- Một sự kiện về môi trường trái đất, “Cuộc gặp gỡ Katoomba XVII” sẽ diễn ra ở Hà Nội vào ngày 23 và 24 tháng 6. VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của ông Michael Jenkins, Chủ tịch tổ chức quốc tế “Forest Trends”, một trong những đơn vị chính đứng ra tổ chức sự kiện nói trên.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên có ý nghĩa lớn lao và mang tính sống còn đối với nhân loại. Càng ngày thế giới càng nhận thức đầy đủ rằng, các hệ sinh thái như rừng cây, rừng ngập mặn, đất ngập nước và các rặng san hô cần thiết cho các quốc gia, cho xã hội loài người như thế nào.
Các hệ sinh thái như rừng ngập mặn... |
Chính chúng mang lại môi trường sống quan trọng cho con người bằng các “dịch vụ” khác nhau, từ cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm sự thụ phấn cho hoa màu, tạo nên sự màu mỡ cho đất đai, kiểm soát được lũ lụt và dịch hại, đến “dịch vụ” hấp thụ bớt khí thải độc hại carbonic…
Do tầm quan trọng của các “dịch vụ môi trường” nói trên, gần đây, năm 2005, một dự án lớn - “Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ” - với sự tham gia của 1.300 nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đã được triển khai. Kết quả thực hiện dự án đã khẳng định sự đóng góp quan trọng của các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học đối với đời sống của con người, với nền kinh tế và sự lành mạnh của bản thân hệ sinh thái.
Tuy nhiên, việc cung cấp tài chính cho công việc bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái thường là không đủ để đạt được các mục tiêu quản lý hệ sinh thái. Mặt khác, các hoạt động kinh tế lại thường tạo ra những động cơ để bỏ qua hoặc làm tổn hại đến sự lành mạnh của bản thân hệ sinh thái.
... đất ngập nước... |
Vì những lẽ đó, trong những năm gần đây, trên khắp thế giới, các quốc gia đã bắt đầu quan tâm đến một loại thị trường mới, gọi là Thị trường Môi trường và cả những Chương trình Chi trả cho những người có công bảo tồn hoặc phục hồi các dịch vụ sinh thái bằng cách cung cấp các hệ sinh thái biển, nước ngọt, và đất đai canh tác màu mỡ.
Những cơ chế này tạo ra một phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa, thông qua việc tạo ra giá trị thị trường cho các dịch vụ này. Ví dụ, một công ty khai thác khoáng sản làm ảnh hưởng đến giá trị đa dạng sinh học phải bồi hoàn lại giá trị đa dạng sinh học đã mất đi. Bồi hoàn có thể thực hiện bằng tiền hoặc hiện vật. Đây là một việc cực kỳ quan trọng đối với các quốc gia như Việt Nam đang cố gắng đạt được những mục tiêu quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng đối với sinh kế của con người và sự phát triển kinh tế. Việc bồi hoàn giá trị đa dạng sinh học có thể giúp cải thiện chất lượng môi trường và các triển vọng kinh tế dài hạn cho hàng triệu người tại Việt Nam và các nước trong vùng Mekong.
Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) đang nổi lên ở những nơi các doanh nghiệp, nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận quan tâm giải quyết các vấn đề cụ thể về môi trường. Các chương trình này tạo ra một nguồn thu nhập mới cho các hoạt động quản lý đất đai, phục hồi, bảo tồn, và sử dụng bền vững, có tiềm năng lớn để khuyến khích quản lý hệ sinh thái bền vững. Hiện nay, hàng tỉ đô la đang được giao dịch thông qua các thị trường mới nổi về carbon, nước, đa dạng sinh học và chúng ta đang chuẩn bị sẵn sàng cho một sự gia tăng đáng kể trong các thị trường này khi chúng ngày càng mở rộng.
Hiện nay các nước ở Châu Á, đặc biệt là Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu trong việc trình diễn các thị trường dịch vụ hệ sinh thái như carbon rừng, lưu vực, biển, ven biển. Tại tỉnh Lâm Đồng, một số công ty thủy điện và cung cấp nước sạch sử dụng “dịch vụ” cung cấp nước và chống xói mòn, rửa trôi gây hiện tượng bồi lắng hiện đang trả tiền cho những người dân số ở nơi rừng đầu nguồn nhằm đảm bảo rừng không bị chặt pháp, các “dịch vụ” do rừng cung cấp được duy trì.
Chính vì lẽ đó, Hà Nội được lựa chọn để tổ chức một sự kiện liên quan, “Cuộc gặp gỡ Katoomba XVII”, vào ngày 23 và 24 tháng 6, do Tổ chức “Forest Trends”, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam đồng phối hợp tổ chức.
... và các rặng san hô cần thiết cho các quốc gia, cho xã hội loài người đến nhường nào. |
Sự kiện này sẽ là nơi tụ hội của những người lập chính sách, cộng đồng khoa học, các cơ quan tài chính lớn, các lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cộng đồng trong khu vực và các chuyên gia trên khắp thế giới để thảo luận về hiện trạng, tiềm năng của các thị trường PES trong vùng Mekong và ASEAN.
Các thảo luận này sẽ tập trung vào các sáng kiến thí điểm về hấp thu carbon thông qua rừng, biển, vùng ven biển và các thị trường đa dạng sinh học, kết hợp với REDD (Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng ở các quốc gia đang phát triển), có khả năng giúp bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, giúp giảm phát thải carbon toàn cầu và đặc biệt là hạn chế đáng kể sự biến đổi khí hậu đang đe doạ loài người hiện nay.
“Cuộc gặp gỡ Katoomba XVII” chắc sẽ góp phần thúc đẩy Thị trường Môi trường ở nước chủ nhà Việt Nam khởi sắc, nóng lên.
-
Michael Jenkins