nứt trên mối hàn, kiểm tra chất lượng xây dựng. Trong khi đó, cả nước cũng chỉ có 2 trạm quan trắc phóng xạ môi trường nên khó kiểm sóat hết các nguồn bức xạ.
Trước những hạn chế trên, cùng với công tác quản lý an toàn bức xạ còn hạn chế do chưa có luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Ông Phùng Văn Vui, Cục phó Cục Bảo vệ Môi trường cho biết, cần phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ và tăng cường thêm các trạm quan trắc phóng xạ môi trường. Đồng thời, cũng cần có cơ quan chuyên môn thẩm định chất lượng các thiết bị phóng xạ nhập khẩu.
Ông Vui cũng nhấn mạnh, VN cần phải có kế hoạch xây dựng nghĩa địa phóng xạ quốc gia nhằm tập trung các nguồn không sử dụng. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm chữa bệnh phóng xạ quốc gia để cứu người trong tình huống khẩn cấp.
-
Kiều Minh