Trước Ngày nước thế giới (22/3), hàng trăm nhà hoạt động xã hội đã kêu gọi đánh thuế nước toàn cầu cũng như thành lập ''Nghị viện nước thế giới'' nhằm bảo đảm phân phối nước.
Ước tính có khoảng 1,2 tỷ người trên thế giới đang thiếu nước sạch. |
Lời kêu gọi này được đưa ra tại phiên bế mạc Diễn đàn nước thế giới thay thế tại Geneva (Thuỵ Sĩ) hôm 20/3. Mục tiêu của diễn đàn là thúc đẩy việc thành lập Nghị Viện nước thế giới thông qua nhiều biện pháp cụ thể. Một nghị viện nước thế giới sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Brussels (Bỉ) vào năm tới để đưa ra bộ quy tắc đảm bảo việc phân phối công bằng nguồn tài nguyên quý giá này. Diễn đàn cũng đề xuất đánh thuế đối với nước trên toàn thế giới nhằm tránh sử dụng vốn tư nhân để phân phối nước.
Diễn đàn nước cũng thông qua kế hoạch hành động thừa nhận việc sử dụng nước là quyền con người và kêu gọi nhà nước tài trợ cho việc phân phối nước, kiểm soát dân chủ nguồn tài nguyên này. GS Riccardo Petrella thuộc ĐH Lugano (Thuỵ Sĩ) đã kêu gọi loại trừ nước ra khỏi các cuộc đàm phán tự do hoá dịch vụ tại Tổ chức Thương mại thế giới. Ông cũng nói rằng Ngân hàng thế giới không nên yêu cầu tư nhân hoá ngành nước và không nên coi đó là một điều kiện cho vay.
Khoảng 1.200 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới và 150 tổ chức phi chính phủ đã tham gia vào diễn đàn, trong đó Cựu Tổng thống Bồ Đào Nhà Mario Soares là đồng Chủ tịch. Hội nghị khai mạc ngày 18/3 và diễn ra trước Ngày Nước thế giới (22/3). LHQ sẽ phát động chiến dịch toàn cầu mang tên ''Nước cho sự sống'' vào ngày 22/3 nhằm giảm 50% số người trên thế giới không có cơ hội tiếp cận với nước uống sạch vào năm 2015. Ước tính có khoảng 1,2 tỷ người trên thế giới đang thiếu nước sạch. Mỗi ngày, có 10.000 chết do thiếu nước, các bệnh liên quan tới nước. Cứ 8 giây lại có 1 trẻ em chết do nước ô nhiễm.
Còn tại Việt Nam, tài nguyên nước hiện đang chịu một sức ép nghiêm trọng trước tình trạng ô nhiễm và sử dụng nước quá mức cho phép diễn ra tràn lan. Theo Chương trình phát triển LHQ (UNDP), tỷ lệ hộ được tiếp cận với nước sạch ở khu vực thành thị là 78%, trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực nông thôn chỉ có 44%. Việt Nam đặt ra mục tiêu cung cấp 85% nhu cầu tổng thể về nước sạch vào năm 2010 và 100% vào năm 2020.
-
Minh Sơn (Theo AFP, UNDP, UN)