Nước Mỹ: xứ sở vòi rồng, “kẻ giết người” hàng loạt

Cập nhật lúc 12:10, 08/11/2010 (GMT+7)

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều trận vòi rồng nhất trên hành tinh: Chừng 150 trận vòi rồng xảy ra hàng năm trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.

TIN LIÊN QUAN
>>
Kế hoạch phóng tàu con thoi Discovery tiếp tục bị hoãn
>> Trung Quốc sẽ phá mây mưa ở Asian Games 16

Vừa lồng lộn trên bình nguyên Texas, xoáy lốc đổ vào các khu dân cư với vận tốc 240km/giờ. Tốc độ lớn nhất đo được trong một trận lốc xoáy là 370km/giờ, hay ít ra đó là giới hạn tột cùng trên các thang biểu của dụng cụ chuyên dùng để đo tốc lực xoáy.

Mô tả ảnh.
Lao vào lốc xoáy vòi rồng.

Do đặc thù địa lý, những luồng khí khô và lạnh thổi từ Canada xuống, trên đường qua phía đông tới các dãy núi ven biển, gặp phải các khoảng không khí nóng ẩm - thường chuyển động từ vịnh Mexico lên phía bắc, sinh ra một chuỗi các hiện tượng về khí quyển, để rồi sản sinh ra các cơn xoáy lốc điên cuồng. Thường thời kỳ hay có lốc xoáy sớm là vào mùa xuân ở các tiểu bang nằm ven vịnh Mexico, nơi chúng luôn có vận tốc lớn và tồn tại lâu hơn.

Muộn hơn, vào cuối xuân hoặc đầu hè, hướng của các luồng khí nóng tiếp tục chuyển dịch thêm lên phía bắc, khởi đầu cho "giai đoạn xấu đầy rủi ro" - phủ kín một trục kéo dài suốt từ đồng bằng Texas tới tận Nebraska, cấu thành "hành lang xoáy lốc" ghê rợn.

Dù xảy ra thường xuyên hơn, nhưng những cơn lốc xoáy trong một thập niên trở lại đây ít kéo dài. Tại các vùng Texas, Oklahoma và Kansas tập trung tới 1/3 các trận vòi rồng cuốn ở Mỹ.

Phần lớn lượng thông tin về lốc xoáy được các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia về những trận cuồng phong khô (NSSL) có trách nhiệm nghiên cứu. Phòng này đặt ở thành phố Norman thuộc tiểu bang Oklahoma - ngay giữa tung thâm của "hành lang xoáy lốc".

Từ mùa xuân năm 1992 trở lại đây, năm nào cũng vậy giới khoa học thuộc NSSL phối hợp với các trường đại học trong tiểu bang lên xe đi... "săn xoáy lốc". Họ thâm nhập vào bên trong các vòi rồng nhằm thu thập những tin tức cần thiết, một điều không thể làm bằng cách khác.

Một trong những nhiệm vụ của họ là đặt các xì tẹc kỹ thuật dọc theo đường đi của lốc xoáy. Đó là một thiết bị nặng 180kg, trông giống như cỗ container chở hàng đường biển loại nhỏ, mang tên "Toto". Nó được đặt giữa một bộ khung chắc chắn, nhằm đo nhiệt độ, tốc độ, hướng gió và áp suất trong lòng xoáy lốc.

Qua những lần đi "săn", các chuyên viên thuộc NSSL rút ra kết luận: các cơn vòi rồng cuốn mạnh thường xảy ra về phía cạnh khô thuộc những đám mây chứa bão khổng lồ chuyển dịch theo hướng tây nam - đông bắc.

"Đúng ra các cơn cuồng phong xoáy này tự rời bỏ các tảng mây đang xoắn lại, giống như một cái bánh xe khổng lồ vắt ngang từ đám mây chứa bão chính. Các tảng mây trên có đường kính từ 800m đến 10km, là một phần của khối không khí lớn trên trời cao đang bị nén xoáy, được gọi theo thuật ngữ khoa học là "vòng xoay Mezo" - nguồn chính tạo nên sức mạnh của các trận vòi rồng cuốn; nhưng chỉ có 50% các vòng Mezo là tạo ra xoáy lốc, và đến giờ khoa học vẫn chưa giải thích nổi là tại sao với số này thì trở thành lốc xoáy, còn với một nửa còn lại kia thì không?", nhà khí tượng học lừng danh người Mỹ Davis Jones cho biết.

Trong hai tháng 4 và 5 của năm 2010, các nhà thiên văn của NSSL đã dành hàng trăm giờ đi lại dọc sườn tây Oklahoma. Người ta rất khó "chộp" được khoảnh khắc khi các đám mây chứa bão sản sinh ra lốc xoáy. Trong một mùa xoáy lốc kéo dài 2 tháng, thường chỉ có khoảng 6 ngày nào đó, mà xoáy lốc hướng xuống mặt đất gây tai họa cho con người - với bán kính chừng 320km tính từ xe của cánh "thợ săn". Những người chuyên săn vòi rồng cần phải phán đoán đúng được nơi sẽ có lốc xoáy. Thật mạo hiểm khi một nhóm nào đó trong các đoàn nghiên cứu "tóm" được xoáy lốc, hoặc là thiếu tí nữa thì lốc xoáy "ngoạm" mất họ...

Chỉ cần tồn tại một thời gian ngắn trên mặt đất cũng đủ để vòi rồng cuốn mang lại những tổn thất không bù đắp được và sự tàn phá khủng khiếp. Hình ảnh xoáy lốc ở Mỹ tràn đầy các sự kiện bi thảm. Trong buổi chiều tối và rạng sáng hai ngày 3 và 4/4/1974, có 148 cơn xoáy lốc đã xảy ra tại 13 tiểu bang, cướp đi mạng sống của 315 người.

Còn "cơn lốc xoáy khát máu nhất" từng đến vào ngày 18/3/1925, khiến 689 người chết ở 3 tiểu bang miền Trung Tây, chỉ riêng thành phố Murphysboro (tiểu bang Illinois) làm chết 234 người.

Tất nhiên, cách phòng tránh khỏi xoáy lốc tốt nhất là sự báo động trước. Trong trận chiến không khoan nhượng với vòi rồng cuốn hiện nay, sự báo động được loan đi từ trên tầng 17 của tòa cao ốc tại Kansas City (tiểu bang Missouri) - nơi tọa lạc Trung tâm Dự báo khí tượng Quốc gia.

Nơi đây, các nhà khí tượng học chăm chú theo dõi trạng thái áp suất khí quyển ở các tiểu bang phía nam, với hệ thống thông tin bằng hệ máy tính điện tử đời mới nhất tiếp nhận các thông số từ các vệ tinh vũ trụ, từ các trạm radar quốc gia và hàng trăm đài khí tượng khác. Rồi xử lý chúng, cho kết quả qua thuật ngữ video. Từ khi có vòng Mezo trên màn hình, phải mất 20 phút sau hoặc nhiều hơn mới xuất hiện xoáy lốc.

Tính nhanh nhạy và chính xác của hệ thống máy tính là điều tối cần thiết cho các nhà thiên văn; từ đó họ mới có thể chống chọi trong cuộc chiến bảo vệ sự sống có hiệu quả hơn. Đồng thời nhanh chóng đưa ra hồi chuông báo động kịp thời, khi bầu trời bắt đầu xám xịt, còn mây đang cuộn lại bởi gió xoáy và “tên giết người” hàng loạt đang sửa soạn ra tay...

Nguồn: ANTG/Discovery

Các tin khác