Bài viết gần đây, trên trang khoa học này, đã cho rằng "Lúa Thành Dền khó có hy vọng là lúa cổ". Tuy vậy, ở cuộc tọa đàm chuyên môn hôm qua (1/9/2010), dù diễn ra cuộc tranh cãi nãy lửa, nhưng sự tồn tại của “hạt thóc cổ” Thành Dền được cho là có niên đại lên đến 3000 năm vẫn chưa có lời kết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chúng tôi phản ảnh cuộc tranh luận nảy lửa này giữa những ý kiến trái chiều đã sau đây.
"Ông nói kim..."
Các nhà khoa học tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Bee.net. |
Vào ngày 31/8 vừa qua, các chuyên gia hàng đầu về sinh học và khảo cổ học đã tham dự buổi tọa đàm nhằm đưa ra kết luận chính xác về những cây lúa nảy mầm từ các hạt thóc khai quật được di chỉ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) vốn được cho là có niên đại lên đến 3000 năm. Tuy nhiên, sau nhiều tranh luận, buổi tọa đàm đã kết thúc mà vẫn chưa có được đáp án cuối cùng về những “hạt thóc cổ” vốn gây nhiều tranh cãi này.
Báo cáo kết quả theo dõi quá trình sinh trưởng của những cây lúa Thành Dền, tiến sỹ Phạm Xuân Hội, trưởng phòng Bệnh học phân tử, Viện Di truyền Nông Nghiệp cho biết xét 13 chỉ tiêu hình thái thì lúa gieo từ các hạt thóc Thành Dền tương đối giống với lúa Khang Dân 18.
Bên cạnh đó, kết quả phân tích bằng phương pháp sinh học phân tử sử dụng chỉ thị SSR với 50 cặp mồi đối với 2 trong số các cây lúa Thành Dền của Viện Di truyền Nông Nghiệp cũng cho thấy phổ ADN của 2 cây này và giống lúa Khang Dân 18 hoàn toàn như nhau.
Từ những kết quả do Viện Di truyền Nông Nghiệp cung cấp, nhiều nhà khoa học khẳng định, lúa Thành Dền là giống lúa hiện đại. GS. TS Trần Duy Quý, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học Nông Nghiệp cho rằng, hình thái những cây lúa này quá giống với lúa Khang Dân. Đây lại là giống cảm quang, ngắn ngày mà gen ngắn ngày mới chỉ có mấy chục năm trở lại đây. Từ đó, ông Quý khẳng định: “Tôi, với tư cách là một nhà di truyền học, khẳng định 100% rằng, đây là lúa Khang Dân”.
GS Quý cũng cho rằng, việc các hạt lúa nảy mầm được phát hiện ở Thành Dền có thể là vì một lý do sơ suất nào đó. "Các hố không được bảo vệ nghiêm ngặt, không có hàng rào xung quanh, không che bạt phía trên. Có thể do trẻ nhỏ nghịch ngợm cho vào hoặc do những người nông dân được thuê đãi đất vô tình để lẫn hạt lúa hiện đại vào".
Cũng theo ông Quý, không cần tiếp tục nghiên cứu về giống lúa này vì đây chắc chắn là giống lúa hiện đại: "Chúng ta đã nghiên cứu đủ "độ" rồi, đó không phải là lúa cổ. Theo tôi nên dừng ở đây", ông Quý nói.
"...Bà bảo cổ"
Vẫn chưa có kết luận cuối cùng về "tính cổ" của cây lúa Thành Dền. Ảnh: VNN. |
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học có mặt tại buổi tọa đàm cho rằng kết luận lúa Thành Dền là lúa Khang Dân hiện đại ở thời điểm hiện tại là quá vội vàng.
GS – Viện sĩ Đào Thế Tuấn, một trong trong những người nghiên cứu về lúa cổ đầu tiên ở nước ta lưu ý, cần phải có đầy đủ cứ liệu thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác nhất. “Phải nhìn nhận toàn diện, nếu không chúng ta sẽ giống như thầy bói xem voi, ông sờ thấy cái đuôi bảo nó là cái này, ông túm được cái vòi lại bảo nó là cái kia”, ông Tuấn nói.
Cùng quan điểm này, GS Hoàng Tuyết Minh, nguyên trưởng bộ môn Di truyền tế bào và lai xa (Viện Di truyền Nông nghiệp) cho rằng, nói lúa cổ hay không phải lúa cổ ngay bây giờ là nói vội.
"Phải so sánh đầy đủ 62 tính trạng mới có thể đưa ra kết luận chính xác. Vì nếu 2 cây lúa giống nhau đến 61 tính trạng nhưng chỉ khác 1 tính trạng thôi cũng là hai giống lúa khác nhau rồi”. Đồng thời, GS Minh cũng đề nghị tiếp tục gieo trồng một vụ nữa để có đánh giá chính xác.
Chưa có đáp án cuối cùng
Cuộc tranh luận kéo dài nhiều giờ đồng hồ song vẫn chưa có được kết luận chính thức về những cây lúa Thành Dền.
Cuối cùng các nhà khoa học mới thống nhất đề nghị tiếp tục phân tích toàn bộ đặc điểm hình thái, sinh lý, sinh hóa, ADN của tất cả các dòng lúa Thành Dền. Kết quả này sẽ được kết hợp với kết quả giám định vỏ trấu bằng phương pháp AMS đang được tiến hành tại Nhật để đưa ra kết luận cuối cùng.
Các nhà khoa học cũng đồng ý kiến nghị xây dựng đề tài nghiên cứu cấp liên ngành (cấp bộ hoặc nhà nước) để khai quật mới, thu nhập thêm mẫu thóc và các nghiên cứu lúa cổ Việt Nam.
-
Lê Văn (Tổng hợp)