Một số loài thú vùng cực, trong đó có gấu trắng và hải cẩu, đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới vì ấm hóa toàn cầu, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Hoang dã Thế giới (WWF) cho biết.
Băng tuyết là nguồn sống của gấu trắng, còn gấu trắng lại là nguồn sống của cư dân vùng cực. |
Cuộc sống của người dân bản địa cũng sẽ thay đổi mạnh nếu như thế giới "không kiên quyết hành động nhằm hạn chế biến đổi khí hậu". Tonje Folkestad, chuyên gia biến đổi khí hậu của WWF, nói: "Nếu không bắt tay vào hành động ngay, chúng ta sẽ không còn nhận ra Bắc cực trong thời gian sắp tới. Gấu trắng sẽ thuộc về lịch sử, và con cháu của chúng ta sẽ chỉ còn biết về chúng qua sách vở".
Đến năm 2026, trái đất sẽ ấm hơn năm 1750 khoảng 3,6oC. Đây là kết quả nghiên cứu của WWF sẽ được công bố tại hội nghị về biến đổi khí hậu tổ chức tại Exeter (Anh) từ ngày 1/2 đến ngày 3/2. WWF cho biết, diện tích băng bao phủ mặt biển vào mùa hè ở Bắc cực sẽ giảm 9.2% mỗi thập kỷ, và sẽ "hoàn toàn biến mất vào cuối thế kỷ này", nếu không có gì thay đổi.
Điều này sẽ đe doạ sự sống của loài gấu trắng và hải cẩu vốn quen sống trên băng tuyết, tước luôn nguồn thực phẩm chủ yếu của các cộng đồng bản địa, chẳng hạn như người Eskimo ở Bắc Mỹ và Saami ở Scandinavia.
Theo WWF, họ đang kêu gọi đại biểu tham dự hội nghị gửi thông điệp rõ ràng đến cho chính phủ các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8) sẽ nhóm họp ở Anh vào cuối năm nay. Catarina Cardoso, chuyên gia WWF về năng lượng bền vững, nói: "Nếu định đảm bảo sao cho những hệ sinh thái độc đáo như Bắc cực không biến mất, hội nghị G8 phải kiên quyết hành động để giảm bớt biến đổi khí hậu".
-
Khánh Hà (Theo AP)