Đã 10 năm trôi qua, kể từ khi ông nông dân Bhairu Singh nhìn thấy nước giếng khơi lần cuối cùng trên mảnh đất cằn cỗi ở miền tây Ấn Độ. Các chuyên gia nói rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ đi đối với Singh cũng như hàng triệu nông dân ở Nam Á, vốn đang phải vật lộn với hạn hán và lũ lụt.
Dân làng Banas Kantha cách thành phố Ahmedabad 240 km về phía bắc đang xếp hàng lấy nước từ xe tải. |
Nguyên nhân của tình trạng trên là hiện tượng ấm hoá toàn cầu - hậu quả của quá trình gia tăng lượng khí thải nhà kính từ hoạt động đốt nhiên liệu hoá thạch. Theo ước tính của LHQ, tới năm 2020 khoảng 2,3 tỷ người tại 50 quốc gia sẽ thiếu nước nghiêm trọng do ấm hoá toàn cầu. Đối với Singh, trưởng làng Batheda Kala ở bang Rajasthan, tìm nước là cuộc đấu tranh hàng ngày. Ông nói: ''Chúng tôi đã phải chịu hạn hán trong nhiều năm. Các giếng nước trong làng cạn khô, cây trồng héo quắt, gia súc cũng chết dần chết mòn vì thiếu nước. Năm nay có mưa được một chút, song vẫn không đủ''.
Cuộc khủng hoảng nước sẽ trở nên trầm trọng hơn khi sông băng trên các ngọn núi khắp thế giới tan chảy. Những sông băng này cung cấp tới 95% nguồn nước trong các mạng lưới sông thế giới. Trong thập kỷ qua, các sông băng ở dãy Himalaya - nguồn nước của nhiều con sông ở Nam Á như sông Hằng và Brahmaputra - đã thu hẹp đáng kể.
Nhà khoa học Arun Bhakta Shrestha ở Nepal nói: ''Các sông băng Himalaya đang thu hẹp do thay đổi khí hậu, gây hạn hán nghiêm trọng không chỉ ở Nepal mà còn ở cả Ấn Độ và Bangladesh trong mùa khô và lũ lụt trong mùa mưa. Một hậu quả nữa của hiện tượng ấm hoá toàn cầu là các hồ sông băng có thể vỡ bờ, gây ngập lụt dưới hạ lưu''. Báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho thấy, ấm hoá toàn cầu sẽ làm vỡ bờ hơn 40 hồ sông băng ở Himalaya trong vài năm tới, gây lũ lụt và giết hàng nghìn người, kéo theo mất mùa và đói kém.
Ấm hoá toàn cầu sẽ làm nhiệt độ tăng 1,4-5,8oC và mực nước biển tăng 9-90cm vào năm 2100. Do đó, các đảo nhỏ chẳng hạn như Maldives và nhiều đảo ở Caribbe, Nam Thái Bình Dương có nguy cơ chìm nghỉm. Sông băng thu hẹp làm giảm dòng chảy của sông. Mực nước biển tăng làm lốc xoáy và bão trở nên nguy hiểm hơn ngay cả trước khi các vùng ven biển bị ngập hoàn toàn.
Có nếm trải cảnh này mới thấy hết giá trị của từng giọt nước. |
Tác động của thay đổi khí hậu thể hiện rõ khi nhiệt độ mùa hè ở Nam Á tăng vọt tới 50oC và gió mùa thổi bất thường. Dân số tăng và nhu cầu nước ngày càng nhiều trong nông nghiệp, đô thị và công nghiệp đã làm cho lượng nước sẵn có giảm nhanh. Lượng nước sẵn có trên đầu người ở Ấn Độ giảm từ 3.990.300 lít cách đây 20 năm xuống còn 1.867.800 lít. Các chuyên gia nói rằng, con số này có thể sẽ giảm xuống còn 9.905 lít trong vòng 20 năm tới.
Vào mùa hè, hàng trăm nghìn người tại các ngôi làng ở Ấn Độ phải đi xa hàng cây số để tìm nước. Nước đã trở thành mặt hàng hoá quý tại đô thị, đôi khi dẫn tới ẩu đả trên đường phố. Rajendra Pachauri, Chủ tịch tiểu ban Liên Chính phủ về thay đổi khí hậu của LHQ, cho biết: ''Hình thái mưa có thể thay đổi theo khí hậu, ảnh hưởng tới hình thái gió mùa bấy lâu. Lũ lụt, hạn hán có thể xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn tại cùng địa điểm, ảnh hưởng bất lợi tới nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực trong khu vực''.
Một số chuyên gia về nước nói rằng, khai thác nước ngầm quá mức làm cho tình trạng thiếu nước càng trầm trọng. Lũ lụt và hạn hán đã tồn tại hàng trăm năm nay, nhưng tác động của chúng đang trở nên nguy hiểm hơn do con người sử dụng nước ngày càng bừa bãi với mức cao.
-
Minh Sơn (Tổng hợp)