Các nhà khoa học tại Cơ quan hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) tin rằng họ đã phát hiện ra những bằng chứng đầu tiên về sự sống trên mặt trăng khổng lồ của sao Thổ.
TIN LIÊN QUAN
Dấu vết của một hồ gương yên lặng trên bề mặt mặt trăng Titan.
Những kết quả từ việc phân tích hình và các dữ liệu mà tàu không gian Cassini của NASA thu thập được trên bề mặt hành tinh Titan cho thấy những bằng chứng về sự sống đã từng tồn tại trên mặt trăng khổng lồ của sao Thổ này.
Những kết quả trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học tiến hành 2 nghiên cứu riêng biệt.
Nghiên cứu đầu tiên, đăng trên tạp chí Icarus, cho thấy rằng khí Hyđrô có trong tầng khí quyển của hành tinh này nhưng lại không xuất hiện trên bề mặt. Điều này có thể cho thấy rằng những sinh vật sống trên hành tinh Titan có thể hoàn toàn hô hấp được.
Nghiên cứu thứ hai, được đăng trên tạp chí Geophysical Research, đã đưa ra kết luận rằng bề mặt của Titan bị thiếu chất hóa học. Các nhà khoa học tin rằng những chất hóa học thiếu hụt này đã bị tiêu thụ bởi các sinh vật sống trên đó.
Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng ánh sáng Mặt trời tương tác với các chất hóa học trong bầu khí quyền để tạo ra khí acetylen. Tuy nhiên, tàu không gian Cassini chưa từng ghi nhận được loại khí này trên hành tinh Titan.
Chris McKay, một chuyên gia về sinh vật học vũ trụ của NASA và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đưa ra giả thuyết các sinh vật có thể sống bằng khí hyđrô bởi vì đây là loại khí phổ biến trên hành tinh Titan, tương tự như chúng ta sống bằng ôxy trên Trái đất vậy. Nếu giả thiết này là đúng, chúng ta có thể phát hiện ra thêm những loại sinh vật sống mới không phụ thuộc vào nước như các sinh vật trên Trái đất”.
Đồng tình với giá thiết này, giáo sư John Zarnecki, tại Đại học Mở (Mỹ), nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng chất hóa học trên Titan có thể giúp sinh vật sống tồn tại. Nó chỉ cần nhiệt độ đủ ấm để kích hoạt trở lại sự sống trên mặt trăng khổng lồ của sao Thổ này".
-
Hà Hương (Theo Telegraph)