Những chiến hạm hùng mạnh nhất mọi thời đại

Cập nhật lúc 11:28, 03/11/2010 (GMT+7)

Những cuộc hải chiến và uy thế về hải quân là nhân tố quyết định số phận của nhiều quốc gia. Đó cũng là sức mạnh thống trị các vùng biển và đại dương, thống trị thế giới. Để có được vị trí thống lĩnh những con sóng lớn, một quốc gia phải trang bị những tàu chiến tốt nhất có thể. Sau đây xin giới thiệu 10 tàu chiến quyền uy nhất mọi thời đại.

Chiến hạm Hood Class (Anh)

Từng được đánh giá là tàu chiến cừ khôi nhất từng được chế tạo, trong suốt những năm 1920 và 1930, nó đã chu du khắp thế giới để “khoe khoang” về sức mạnh cũng như kích thước của mình.

Tuy nhiên, việc khoe mẽ này sớm tiêu tan khi Thế chiến thứ II nổ ra. Hải quân của Hitler lúc bấy giờ đang sở hữu những tàu chiến thuộc dạng hiện đại và tinh nhuệ vào bậc nhất. Chiến hạm Hood chạm trán với các đối thủ nặng ký là tàu thiết giáp Bismarck và tuần dương hạm hạng nặng Prinz Eugen của Đức vào ngày 1/5/1941. Sau 5 loạt pháo của tàu Bismarck thì vỏ giáp của Hood bị xuyên thủng, và 8 phút sau thì nó chìm. Chỉ 3 trong số 1418 người trong thủy đoàn sống sót sau đó.

Tàu chiến “bỏ túi” Deutschland Class (Đức)

Người Anh đặt cho tàu chiến Deutschland của Đức biệt danh “tàu chiến bỏ túi” vì kích thước nhỏ của nó. Tuy thế, nó là một sát thủ nhanh và nguy hiểm. Bí quyết cho sức mạnh cũng như tốc độ của con tàu này nằm trong thiết kế, người ta đã giảm đáng kể trọng lượng của nó so với các loại tàu chiến khác. Bằng cách sử dụng các động cơ diesel thay cho các turbine chạy bằng hơi nước và vỏ tàu được hàn điện, chiếc Duetschland có thể tuần dương một hành trình nửa vòng quanh Trái đất (tương đương khoảng 12.500 dặm). Deutschland là nỗi khiếp sợ của hải quân đồng minh lúc bấy giờ.

Hàng không mẫu hạm Essex Class (Mỹ)

Essex là một lớp tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Đây là loại tàu chiến có số lượng được đưa vào nhiều nhất trong thế kỷ 20 với tổng cộng 24 chiếc (bao gồm một số phiên bản Essex thân dài). Lớp tàu sân bay Essex, cùng với ba chiếc thuộc lớp Midway, trở thành xương sống sức mạnh chiến đấu của Hải quân Mỹ kể từ sau Thế Chiến II cho đến khi các siêu hàng không mẫu hạm được đưa vào phục vụ hạm đội với số lượng đáng kể trong giai đoạn 1960 và 1970.

Ngày 17/3/1945, trong một trận không kích trên đảo Honshu của Nhật Bản, một chiếc mẫu hạm Essex – chiếc USS Franklin đã bị tấn công. Trước làn sóng tấn công của hàng loạt máy bay cảm tử Nhật, chiếc Franlin đã cố gắng chống cự đến cùng. Cả chiếc tàu biến thành một hỏa lò khổng lồ rực lửa trong suốt 12 tiếng đồng hồ. 724 người trên tàu thiệt mạng, nhưng chiếc Franklin vẫn trụ vững chứ không bị đắm nhờ vào thiết kế tuyệt hảo của mình.

