(VietNamNet)- Nội dung của Nghị định thư Kyoto vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phổ biến thông tin vào chiều 11/3, sau khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực thi hành (16/2/2005).
Khí thải, nguyên nhân của hiệu ứng nhà kính. |
Một trong 3 cơ chế mềm dẻo của Nghị định thư là Cơ chế phát triển sạch (CDM). Đây là cơ chế đối tác giữa những nước phát triển và những nước đang phát triển với mục tiêu giúp các nước đang phát triển đạt được sự phát triển bền vững, góp phần ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức độc có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu. Đồng thời giúp các nước phát triển thực hiện cam kết về hạn chế và giảm phát thải định lượng khí nhà kính.
Một số dự án về cơ chế sạch tiềm năng giảm phát thải trong 10 năm ở Việt Nam |
Thu hồi và sử dụng khí đồng hành tại mỏ Rạng Đông (Vũng Tàu) giảm 6.740 tấn ; Thu hồi và sử dụng khí metan bãi rác Thượng Lý (Hải Phòng) giảm 640 tấn; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong nhà máy bia (Thanh Hoá) giảm 105 tấn ; Cung cấp điện cho đảo Phú Quý bằng nguồn phối hợp gió và diesel (Bình Thuận) giảm 106 tấn ; Thu hồi khí metan bãi rác ở TP Hồ Chí Minh (HCM) giảm 3.130 tấn; tái trồng rừng ở A Lưới (Huế) giảm 192 tấn. |
Theo ông Hoàng Mạnh Hoà, chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Bộ TN&MT thì những lĩnh vực tiềm năng có thể xây dựng và thực hiện được cơ chế phát triển sạch là nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo tồn và tiết kiệm năng lượng; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hoá thạch; thu hồi và sử dụng khí metan CH4 từ bãi rác và từ khai thác than; ứng dụng năng lượng tái tạo; trồng rừng mới và tái trồng rừng; thu hồi và sử dụng khí đốt đồng hành.
Về mục tiêu cũng như nội dung của Nghị định thư Kyoto, bà Trần Thị Minh Hà, Cục trưởng Cục Quan hệ Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, Nghị định thư Kyoto đưa ra cam kết đối với các nước phát triển về giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính thấp hơn với tỷ lệ trung bình 5,2% trong thời kỳ cam kết đầu tiên (2008-2012) theo các nước cắt giảm cụ thể. Trong đó, các nước cộng đồng châu Âu (EU) là 8%; Hoa Kỳ 7%; Nhật Bản 6%. Một mục tiêu nữa của Nghị định thư Kyoto là kiểm soát các khí nhà kính CO2, CH4, N2O, HFCS và SF6.
Bộ TN&MT- cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối thực hiện Nghị định thư Kyoto và Cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam đang tiến hành thành lập các Đội chuyên gia kỹ thuật thực hiện các dự án về biến đổi khí hậu; xây dựng và đánh giá các phương án giảm nhẹ khí nhà kính và đề xuất các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam...
Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được 21 phương án giảm nhẹ khí nhà kính, trong đó 15 phương án trong lĩnh vực năng lượng (giảm nhẹ CO20; 3 phương án trong lĩnh vực nông nghiệp (giảm nhẹ CH4); 3 phương án trong lĩnh vực lâm nghiệp (tăng cường các bể hấp thụ carbon).
-
Kiều Minh