Tạo ra loài muỗi không có khả năng truyền bệnh

Cập nhật lúc 06:41, 14/11/2010 (GMT+7)

Tạo ra loài muỗi không có khả năng truyền bệnh là cách các nhà khoa học tiêu diệt loài truyền nhiễm nguy hiểm nhưng không để lại những hậu quả về mất cân bằng sinh thái.

Bệnh sốt xuất huyết (còn gọi là bệnh sốt dengue) có mặt tại trên 100 quốc gia, phổ biến tại các nước nhiệt đới. Ở nước ta, bệnh này xuất hiện từ đầu những năm 1980, trung bình mỗi năm có đến 50.000 người chết, số tử vong thường lên tới 40-60 người, nhất là trẻ em. Tác nhân làm lan truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes aegypti.

Loại muỗi chứa vi khuẩn Wolbachia không những làm giảm tuổi thọ của muỗi mà còn tiêu diệt các loại vi rút trong cơ thể muỗi. Ảnh minh họa.

Ngủ màn, phun thuốc diệt muỗi, dùng kem chống muỗi, hương trừ muỗi, tiêm văcxin… là phương pháp thụ động. Những tin gần đây cho thấy muỗi gây sốt xuất huyết bắt đầu nhờn với thuốc, ví dụ ở Dăk-lăk, Gia Lai tỷ lệ muỗi bị chết khi phun thuốc chỉ là 28-44% . Muốn diệt hoàn toàn một loài sinh vật là chuyện khó, biết đâu lại gây ra một sự mất cân bằng sinh thái, mang lại hậu quả khó lường.

Dòng muỗi mất khả năng truyền bệnh

Từ lâu người ta đã nghĩ đến biệt pháp “dĩ độc trị độc”, dùng muỗi để diệt muỗi. Chẳng hạn gây vô sinh cho muỗi đực làm muỗi cái không kẻ nối dõi, rồi tự diệt hoặc gần đây biến đổi gen để tạo ra chủng muỗi mới, tuy vẫn có khả năng truyền virut dengue song muỗi cái (chỉ muỗi cái mới truyền bệnh) không thể bay xa.

Tuy nhiên một nghiên cứu đã thành công là gây bệnh cho muỗi Aedes aegypti để chúng mất khả năng gây hại. Các nhà khoa học Trường ĐH Queensland, Australia đã phát hiện một loại vi khuẩn có tên là Wolbachia vốn sống ở ruồi giấm và một số côn trùng khác nhưng chưa tấn công được muỗi.

Họ bèn biến tính chúng để đưa chúng vào Aedes aegypti “nằm vùng” để từ trong đánh ra. Kết quả thật thú vị. Vi khuẩn Wolbachia chẳng những ngăn chặn được virut dengue và các virut gây bệnh khác phát triển trong muỗi mà còn cắt giảm tuổi thọ của những chú muỗi Aedes aegypti đã nhiễm bệnh xuống chỉ còn một nửa.

Thả muỗi đã mắc bệnh này vào môi trường, chúng sẽ cạnh tranh mới muỗi “lành mạnh” trong cuộc sinh tồn và thiết lập một quần thể mới không còn khả năng truyền bệnh. Muỗi đực nhiễm bệnh giao phối với muỗi cái thì trứng sẽ bị ung, không tạo ra được thế hệ sau. Hơn thế nữa, thông thường virut cần khoảng 2 tuần để phát triển trong cơ thể muỗi nhưng rất có thể chưa kịp truyền bệnh thì đã sớm… kết thúc cuộc đời.

Triển khai thực tế

Quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã đủ cứ liệu và bước vào giai đoạn áp dụng vào thực tế với sự tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates. Trong dự án quốc tế này có sự tham gia của Việt Nam. Việc phóng thả thực nghiệm muỗi kháng sốt xuất huyết đang triển khai ở Australia và vào cuối năm 2011 sẽ kết thúc để đánh giá kết quả.

Theo Bộ Y tế, đến lúc đó, Việt Nam (cùng với Malaysia) sẽ vào cuộc. Theo dự kiến, những con muỗi đã bị nhiễm Wolbachia sẽ được thả tại làng Trí Nguyễn, đảo Hòn Miễu, tỉnh Khánh Hoà.

Đó là một làng có 611 hộ gia đình cộng lại trên 2.300 dân. Đây là địa điểm khá thuận tiện để thử nghiệm vì là nơi cách xa đất liền, biệt lập đối với quần thể muỗi và hàng năm không ít người bị mắc sốt xuất huyết do người dân trên đảo thường dự trữ nứoc ngọt trong chum vại dùng dần. Đây chính là nơi muỗi Aedes aegypti thường đẻ trứng và tồn tại năm này qua năm khác.

Tất nhiên, để đề phòng những rủi ro có thể xảy ra khi thả loài mới ra môi trường, cần cân nhắc hết sức thận trọng, áp dụng các quy chế nghiêm ngặt về an toàn sinh học. Giả sử những kết quả không đạt được như mong muốn, sẽ dễ dàng xử lý kịp thời vì đảo Hòn Miễu chơ vơ giữa biển.

  • T.H (Tổng hợp)

Các tin khác