Tạo ngôi sao thu nhỏ trên Trái đất
Trông cơ sở National Ignition Facility (NIF) thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Lawrence Livermore ở California không khác gì một toà nhà bình thường nhưng phía sau những cánh cửa đóng kín có thể là câu trả lời về nguồn năng lượng tái tạo, an toàn của tương lai.
Báo Daily Mail đưa tin, các nhà khoa học tại NIF đang nhắm tới xây dựng một lò phản ứng nhiệt hạch bền vững đầu tiên trên thế giới bằng cách "tạo ra một ngôi sao thu nhỏ trên Trái đất".
Sau hàng loạt các cuộc thử nghiệm then chốt trong vài tuần trở lại đây, dự án trị giá khoảng 3,5 tỉ USD đã tiến gần hơn tới mục tiêu kích hoạt một lò phản ứng nhiệt hạch khả dụng vào năm 2012.
Theo các chuyên gia thuộc NIF, ngày 2/11, họ đã bắn 192 tia laser nhắm vào trung tâm lò phản ứng, vào bia là hộp thuỷ tinh chứa khí triti (T) và đơteri (D). Năng lượng tạo ra bởi sự tổng hợp các hạt nhân T và D được giải phóng sau đó đã lập kỷ lục thế giới với cường độ 1,3 triệu Mega Jun và nhiệt độ bức xạ đỉnh điểm ở trung tâm đo được xấp xỉ 3,3 triệu độ C (trong khi đó, nhiệt độ ở khu vực trung tâm Mặt trời là gần 15 triệu độ C).
Tuy nhiên, nhược điểm của cuộc thử nghiệm này là không xảy ra phản ứng nhiệt hạch tự duy trì. Mặc dù vậy, các chuyên gia của NIF vô cùng lạc quan về triển vọng đạt được điều đó trong tương lai.
Các nhà khoa học Mỹ đã nỗ lực làm việc để biến triển vọng đột phá trên thành hiện thực kể thì khi NIF bắt đầu được xây dựng năm 1997. Cơ sở này là "con đẻ" của Cục An ninh hạt nhân quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Mỹ và là dự án xây dựng khoa học về laser lớn nhất trên thế giới.
Phòng kiểm soát NIF, nơi đặt hệ thống điều khiển máy tính tích hợp, được xây dựng mô phỏng Phòng kiểm soát sứ mệnh của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) ở Houston, Texas. Nó được đánh giá là một trong những hệ thống điều khiển tự động phức tạp nhất từng được thiết kế cho một bộ máy khoa học. Phát ngôn viên của NIF tiết lộ, phòng điều khiển này có 850 máy tính hoạt động cùng lúc để hướng sắp xếp các chùm tia laser tới phạm vi 50 micromét.
Không giống với năng lượng phân hạch vốn đang được tận dụng tại các nhà máy điện hạt nhân và từng gây ra các tai nạn như thảm họa rò rỉ chất phóng xạ Chernobyl năm 1986, năng lượng nhiệt hạch được đánh giá an toàn và tương đối "sạch".
Đội ngũ quản lý NIF ước tính, một phiên bản nguyên mẫu trạm điện của lò phản ứng nhiệt hạch có thể đi vào vận hành vào năm 2020 và đến năm 2050, gần 1/4 năng lượng tiêu dùng ở Mỹ có thể được cung cấp từ nguồn năng lượng nhiệt hạch.
-
Thanh Bình