Cảnh giác khi "trên bảo, dưới không nghe"
Khỏe mạnh, đam mê nhưng đột nhiên những người đàn ông cường tráng trở nên yếu đuối trong chuyện chăn gối. Họ tìm đến đủ loại bổ thận, tráng dương nhưng vẫn lực bất tòng tâm. Sau những thăm khám lòng vòng, hóa ra bệnh ở "dưới" lại do nguyên nhân từ "trên".
Bỗng dưng… bất lực
Mọi thứ trở nên rắc rối, phiền muộn với anh Nguyễn Hoàng T, 40 tuổi (Hai Bà Trưng- Hà Nội) sau chuyến đi công tác gần 3 tháng ở nước ngoài. Bao nhiêu mong ngóng ngày trở về gặp người vợ trẻ đẹp đã tiêu tan thành mây khói khi bỗng dưng anh trở nên bất lực! Vợ anh hết khóc lóc, chì chiết rồi lại ngọt ngào truy tìm nguyên nhân vì nghi ngờ chồng mình đi công tác xa đã bồ bịch lăng nhăng, không còn yêu vợ.
Ban đầu anh cứ nghĩ do những ngày đi công tác quá mệt mỏi, phải di chuyển liên tục từ nước này sang nước kia nên sức khỏe giảm sút và hy vọng những ngày về nhà được tẩm bổ thì mọi việc sẽ đâu vào đó. Nhưng bồi dưỡng gần tháng trời mà tình trạng "trên bảo dưới không nghe" vẫn không cải thiện.
Nghe người quen mách bảo rồi lên mạng tìm kiếm thông tin, vợ anh không quản khó khăn tìm mua những loại bổ thận tráng dương đắt tiền quý hiếm cho chồng. Vượt qua những ngại ngần anh cũng tìm đến những Trung tâm sức khỏe nam giới và Tư vấn tâm lý mong có được cách chữa trị hiệu quả nhưng bất lực vẫn hoàn bất lực.
Tình cờ có người quen kể cho anh nghe về một bệnh nhân bị nhìn mờ, điều trị hết đông tây y không thuyên giảm, hóa ra bệnh nhân này bị u ở não chèn ép dây thần kinh thị giác. Sau khi triệt bỏ khối u đó thì thị giác trở về bình thường. Ngẫm đến mình anh mới chột dạ, biết đâu mình cũng có vấn đề gì đó ở trên não mà trở nên bất lực vì thế anh quyết định đi kiểm tra sọ não. Trên hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy anh bị u tuyến yên, các bác sĩ cho biết đây chính là nguyên nhân anh bị suy giảm ham muốn. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với anh là phẫu thuật loại bỏ khối u này.
U tuyến yên có thể gây bất lực. |
Quan trọng nhất là bác sĩ khám bệnh phải nghĩ đến bệnh
TS. Kiều Đình Hùng, Trưởng Khoa ngoại - Đại học Y Hà Nội cho biết, Tuyến yên là tuyến nội tiết có nhiệm vụ điều khiển chức năng nội tiết trong cơ thể con người. Tuyến yên nằm trong sọ não nên u tuyến yên được xếp vào loại u sọ não. Khi bị u tuyến yên, bệnh nhân bị rối loạn nội tiết tố (hormon), vì thế bệnh nhân có những biểu hiện bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh của một số chuyên khoa khác. Quan trọng nhất là bác sĩ khám bệnh phải biết nghĩ đến bệnh.
U tuyến yên được biết đến gồm hai loại chính là u tăng tiết và u không tăng tiết. Các biểu hiện lâm sàng của u tuyến yên tăng tiết như tiết sữa ngoài thời gian sinh đẻ, mất kinh hoặc có thay đổi giọng nói, suy giảm chức năng tình dục, hoặc người bệnh cao lớn khác thường, hộp sọ và chân tay to như người khổng lồ... Ngoài ra bệnh nhân có biểu hiện về thần kinh sọ não như đau đầu, liệt cơ vận động nhãn cầu gây sụp mi, đôi khi có ngạt mũi, giảm thị lực hoặc có thể mù. Những trường hợp u không tăng tiết thì hầu hết đến muộn khi đã có rối loạn thị lực rõ hoặc mù, hoặc hôn mê vì giai đoạn sớm không có biểu hiện lâm sàng.
Theo TS. Hùng, với những phương tiện chẩn đoán hình ảnh chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ có thể cho phép phát hiện khối u tuyến yên có kích thước từ 3mm, chụp cộng hưởng từ còn cho phép đánh giá tổn thương xung quanh khối u, giúp cho việc chọn cách thức phẫu thuật cho người bệnh. Trước đây người ta thường phẫu thuật lấy bỏ khối u qua đường mở sọ, tỉ lệ biến chứng và tử vong cao, người bệnh nằm viện lâu ngày. Hiện nay do kỹ thuật phát triển, người ta tiến hành mổ nội soi u tuyến yên qua đường mũi, tỉ lệ tử vong gần như không có, biến chứng và tai biến cũng rất ít.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để điều trị u tuyến yên có kết quả tốt thì việc chẩn đoán sớm là rất quan trọng. Nếu người bệnh có các biểu hiện như dấu hiệu sụp mi, giảm thị lực hay thay đổi nội tiết, bất lực thì không chỉ khám chuyên khoa mắt, nội tiết, nam học mà cũng nên nghĩ đến bất thường ở não để được khám và điều trị kịp thời.
Theo SK & ĐS