Thiết giáp hạm Bismarck Class (Đức)

Bismarck là một thiết giáp hạm của Hải quân Đức và là một trong những tàu chiến nổi tiếng nhất trong Thế chiến II. Bismarck chỉ tham gia một chiến dịch duy nhất trong suốt cuộc đời hoạt động. Nó đã cùng chiếc tàu tuần dương hạng nặng Prinz Eugen tham gia Chiến dịch Rheinübung (19/5/1941) với mục đích đánh chặn và tiêu diệt các đoàn tàu vận tải đang trên đường từ Bắc Mỹ đến nước Anh. Khi Bismarck và Prinz Eugen tiến ra Đại Tây Dương, chúng bị Hải quân Hoàng gia Anh phát hiện và đánh chặn trong trận eo Đan Mạch. Trong trận đánh ngắn ngủi này, chiếc tàu chiến tuần dương Hood của Anh bị đánh chìm. Để đáp trả, Thủ tướng Anh Winston Churchill ra lệnh "Đánh chìm cho được Bismarck", khởi sự một cuộc săn đuổi ráo riết của Hạm đội Anh.

Hai ngày sau, khi Bismarck đã hầu như đến được vùng biển an toàn, những chiếc máy bay Swordfish xuất phát từ tàu sân bay Ark Royal đã phóng ngư lôi trúng đích và làm kẹt bánh lái của nó, cho phép lực lượng Anh bắt kịp. Trong trận đánh diễn ra sáng 27/5/1941, Bismarck bị tấn công dữ dội trong gần hai giờ trước khi bị đánh chìm cùng toàn bộ thủy thủ đoàn 2.000 người.

North Carolina Class (Mỹ)

Lớp thiết giáp hạm North Carolina là một lớp bao gồm hai thiết giáp hạm nhanh, North Carolina và Washington, được chế tạo cho Hải quân Hoa Kỳ vào cuối những năm 1930 và đầu những năm 1940. Cả North Carolina lẫn Washington đều được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến II trong nhiều vai trò khác nhau, chủ yếu là tại mặt trận Thái Bình Dương. North Carolina thường xuyên hoạt động trong vai trò hộ tống cho đội đặc nhiệm tàu sân bay, và cũng tiến hành bắn phá bờ biển.

Vào năm 1942, trong trận Hải chiến Guadalcanal, Washington đối đầu cùng thiết giáp hạm Nhật Kirishima trong một trận đánh đêm mãnh liệt, khiến Kirishima bị hỏng nặng và bị đánh đắm vào ngày hôm sau. Sau khi chiến tranh kết thúc, cả hai chiếc đều tham gia Chiến dịch Magic Carpet (Thảm thần) để hồi hương binh lính Mỹ đang phục vụ tại nước ngoài. Cả hai chiếc trong lớp đều được đưa về lực lượng dự bị vào những năm 1960, khi North Carolina được bán cho tiểu bang quê hương như một tàu bảo tàng và Washington được bán để tháo dỡ.

Tàu khu trục Fletcher Class (Mỹ)

Fletcher là một lớp tàu khu trục được Mỹ chế tạo và sử dụng trong thời gian Thế chiến II. Một số chiếc trong lớp này tiếp tục phục vụ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh ở Việt Nam. Trong giai đoạn 1942-1944, hải quân Mỹ đã đặt hàng 175 tàu khu trục lớp Fletcher. Các tàu này được chế tạo tại các xưởng đóng tàu trên khắp nước Mỹ, và nhiều chiếc trong số này lại được bán cho các nước đã từng đối đầu với Mỹ như Ý, Đức, Nhật và một số quốc gia khác.

Năm 1943, 5 chiếc tàu khu trục lớp Fletcher đầu tiên đã có mặt tại chiến trường Thái Bình Dương để làm nhiệm vụ tìm diệt các tàu hộ tống và tiếp tế của hải quân Nhật. Lớp tàu khu trục Fletcher cũng từng đóng vai trò như tàu hộ tống cho các soái hạm, rồi sau đó được điều vào các trận chiến nảy lửa.

Tuần dương hạm mang tên lửa Ticonderoga Class (Mỹ)

Được chế tạo với mục đích ban đầu như là một tàu khu trục trong chiến dịch chạy đua vũ trang với Liên Xô trong những năm 1970, chức năng đầu tiên của Ticonderoga lúc đó là một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo lúc bấy giờ lại thấy rằng hải quân Mỹ cần một chiếc tàu chiến lớn hơn về kích thước và dữ dội hơn về sức mạnh, do đó mà những chiếc Ticonderoga được nâng cấp lên thành tàu tuần dương có tốc độ nhanh vào năm 1980.

