Các nước Tây Bắc Âu như Thụy điển, Bỉ, Phần lan, Ý...đã đổi chiều, tiếp tục sử dụng điện hạt nhân. Tình hình ở Đức phức tạp hơn. Thất bại trong cuộc bầu cử tiểu bang mới đây có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân ở Đức của thủ tướng Merkel.
TIN LIÊN QUAN
Chính phủ liên minh trung hữu của thủ tướng Merkel có thể phải đánh giá lại kế hoạch kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân ở Đức, sau khi bị thất bại trong bầu cử ở tiểu bang North-Rhine Westphalia hồi tuần trước.
Các nhà máy điện hạt nhân của Đức sản xuất 23% sản lượng điện của Đức - Ảnh: DW.
Thất bại trong cuộc bầu cử ở địa phương làm cho chính phủ Merkel không còn chiếm đa số ở thượng viện, ngăn cản khả năng thông qua kế hoạch này ở thượng viện.
Thủ tướng Merkel nói rằng bà ủng hộ kế hoạch kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân do nhu cầu năng lượng ở Đức, nền kinh tế lớn nhất trong Cộng đồng châu Âu.
Việc sử dụng năng lượng hạt nhân cũng làm giảm khí hiệu ứng nhà kính, được cho là nguyên nhân gây hiện tượng trái đất nóng dần.
Năm ngoái, 17 nhà máy điện hạt nhân của Đức sản xuất 23% sản lượng điện của Đức, trong khi các nhà máy nhiệt điện dùng than chiếm 55% sản lượng.
Chính phủ Merkel định sửa đổi luật, đã được thông qua trong chính phủ trước của thủ tướng Gerhard Schroeder nhằm đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020.
Các chuyên gia luật pháp đang tranh cãi, liệu kế hoạch của chính phủ Merkel vẫn có thể được thực hiện mà không cần thông qua thượng viện hay không? Ông Roland Koch, thủ hiến bang Hesse thuộc liên minh của bà Merkel, kêu gọi chính phủ thực hiện kế hoạch mà không thông qua thượng viện. Ông nói: “nước Đức không cần phải từ bỏ kế hoạch kéo dài việc sử dụng điện hạt nhân. Bởi vì luật đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cũng được thực thi không phải thông qua thượng viện“.
Nhưng các chuyên gia luật pháp của quốc hội Đức vẫn cho rằng dự luật bổ sung để kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân, hoặc tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân lâu dài cần được thượng viện phê chuẩn.
Rõ ràng, tương lai của các nhà máy điện hạt nhân ở Đức lúc này còn chưa rõ ràng, vẫn phải chờ đợi.
-
Minh Hạnh (Theo Deutsche Welle)