Các nhà khoa học Australia vừa chế ra một loài xúc xích thịt cóc có trộn thuốc gây nôn để huấn luyện động vật săn mồi nhận biết mùi vị đáng ghét, điều này sẽ bảo vệ chúng khỏi bị ngộ độc cóc tía.
TIN LIÊN QUAN
Mèo đốm có túi đã tuyệt chủng cục bộ ở công viên quốc gia Kakadu khi cóc tía xâm nhập. |
Trong phương pháp “nhận biết mùi vị đáng ghét”, các nhà khoa học thêm thuốc gây buồn nôn vào thịt cóc tía khi cho động vật săn mồi ăn. Điều này khiến động vật liên hệ mùi thịt cóc với cảm giác bệnh.
Jonathan Webb thuộc ĐH Sydney, thành viên cao cấp của nhóm nghiên cứu cho biết bài học trải nghiệm này thật sự hiệu quả. Cũng giống như chúng ta, khi đã bị ngộ độc một loại thức ăn nào đó thì lần sau, chỉ cần nghe thấy mùi vị của loại thức ăn đó, chúng ta đã có cảm giác bệnh.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào loài mèo đốm có túi (quoll) – loài này trước đây vốn rất nhiều ở phía bắc Australia nhưng số lượng của loài đã giảm nghiêm trọng trong suốt 20 qua.
TS Webb cho biết loài mèo bản địa này thật sự là biểu tượng của phía bắc Australia vì chúng rất dễ thương và có nhiều đặc trưng riêng.
Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nhưng rõ ràng từ khi có sự xâm nhập của cóc tía thì số lượng mèo đốm suy giảm nghiêm trọng. TS Webb cho biết từ khi cóc tía xuất hiện, mèo đốm có túi đột nhiên biến mất ở công viên quốc gia Kakadu.
Ông giải thích rằng cóc tía có tuyến độc lớn ở trên vai của chúng, độc tố chủ yếu là hóa chất bufadienolides có thể nhanh chóng làm tim ngừng đập.
Cóc tía có tuyến nọc cực độc trên vai lập tức gây tử vong kẻ nào muốn xơi nó. |
Thế nhưng những chú mèo đốm có túi lại xem loài cóc tía độc hại này như những con ếch lớn béo bở! Khi thấy món mồi này, chúng chỉ chộp lấy rồi nhận một liều cực độc, chúng không có cơ hội để rút kinh nghiệm cho lần chạm trán sau.
Ý tưởng bất ngờ
Vấn đề này thật sự gây hoang mang cho TS Webb, nhưng sau đó trong lúc đọc phiên bản hiện đại của câu chuyện Cô bé choàng khăn đỏ ông đã nảy ra ý tưởng. Câu chuyện kể rằng người bà đã trả đũa bằng cách đặt một túi hành vào dạ dày con sói khiến nó luôn cảm thấy khó chịu. Lúc đó, vị TS này đã nghĩ sẽ như thế nào nếu thêm chất gây nôn vào thịt cóc!? Cách tiếp cận bất thường này đã có hiệu quả.
TS Webb và đồng nghiệp Stephanie O’Donnell đã huấn luyện 30 chú mèo đốm bằng cách cho chúng ăn thịt cóc có chứa thuốc gây nôn. Sau khi ăn, chúng bắt đầu choáng váng và mất một lúc mới bình thường trở lại. Nhưng đến lần kế tiếp, khi được cho ăn thịt cóc, chúng đã biết lờ đi.
“Những con mèo đốm lúc đầu vẫn bị thu hút bởi những con cóc vì chúng lớn và nhảy nhót khắp nơi. Một số con mèo đốm còn đi theo con cóc một lúc nhưng phần lớn chúng chỉ ngửi ngửi rồi bỏ đi, có thể chúng nghĩ rằng “ăn chú mày không tốt”, TS Webb kể lại.
Dựa trên kết quả này, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm một loại xúc xích cóc gồm đùi cóc băm nhỏ và hóa chất gây nôn. Kết quả khá hứa hẹn khi những chú mèo đã thưởng thức món xúc xích này, điều kế tiếp mà các nhà khoa học mong đợi là chúng sẽ tránh xa những con cóc thật.
Nếu thử nghiệm thành công, món xúc xích còn được áp dụng cho các loài ăn thịt như mèo rừng, kì đà để bảo vệ chúng trước sự xâm nhập của cóc tía.
-
Chi Giao (theo BBC)