- Phú Quốc – hòn đảo lớn nhất và đẹp tuyệt vời của Tổ quốc có 3 đặc sản khắp nước biết đến: hồ tiêu, nước mắm và một giống chó quý: chó lông xoắn - thường gọi là chó Phú Quốc.
Chó Phú Quốc có nhiều phẩm chất quý mà ta phải bảo tồn.
Dù “gốc ngoại”, vẫn là “đặc sản Việt”
Đảo Ngọc Phú Quốc với 3 đặc sản nổi tiếng của mình. Ảnh: Internet. |
Chắc chắn hòn đảo Ngọc (tên thường gọi của Phú Quốc) không phải quê hương hoặc “lò” đưa chó lông xoắn từ chó hoang dã thành vật nuôi, mà chúng được đưa đến đây khi đã thuần hoá ở một nơi nào đó. Giống với chúng về hình thức mà đặc trưng là một dải lông mọc ngược như một cái bờm trên sống lưng chỉ có cho lông xoắn (ridgeback dog) ở miền Tây Thái Lan và chó lông xoắn Rhodesia (nay là Zimbawe) sống nhiều ở nước chủ nhà World Cup vừa rồi là Nam Phi. Điều này có thể xác minh bằng phân tích ADN nhưng chưa ai làm thì phải!
Hãy để chuyện lịch sử của loài chó ở thì tương lai, vì hiện tại chó Phú Quốc rõ ràng là một “đặc sản Việt”.
Chó Phú Quốc không phải chó bản địa – có sao đâu ! Miễn Phú Quốc là nơi “đất lành, chó… đậu” và có điều kiện phát huy phẩm chất tốt đẹp của mình thì một giống chó ở đó vài trăm năm rồi nghiễm nhiên là “đặc sản” Việt. Quả vải Thiều, hạt nhỏ, ngọt như đường phèn mà đầu thế kỷ 20 mới có người lấy giống từ Trung Quốc, về trồng một cây vải tổ (nay còn sống) ở Thanh Hà (Hải Dương) rồi nhân ra, trồng khắp nước, rõ ràng là một đặc sản Việt Nam có thương hiệu đàng hoàng. Đảo Phú Quốc bao quanh là biển. Có thể đây là điều kiện cách ly để chó Phú Quốc “rặt giống” (tức thuần chủng) hơn cả cho lông xoăn Thái Lan chăng?
Ưu việt của chó Phú Quốc
Có thể nhận ra chó Phú Quốc qua đặc điểm bên ngoài của chúng. Đặc điểm nổi bật nhất là dù màu lông vàng, nâu, đen, xám hoặc trắng thì chúng vẫn có vệt lông xoắn trên lưng. Vệt lông ấy thường tạo nên các vòng xoắn hoặc vòng tròn rất đặc biệt, được coi là “tấm chứng minh thư” không thể thiếu của giống chó này. Vai, cổ khoẻ mạnh, đầu luôn ngẩng cao. Hàm răng hình chữ V rất khoẻ. Lưỡi có màu xám hoặc xám xanh. Tai luôn vểnh lên, hình tam giác huớng về phía trước. Trán phẳng. Mắt nâu sẫm, hình hạnh nhân đầy vẻ cảnh giác. Mũi đen, đuôi thuôn nhỏ dần đến chót. Ngực nở, bụng thon kể cả “các nàng”, nếu không vào kỳ sinh nở. Chân dài, hai chân sau thẳng. Nói chung, dáng chó Phú Quốc đẹp, rất thể thao, tầm vóc không cao, như đặc điểm người châu Á. Chính vì vậy mà theo “sử sách”, cách đây hơn một thế kỷ, chó Phú Quốc đã được những người Pháp đem về châu Âu và trở thành món quà quý ở Vườn bách thảo Paris. Năm 1894 tại cuộc triển lãm Chó thế giớiAnvers, Vương quốc Bỉ, 2 con chó Phú Quốc mang tên thuần Việt là Xoài và Chuối của “ông Tây thuộc địa” tên Gaston Hélouin đã đoạt giải nhất và nhì, được rao giá rất cao hồi đó.
Đặc sản Việt – Chó Phú Quốc. Ảnh: Internet. |
Quý là ở tính cách chó Phú Quốc. Những dấu vết của giống chó săn rất trội. Chúng chạy nhanh, đạt đến tốc độ 60 km/giờ lại đổi hướng cực nhanh trước những con mồi khôn ngoan, luôn đổi hướng khi bị đuổi để trốn thoát. Điều này hơn hẳn chó becgiê, Đi săn rất say mồi, thường không chịu bỏ hiện trường khi chưa bắt được mồi. Đã vậy, tuy rất đói nhưng không “tơ hào” đến chiến lợi phẩm mà mang về nộp cho chủ và khi nguy nan thì bảo vệ chủ đến cùng (Nhiều người nghĩ đến điều này mà thấy ngượng). Nuôi chó Phú Quốc để giữ nhà hoặc bảo vệ rất thích hợp. Biết đâu với sự thông minh của nó – mà nhiều người khẳng định – chúng lại đắc dụng như một loài chó điều tra.
Chuyện con chó Phú Quốc mang tên Hổ
Ông anh tôi ở ngoại thành, nhà có vườn, có ao. Ông than với ông bạn là cựu chiến binh, làng xóm bây giờ mất an ninh quá. Nhân đi thăm nhà tù xưa ở Phú Quốc, ông này mang về cho ông anh tôi một con chó mua tận gốc nên tôi có dịp theo dõi con chó được mọi người nhắc đến này.
