(VietNamNet) - Các tổ chức quốc tế như JICA, UNIDO hiện đang tiến hành những cuộc tiếp xúc với TP.HCM về vấn đề mua bán quota khí thải. Ông Huỳnh Kim Tước, Gíam đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng thuộc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM đã cho phóng viên VietNamNet biết như trên vào ngày 12/3.
Khí thải cũng... có giá! Trong ảnh: Khí thải phát ra từ nhà máy vẫn đang tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Tư liệu |
“Ngày 10/3 vừa qua, Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đã giao Trung Tâm xây dựng dự án bán quota khí thải của TP.HCM,” ông Tước nói. Các dữ liệu mà Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng thu thập có thể phục vụ cho lãnh đạo Thành phố trong các chính sách chung về bán quota hàng năm. Khí thải cũng đang trở thành món hàng tiềm năng, và là hướng hợp tác quốc tế trong tương lai.
“Tối thiểu, mỗi năm, TP.HCM có thể bán được từ 1–2 triệu tấn khí thải. Số lượng bán nhiều hay ít, phụ thuộc và các chính sách và đối tượng điều chỉnh của UBND TP.HCM. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phải chủ trì và bàn thảo một giá giao dịch trong mua bán Giấy chứng nhận giảm phát thải CERs (The Certified Emissions Reductions-CERs) với các quốc gia hay tổ chức quốc tế,” ông Tước nói.
Hiện nay, với các nước phát triển, để giảm 1 tấn CO2 mất khoảng 30 – 40USD, vì vậy giá có thể thỏa thuận với các đối tác nước ngoài của TP giao động trong khoảng 10 – 20USD. Bên cạnh đó, đây sẽ là những hợp đồng mua bán với giá trị và qui mô rất lớn kéo dài từ 5 –10 năm.
Sau khi được phê chuẩn vào 12/1997, Nghị định thư Kyoto đã thành lập 3 cơ chế để các bên tham gia có thể mua bán quyền phát thải, trong đó có "cơ chế phát triển sạch" (Clean Development Mechanism-CDM) được ưu tiên bắt đầu ngay. Trong khuôn khổ chương trình CDM, nếu VN giảm được một lượng khí phát thải khí nhà kính, thì sẽ được cấp giấy chứng nhận, gọi là Giảm phát thải được xác nhận – CERs (có thể dùng để bán như một thứ hàng hóa mới có giá trị và sẽ được bán cho các quốc gia, các tổ chức nước ngoài có nhu cầu giảm phát thải khí nhà kính).
Sau Nghị định thư Kyoto là một thị trường buôn bán khí phát thải đầy triển vọng. Trong ảnh: Khí thải vẫn đang cuồn cuộn phát ra từ các nhà máy. Ảnh: Tư liệu |
Việc buôn bán CERs trong các dự án dựa trên cơ sở giảm phát thải theo cam kết của Nghị định thư Kyoto đã tăng lên nhanh chóng trong những năm vừa qua. Hiện nay, Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản, Hà Lan, và một số các nước châu Âu đang xúc tiến các chương trình CDM là những thị trường có nhu cầu lớn về CERs. Việt Nam đang là một trong 10 nước được đánh giá có tiềm năng về Cơ chế phát triển sạch với 10 dự án CDM đăng ký.
Theo giới chuyên môn, trong giai đoạn 10 năm (2001 – 2010), Việt Nam có thể giảm khoảng 80 – 120 triệu tấn CO2 trong lĩnh vực năng lượng, trên 22 triệu tấn trong lĩnh vực nông nghiệp và 52,2 triệu tấn trong lĩnh vực lâm nghiệp. Với tương lai như vậy, Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc mua bán khí thải. Khoản thu nhập này dự kiến khoảng 250 triệu USD trong giai đoạn 1 của quá trình thực thi cam kết theo Nghị định thư Kyoto (2008 – 2012).
-
Hưong Cát