Bệnh tay chân miệng: Trẻ trở bệnh rất nhanh
(VietNamNet) - Hiện nay, trung bình mỗi tuần BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận hơn 40 ca bệnh tay - chân - miệng . Đặc điểm bệnh năm nay là trẻ trở bệnh rất nhanh, có thể chuyển sang viêm não trước khi có dấu hiệu nổi nốt đỏ.
Năm nay, số mắc bệnh tay chân miệng vẫn cao vào cuối tháng sáu, đầu tháng bảy. Nhiều chuyên gia cho rằng, mùa dịch tay chân miệng 2007 đã xảy ra chậm hơn mọi năm. Những năm gần đây, bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm, nhưng có 2 đợt cao điểm, nhiều điểm tương tự như sốt xuất huyết.
Chăm sóc một trẻ bị bệnh tay chân miệng biến chứng nặng tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2. (Ảnh: H. Cát) |
Ngày 12/7, trong cuộc họp với Sở Y tế TP.HCM về tình hình bệnh tay - chân - miệng, BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, cho biết, trong nửa cuối tháng 6 và những tuần đầu tháng 7, các ca nhập viện mỗi tuần vì bệnh tay - chân - miệng vẫn cao, trung bình 40 ca.
Còn tại BV Nhi Đồng 2, 6 tháng đầu năm tiếp nhận điều trị 182 ca với 2 ca tử vong, trong khi cả năm 2006, toàn BV Nhi Đồng 2 chỉ có 1 ca tử vong.
Đối với bệnh tay - chân - miệng, chỉ có coxsackie A 16 và EV 71 là 2 tác nhân gây ra bệnh hàng loạt. Bệnh nhân thường ủ bệnh trung bình từ 3-6 ngày. Tuy lây lan qua đường tiêu hoá, nhưng vi-rút gây bệnh, đặc biệt là EV 71, có khả năng lây lan rất nhanh qua tiếp xúc trực tiếp. Trong những đợt dịch, bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này qua trẻ khác: từ các chất tiết từ mũi miệng, phân hay bọt nước lúc ho, lúc hắt hơi của trẻ bệnh và lây cho trẻ khác qua đường miệng.
Hơn thế nữa, trong tháng 3-4-5/2007, BV Nhi Đồng 1 đã tiến hành xét nghiệm 316 ca bệnh tay - chân - miệng, số ca dương tính là 120. Trong đó, tác nhân gây bệnh EV71 chiếm 40 ca. Rõ ràng, EV71 nổi trội, khiến cho nhiều trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng bị biến chứng nặng. Mọi năm, tỷ lệ biến chứng chỉ chiếm 20%, còn năm nay tỷ lệ đó tăng lên thêm 5%.
Hậu quả là viêm não liên quan đến biến chứng thần kinh do tay - chân - miệng là 106 ca, chiếm khoảng 50% trong tổng số 275 ca viêm não các loại tại khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1. Trong năm 2007, chỉ có 4 ca viêm não Nhật Bản.
Đặc biệt, các chuyên gia lo ngại, những ca tử vong của năm nay đều diễn biến chuyển sang sốc rất sớm. Trẻ thường chỉ sốt có 2 ngày rồi chuyển sang viêm não trước khi xuất hiện những dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay - chân - miệng, những nốt hồng ban trên tay - chân - miệng.
Bệnh tập trung ở tuổi từ 6-24 tháng cho đến dưới 36 tháng tuổi. Do đó, lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là lứa tuổi mắc bệnh cao nhất. Bệnh phát hiện ở tất cả các quận huyện trong thành phố.
Phòng ngừa bệnh lây lan chỉ bằng cách rửa tay sạch sẽ, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ, hay rửa sạch đồ chơi, các mặt phẳng có tiếp xúc với nước miếng... Một khi trẻ bị cảm, hay bị lở miệng cần phải cách ly với các trẻ khoẻ mạnh và đưa trẻ đến khám ở các chuyên khoa.
-
Hương Cát