Những chiếc tàu thuộc lớp Ticonderoga được coi là tiền thân của những chiếc tàu được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính và hiện đóng vai trò trung tâm trong chiến trường thời kỹ thuật số ngày nay, phục vụ ngoài khơi các vùng biển Lebanon, Kuwait và Hàn Quốc với nhiệm vụ vừa gìn giữ hòa bình vừa có thể tấn công các lực lượng của đối phương khi cần thiết.

Thiết giáp hạm Queen Elizabeth Class (Anh)

Xuất hiện vào năm 1913, lớp thiết giáp hạm Queen Elizabeth bao gồm năm chiếc thiết giáp hạm thế hệ siêu-dreadnought của Hải quân Hoàng gia Anh. Những tàu chiến hùng vĩ này có hỏa lực, hệ thống phòng thủ và tốc độ vượt trội so với các lớp tàu chiến đương thời, và chúng được xem là những thiết giáp hạm nhanh đầu tiên. Lớp Queen Elizabeth là những thiết giáp hạm đầu tiên được trang bị kiểu hải pháo 381 mm Mk I, và được mô tả như là "lớp tàu chiến chủ lực tốt nhất từng được đưa ra hoạt động". Chúng đã được sử dụng rộng rãi trong cả hai cuộc thế chiến.

Hàng không mẫu hạm Nimitz Class (Mỹ)

Tàu sân bay lớp Nimitz là một nhóm 10 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đang hoạt động của Hải quân Mỹ. Với tổng chiều dài 333m và thể tích choán nước trên 100.000 tấn dài, chúng là những tàu chiến lớn nhất trên thế giới. Vì sử dụng năng lượng hạt nhân, các tàu sân bay này có thể hoạt động trong vòng 20 năm mà không cần nạp nhiên liệu và dự đoán có thời gian phục vụ là trên 50 năm.

Mười tàu sân bay đều được đóng bởi công ty Newport News Shipbuilding Company ở Virginia. Nimitz. Tàu đầu tiên của lớp, được đưa vào hoạt động ngày 3/5/1975 và chiếc cuối cùng là George H. W. Bush được đưa vào hoạt động vào 10/1/2009. Không đoàn được mang theo trên tàu sân bay bao gồm khoảng 90 máy bay tiêm kích. Ngoài ra, các tàu sân bay này còn mang theo các vũ khí tự vệ tầm ngắn, chủ yếu cho việc phòng thủ tên lửa và chống máy bay tiêm kích của đối phương.

Thiết giáp hạm nhanh Iowa Class (Mỹ)

Các chiến hạm thuộc họ Iowa là loại chiến hạm hùng mạnh nhất mà Mỹ từng sản xuất. Chúng có vận tốc cực nhanh, lướt trên mặt nước với tốc độ hơn 53km/h. Tuy nhiên, để qua được kênh đào Panama, các tàu bè không được rộng hơn 33m. Các tàu thuộc lớp Iowa buộc phải tuân thủ giới hạn trên, không hơn 1cm nào nên nó rộng 33m. Có tất cả 6 chiếc đã được đóng kể cả chiếc USS Iowa và đã tham gia vào hầu hết các cuộc phản công của Mỹ trên mặt trận Thái Bình Dương chống lại hải quân Nhật Bản. Và cũng chính trên boong tàu của chiếc USS Iowa (BB-63), người Nhật đã ký tuyên bố đầu hàng chính thức vào ngày 2/9/1945.

Một chiếc tàu khác thuộc lớp Iowa là Missouri. Tuy đã được giải ngũ năm 1955 nhưng chiếc Missouri về sau lại được tái tập trung vào thập niên 80 trong chính sách trưng dụng 600 chiến hạm của Tổng thống Ronald Reagan. Sau này, nó còn tham gia vào chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và đến năm 1992 mới chịu về hưu.

  • Cao Nguyên (Theo Discovery và Wikipedia)

Ý kiến của bạn

Các tin khác