- Không giống như sự lo lắng trước đây về chi phí quá đắt trong việc xác định niên đại hạt thóc Thành Dền, những hạt thóc cổ sẽ được tiến hành xác định niên đại hoàn toàn miễn phí tại Nhật.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong vài ngày tới, hai trong số 10 vỏ trấu cổ sẽ được gửi sang Nhật để tiến hành giám định. Ảnh: VNE. |
Theo những thông tin từ TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội, người phụ trách khai quật di chỉ Thành Dền thì sắp tới, hai trong số 10 vỏ trấu của các hạt thóc cổ nảy mầm sẽ được gửi sang Nhật để tiến hành làm giám định AMS xác định niên đại.
GS. Nakamura Shinichi, thuộc ĐH Kanazawa, Nhật Bản, nhà khảo cổ học chuyên nghiên cứu các giống lúa cổ có nguồn gốc từ Trung Quốc hứa sẽ giám định miễn phí 3 mẫu vật từ phía Việt Nam.
Bên cạnh 2 vỏ trấu của các hạt thóc đã nảy mầm, TS. Lâm Thị Mỹ Dung cho biết sẽ gửi thêm một hạt thóc lép cùng đãi được trong đất lấy từ hố rác bếp số 3 của hố 2 để phía Nhật xác định niên đại.
TS Lâm Thị Mỹ Dung giải thích: “Chúng tôi muốn ưu tiên những hạt thóc nảy mầm vì đây là những hạt thóc ’sống’. Vì vậy, đã lựa chọn hai trong số 10 vỏ trấu đã nảy mầm để gửi sang Nhật giám định ”
Ngoài ba mẫu vật trên, nếu phía Việt Nam muốn giám định thêm các mẫu vật sẽ bỏ ra chi phí khoảng 800 USD mỗi mẫu. Như vậy, ngay cả khi không được phía Nhật hứa làm miễn phí thì chi phí giám định niên đại của cả 10 hạt thóc cổ cũng không đắt như người ta vẫn lo ngại.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, TS. Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, trong vài ngày tới bà sẽ gửi các mẫu vật sang Nhật theo đường bưu điện. Và bà cũng cho biết, theo thông tin từ phía Nhật Bản thì kết quả sẽ được công bố trong vòng 1 – 2 tháng tới.
Theo thông tin mới nhất thì hai hạt lúa cuối cùng trong số 10 hạt lúa nảy mầm vừa được tách hạt và nuôi trồng tại Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Như vậy, cho đến nay, toàn bộ các cây lúa đã được cấy và trồng cố định. Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu các đặc điểm sinh trưởng và phát triển của các cây lúa cổ.
-
Lê Văn