Mới về, nỏ bỏ ăn mất vài ngày nhưng được thằng cháu nội của ông, 12 tuổi rất yêu thương nên nó nguôi ngoai dần và rất quấn cậu chủ nhỏ. Thằng bé đặt tên nó là Laica theo tên con chó Nga đã du hành vũ trụ. Tôi bảo, chó ta việc gì phải đặt tên Tây. Cháu muốn nó trở thành anh hùng chừ gì. Cứ đặt tên nó là Hổ đi. Chẳng ai cấm sự “lộng ngôn” kiểu đó. Từ đấy thằng bé và Hổ đi đâu cũng có nhau.
Hổ màu vàng nâu. Vệt lông xoắn trên sống lưng dựng lên như đoạn dây thừng được ai gắn trên. Coi bộ “con nhà võ” lắm và xinh gái hơn các con chó nhà láng giềng. Nó ham ăn và ăn tạp nên rất chóng lớn.
Hổ quả là đặc biệt. Chơi đùa, vật nhau với lũ chó hàng xóm, bao giờ nó cũng thắng. Thằng bé bắt cả lũ chó xếp hàng, quẳng cái que ra để chúng tha về, lúc nào phần thắng cũng thuộc về Hổ. Ném que xuống ao, những con chó khác đến bờ thì dừng lại, Hổ - tuy là phận gái - nhưng chẳng nề hà gì nhào luôn xuống nước bơi thoăn thoắt xuống, ngoạm que mang về giao nộp.
Nghe nói sở dĩ bơi giỏi vì chân chó Phú Quốc có màng như chân vịt, tôi bắt lấy nó vạch chân ra quan sát và so sánh với các con chó khác, chẳng thấy gì đặc biệt. Điều này chắc chỉ chuyện đồn thổi. Chắc cũng như ở người, “căn bản là cái chí” mà thôi.
Nhà có cây mít bên gian bếp. Thằng cháu tôi nghịch ngợm trèo lên cây học bài, bế Hổ lên lên nằm trên cái chạc ba, cách mặt đất chừng 1,2 -1,3 mét. Lâu ngày thành thói quen, thằng bé trèo lên trước, Hổ nhảy phóc lên theo một cách nhẹ nhàng. Cháu tôi bảo: Cháu sẽ bắt nó trèo cao dần, rồi sẽ bắt nó men theo cành cây, leo lên tận mái bếp cho ông xem. Tôi cười, bảo nó làm được điều đó, tôi thưởng bộ Tây Du Ký. Rồi chợt nhớ hồi nhỏ rất sợ những con chó trắng mũi đỏ, vì người lớn bảo, chúng là chó đã hành tinh, đêm trăng vắng người thường lên mái nhà nằm, ngắm chị Hằng. Biết đâu Hổ làm được điều đó.
Hổ làm được một phần tài nghệ của những con mèo. Ông anh tôi có một lồng chim hoàng yến treo ở mái hiên. Hình như thấy chim được chăm sóc quá đáng, Hổ bực mình, đã leo lên cửa sổ, nhảy phốc lên vồ làm chiếc lồng chim cao 2 mét rưỡi rơi xuống đất. Con chim kêu thất thanh, mọi người chạy ra, cứu kịp và Hổ bị mấy roi quắn đít.
Chó Phú Quốc trong 1 tài liệu của người Pháp (ảnh trái) và giống chó xoáy có nguồn gốc Phi Châu. Ảnh: Vietpet. |
Năm ngoái, Hổ đã “dậy thì”. Ông anh tôi dặn cháu, cấm tuyệt đối chuyện “yêu đương lăng nhăng” với mấy gã chó hàng xóm thường xuyên đến ve vãn. Tháng tháng, vào kỳ động dục, Hổ bị giữ rịt trong nhà, sợ lỡ ra vì “nhẹ dạ mà nặng bụng”. Rồi ông đi dò hỏi, chọn cho Hổ một anh chàng Phú Quốc “rặt giống” màu đen, khoẻ mạnh.
Vậy là cho đến nay, Hổ đã nằm ổ hai lứa. Lứa đầu năm con, lứa sau, sáu con, chết một.
Lũ nhóc thật đáng yêu, nhưng lạ, lần nào cũng có hai chú nhóc mà lưng không có lông xoáy. Chẳng lẽ Hổ ngoại tình ? Hay Hổ không thuần chủng. Tôi sẵn sàng “đổ tội” cho anh chàng Phú Quốc kia mới là kẻ không thuần chủng. Người ta chẳng bảo “Chó giống cha, gà giống mẹ” là gì ?
Tôi đem thắc mắc hỏi ông bác sĩ thú y. Ông ta cười: “Bác yên tâm đi. Cô Hổ nhà ta chính chuyên lắm. Mà cũng chẳng kết luận được vị nào không thuần chủng đâu. Chuyên thường mà. Bác chẳng thấy ở Mỹ, có cặp vợ chồng da trắng mà có cậu con đen thui đấy thôi. Hiện tượng này các cụ gọi là “lại giống”.
Tôi nghĩ chuyện thuần chủng hay không chẳng quan trọng. Nếu lai mà “thu gom” lại được phẩm chất tốt của cả bố lẫn mẹ thì càng hay chứ sao.
Chuyện giữ gìn nguồn gen là của các nhà khoa học.
-
Tuấn Hà