221
7942
Hồ sơ - Tư liệu
hosotulieu
/khoahoc/hosotulieu/
941078
Đối mặt với thảm họa băng tan!
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
Đối mặt với thảm họa băng tan!
,

(VietNamNet)- Thế giới đang phải đối mặt với thảm họa băng tan: loài gấu Bắc cực có thể bị tuyệt chủng, và con người thì đối mặt với nạn đói, dịch bệnh, ’’kiếm sống’’ ngày càng khó khăn, thậm chí phải tìm chỗ ở mới vì hệ quả của sự biến đổi khí hậu...  

dfgd
Đừng để con người tan chảy theo băng (Ảnh:minh họa)

Nỗi đe dọa từ CO2

Nhiệt độ Trái đất đã tăng thêm 0.75°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 11 năm nóng nhất trong vòng 125 năm qua đã diễn ra từ suốt năm 1990, trong đó năm 2005 được ghi nhận là năm nóng nhất.

Hiện nay các nhà khoa học đều nhất trí rằng nguyên nhân này là do sự phát thải các khí nhà kính như CO2 từ nhiên liện hóa thạch bị đốt cháy.

Những nghiên cứu về lõi đá chỉ ra rằng hiện đang có nhiều CO2 trong bầu khí quyển hơn bất kỳ thời gian nào trong suốt 600.000 năm qua. Trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến 2002, sự phát thải khí CO2 từ con người trên toàn cầu tăng lên gấp 3. Lượng này tăng khoảng 33% kể từ năm 1987.

Dự đoán mức tăng nhiệt độ trong thế kỷ này trong khoảng 1,40C đến 5,80C. Tác động của sự biến đổi khí hậu có thể nhìn thấy rõ nét. Các ví dụ như: sự thu nhỏ các chỏm băng ở Bắc cực, mực nước biển tăng nhanh, thu hẹp các sông băng trên toàn thế giới, tan chảy các vùng đóng băng vĩnh cửu; băng tan nhanh hơn ở các sông, hồ; tăng cường độ và tần suất các cơn bão nhiệt đới; kéo dài khoảng cách giao mùa; và những biến đổi về loài và cách thói quen của động thực vật.

Ở Bắc cực, khi các bãi than bùn tan chảy cũng giải phóng khí metan, một loại khí nhà kính có nguy cơ cao hơn CO2. Các nhà khoa học đang quan tâm nhiều hơn tới khả năng biến đổi khí hậu bất ngờ, kể cả sự biến đổi dòng chảy đại dương, như dòng nước ấm từ vịnh Mexico đến Châu Âu làm ấm châu Âu, và kiểu mẫu mưa thay đổi như mùa gió mùa ảnh hưởng đến an ninh lương thực của hàng tỷ người.

và... băng tan

Vùng Bắc cực nóng lên nhanh gấp 2 lần mức nóng trung bình trên toàn cầu. Diện tích của Biển Bắc cực được bao phủ bởi băng trong mỗi mùa hè đang thu nhỏ lại. Tính từ năm 1980, vùng Bắc Âu đã mất khoảng 20-30% lượng băng trên biển.

Loài gấu bắc cực cần những hành lang băng biển tốt trong mùa xuân cho sự sinh tồn nhưng trong suốt 2 thập kỷ qua, các điều kiện cho gấu trưởng thành ở khu vực vịnh Hudson, Canada đang suy giảm kéo theo là giảm từ 15 đến 26% trọng lượng cơ thể trung bình của gấu trưởng thành và số lượng con non được sinh ra (từ 1981-1998). Một số kiểu loại khí hậu được tiên đoán có thể làm biến mất toàn bộ các vùng băng trong mùa hè ở khu vực Bắc cực cuối thế kỷ này. Nếu vậy, loài gấu bắc cực chắc chắn không thể sống sót với tính cách đặc trưng của loài.

Đối với con người, sự biến đổi khí hậu- khi nhiệt độ tăng lên, có thể làm tăng sản lượng mùa màng ở một số nơi, nhưng chủ yếu lại là những tác động tiêu cực, các nghiên cứu cảnh báo rằng đó có thể là một nguyên nhân quan trọng làm tăng nạn đói ở Châu Phi .

Băng tan, lượng nước cung cấp cho các sông cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ở Châu Âu, 8/9 khu vực phủ băng đã bị thu hẹp trông thấy. Trong thời kỳ 1850-1980, các dải băng trên các dãy núi ở Châu Âu đã mất gần 1/3 diện tích và 1/2 số lượng. Ở Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cho rằng có đến 7% các sông băng trên toàn nước này bị biến mất hằng năm, đến năm 2050, sẽ có đến 64% sông băng của Trung Quốc biến mất. Ước tính hiện có khoảng 300 triệu dân sống ở miền tây khô cằn và phụ thuộc vào nguồn nước từ các sông băng để duy trì cuộc sống của họ.

