Những lo ngại về môi trường sống ngày càng bị thu hẹp và tính mạng luôn bị đe dọa của loài tê giác Javan ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên đã trở thành sự thật. Ngày 29/4, xác 1 con tê giác Javan được tìm thấy bởi những người đi rừng trong tình trạng chiếc sừng đã bị cắt đi.
TIN LIÊN QUAN
Một cá thể tê giác tại VQG Cát Tiên - Ảnh: rhinoresourcecenter.com |
Con tê giác này được cho là đã bị giết bởi những kẻ săn trộm. Con tê giác đã bị bắn chết, sừng đã bị cắt đi. Loài tê giác này đã được liệt kê trong Sách Đỏ những loài động vật quí hiếm cần được bảo vệ vào năm 2009.
Được biết, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) vừa mới kết thúc một cuộc khảo sát tại nhiều nơi trên thế giới, dùng những chú chó nghiệp vụ từ Anh để tìm phân tê giác. Những mẫu phân này sẽ được phân tích ADN để tìm ra chính xác tình trạng dân số của loài này.
Kết quả của cuộc điều tra chưa được công bố cho đến cuối năm nay. WWF sẽ gửi mẫu được lấy từ xương chú tê giác đã chết tại VQG Cát Tiên đến Đại học Queen ở Canada để phân tích xem ADN có trùng với bất cứ mẫu phân nào được tìm thấy trong cuộc khảo sát số lượng loài tê giác trên hay không.
Sừng tê giác là một mặt hàng giá trị cao trong thị trường động vật hoang dã phi pháp. Nhiều người coi sừng tê giác như là một loại thần dược. Trên thực tế, sừng tê giác có công dụng chữa bệnh hay không và chữa được những bệnh gì thì đến nay khoa học cũng chưa có câu trả lời nhất quán.
Bản đồ phân bố tê giác Javan trước đây và hiện nay - Ảnh: wikipedia. |
Tê giác Javan tại VQG Cát Tiên Loài tê giác Javan (tên khoa học là Rhinoceros sondaicus annamiticus) được xem là một trong những động vật có vú lớn nhất trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, chỉ có hai quần thể còn tồn tại trong tự nhiên là ở Indonesia và Việt Nam với “dân số” ít hơn 60 cá thể. Tại Việt Nam, từ năm 1999, sau khi khẳng định sự hiện hữu của loài tê giác Javan, VQG Cát Tiên đã nhận được sự chú ý của cả thế giới. Đã có dự án bảo tồn những con tê giác hiếm hoi của Việt Nam, cũng là một trong hai quần thể tê giác còn lại duy nhất trên hành tinh này. Nhưng cho đến nay, theo báo cáo mới nhất thì số tê giác sống sót tại VQG Cát Tiên chỉ còn 7 con. Chúng ta đã có dự án dành 5.000ha làm môi trường sống cho loài tê giác và khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng trong thực tế, đất sống và tính mạng tê giác luôn bị đe doạ bởi những người nhập cư không có đất đai, những kẻ khai thác gỗ và săn bắn trái phép...".
-
Song Hà (tổng hợp)