Trong vòng 100 năm qua, mực nước biển trên phạm vi toàn cầu đã tăng từ 1-2mm mỗi năm. Kể từ năm 1992, tỷ lệ này khoảng 3mm/năm. Mực nước biển tăng, cư dân sống ở các đảo thấp và các thành phố ven biển đối mặt với tình trạng ngập lụt. Vào năm 2005, một cộng đồng nhỏ sống ở dãy đảo Thái Bình dương của Vanuate có lẽ là những người đầu tiên phải chuyển chỗ ở vì hệ quả của sự biến đổi khí hậu.

Sinh cảnh biển và sinh kế của những người dân sống phụ thuộc vào biển cũng bị đe dọa. Đại dương hấp thụ khoảng gần một nửa lượng CO2 phát thải ra trong 200 năm qua, tạo ra axit carbonic và làm giảm độ pH của nước biển ở bề mặt. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình canxi hoá mà nhờ vào quá trình này, các loài động vật như san hô và động vật thân mềm có thể tạo nên vỏ hoặc cấu trúc thân của chúng từ carbonate canxi.

Về thiệt hại kinh tế, năm 2005, hãng Munich Re ước tính thiệt hại do các thảm hoạ liên quan đến thời tiết như bão nhiệt đới, cháy rừng vào khoảng trên 200 tỷ USD, trong đó các thiệt hại được bảo hiểm vào khoảng trên 70 tỷ USD.

Sự ấm lên toàn cầu vẫn tiếp diễn được tiên lượng, sẽ gây ra sự chuyển đổi các vùng địa lý (vĩ độ và độ cao so với mặt nước biển) và tính thay đổi theo mùa của các loại bệnh truyền nhiễm nhất định, gồm cả các loại bệnh truyền nhiễm lây lan do sinh vật như bệnh sốt rét và sốt xuất huyết, và các bệnh truyền nhiễm do thực phẩm như nhiễm khuẩn thường cao điểm trong những tháng hè.

Rất nhiều nước đang phải chứng kiến những mùa hè nóng hơn. Năm 2003, Pháp đã có khoảng 15.000 người chết do đợt nóng- mà đợt nóng này đã gây nên cái chết của khoảng 35.000 trên khắp châu Âu.

Xét một cách tổng thể thì những tác động của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ theo hướng tiêu cực nhiều hơn là những ảnh hưởng tích cực.

Trồng cây cho hành tinh để ’’tự cứu mình’’

ag
Mỗi người trồng một cây xanh cho hành tinh để tự cứu mình! (Ảnh: Diễm Hà)

Theo UNEP, có nhiều lựa chọn hiện hữu nhằm tránh sự biến đổi khí hậu thảm khốc. Điều này bao gồm sự cải thiện trên phạm vi toàn thế giới về cung ứng đủ năng lượng và chuyển đổi sang các nguồn tài nguyên tái tạo được và ít carbon như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học và năng lượng địa nhiệt. Hiện cũng có tiềm năng để lưu giữ lượng khí CO2, trong khi một số các nhà phân tích cho rằng năng lượng hạt nhân đóng một vai trò quan trọng.

Năm 1995, sản lượng năng lượng gió trên toàn cầu đạt được 4.800MW điện năng. Vào cuối năm 2005, con số này tăng gấp 12 lần với tổng lượng đạt trên 59.000MW. Hội đồng năng lượng gió toàn cầu ước tính rằng hơn 1/3 sản lượng điện của thế giới có thể được cung cấp nhờ năng lượng gió vào năm 2050.

Tương lai khí thải ít khí nhà kính cũng cần phải được tính vào những biến đổi xã hội. Hàng triệu hộ gia đình hiện đang sử dụng mặt trời để làm nóng nước, với khối lượng năng lượng mặt trời được khai thác để sản xuất điện năng ngày càng tăng lên. Ở Iceland, năng lượng địa nhiệt và thuỷ điện chủ yếu đang được chuyển đổi sang phát triển hidrogen từ nước như một nguồn năng lượng chính yếu để thay thế nhiên liệu hoá thạch. Ở Brazil, ethanol tạo ra từ mía đường đã thay thế khoảng 40% nhu cầu xăng dầu của đất nước.

Từ Việt Nam tới Úc, từ Kenya tới Mexico, mọi người đang cùng nhau trồng cây, rất nhiều người trong số họ tham gia chương trình Trồng cây cho hành tinh của UNEP - chiến dịch hàng tỷ cây trồng. Các cây này có thể giúp làm chậm lại sự biến đổi khí hậu qua việc hấp thụ khí CO2 khi chúng lớn lên. Chúng cũng giúp làm giảm ô nhiễm, giữ thành phố mát mẻ, bảo vệ nơi chứa nước và giảm xói mòn đất.

  • Kiều Minh 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,