- Tuổi sinh học là quan trọng. Nhưng làm thế nào để tính nó và quan trọng hơn, làm thế nào để tăng nó lên một cách đồng bộ trong cơ thể, tránh tình trạng "già không đều"?
TIN LIÊN QUAN
Già không đều
Khi thấy cụ H. 76 tuổi còn cưới cô V. mỡ màng mới ngoài 20, thiên hạ mỉa mai “già còn chơi trống bỏi”. Vậy mà vài tháng sau (cụ còn “ăn cơm trước kẻng” kiểu sinh viên nữa, trời ạ !), cô thôn nữ ấy sinh cho cụ một cậu con trai bụ bẫm giống cụ như đổ khuôn mà chẳng cần sự “viện trợ không hoàn lại” của một gã trai tơ nào (cụ “quản lý” chặt thế cơ mà!).
Báo chí mấy năm trước sôi nổi đăng tin: một cụ bà xấp xỉ 80 ở phố Bát Sứ, Hà Nội 10 năm nay đã treo “biển yêu” ngoài cửa, thông báo tìm bạn tình, với điều kiện chàng phải cao to, đẹp trai, nằm trong độ tuổi 25-30 và thật chung thuỷ, ghê chưa ! Mười năm cụ đã trải qua 10 cuộc tình mà chưa gặp được người nào ưng ý để sống đến đầu bạc răng long (vì hiện tại đầu cụ chưa bạc, răng cụ chưa long). Một cô phóng viên tò mò hỏi, với cụ cái “chuyện ấy” nó ra làm sao, cụ không nói, mà chỉ trả lời bằng nụ cười… bẽn lẽn của một cô dâu mới. Thiên hạ vốn lắm chuyện, người thì dè bỉu là đú đởn, người thì chê bai là rửng mỡ, nhưng cũng không ít người phải vòng tay mà… bái phục !
Chẳng phải ngày nay mới thế. Trong ca dao cổ Việt Nam có câu Bà già đã tám mươi tư, Ngồi bên cửa sổ biên thư kén chồng cũng nói về hiện tượng xã hội này.
Trong tiểu thuyết chưởng Võ lâm ngũ bá của Kim Dung tiên sinh, có nhân vật Châu Bá Thông, được giới giang hồ đặt cho nickname là Lão ngoan đồng (cậu bé già) chỉ vì ông ta võ nghệ cực siêu (đương nhiên !), tuổi đã cao mà vẫn ngây thơ, nghịch ngợm, thật thà, trong sáng như một đứa trẻ.
Lão ngoan đồng Châu Bá Thông: một trong những người mắc bệnh "già không đều"?
Giải thích thế nào đây ? Mấy nhà báo khôi hài, bảo đó là những người “già không đều”.
Nhưng thực ra, hiện tượng “già không đều” không phải là một lời đùa cợt mà là chuyện khoa học nghiêm túc. Hầu như ai cũng vậy. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ bộ phận nào già nua, bộ phận nào trẻ trung mà thôi. Đó là một kết luận dựa trên sự phân tích hiệu năng sinh học của các cơ quan trong cơ thể để tính tuổi sinh học.
Tính tuổi sinh học
Mỗi cơ quan già theo một cách. Các cơ quan khác nhau – dù trong cùng một cơ thể - có độ già khác nhau đã đành, nhưng ở nhiều cụ chân phải và chân trái, tuy đồng niên đồng tuế đồng tịch đồng sàng đồng chức năng mà thường mạnh yếu khác nhau, huống hồ tim so với phổi, răng so với dạ dày, não so với… đầu gối.
Có bao nhiêu cơ quan thì có bấy nhiêu chuẩn để tính tuổi. Xin đơn cử vài thí dụ đơn giản nhất:
- Tính tuổi của tim: Khi đo huyết áp, con số thứ nhất (thường giữa 100 và 200) là áp suất tâm thu (áp suất tại động mạch khi tim đẩy máu ra) nói lên tuổi của trái tim bạn.
Nếu con số đó là 120, nó có tuổi giữa 20 và 30
130 - - - - 30 và 40
140 - - - - 40 và 50
150 - - - - 50 và 60 v.v…
- Tính tuổi của phổi: Bạn hít thật sâu rồi nín nhịn, không thở ra và xác định thời gian bằng phút (hoặc giây) thì từ con số đó suy ra tuổi của phổi bạn.
Nếu bạn nín thở được trên 2 ph 30 gy trở lên, nó có tuổi giữa 20 và 30
từ 2 ph đến 2 ph 30 gy - - - - 30 và 40
từ 1 ph 30gy đến 2 ph - - - - 40 và 50
từ 1 ph đến 1 ph 30 gy - - - - 50 và 60
từ 30 gy đến 1 ph - - - - 60 và 70
dưới 1 ph - - - - trên 70 v.v…
- Tính tuổi cơ bắp: Nằm ngửa, hai chân thẳng và hai tay để dọc theo thân. Chân có thể được đè một vật nặng làm đối trọng. Bạn giữ nguyên vị trí của chân và tay, ngồi dậy rồi nằm xuống liên tục, thật nhanh. Nếu trong 1 phút, bạn làm được:
45 đến 50 lần, cơ bắp của bạn có tuổi giữa 20 và 30
40 đến 45 lần, - - - - - - - 30 và 40
35 đến 40 lần, - - - - - - - 40 và 50
25 đến 35 lần, - - - - - - - 50 và 60
20 đến 25 lần, - - - - - - - 60 và 70
15 đến 20 lần - - - - - - - trên 70 rồi.
- Tính tuổi tinh thần: Đếm lùi từ 100, bớt đi 6 hoặc 7, ví dụ 100, 94, 88, 82… hoặc 100, 93, 86, 79… cho đến 0 và nhìn đồng hồ. Nếu bạn cần dưới 20 giây, tuổi trí tuệ của bạn là dưới 40, nếu cần 25 giây vì phải ngẫm nghĩ, tuổi trí tuệ của bạn là từ 40 đến 60 rồi đấy.
Thực ra bài kiểm tra còn phức tạp hơn nhiều và có thể xác định tuổi của tất cả các bộ phận, nhưng với ví dụ này, bạn cũng hình dung ra tuổi sinh học của mình là bao nhiêu. Nhiều khi, phổi rất trẻ, nhưng xương lại già, dạ dày bình thường những tim lại yếu.
Tuổi sinh học (mà chính xác hơn phải là “tuổi chức năng” song các nhà y học chưa thống nhất được cách tính tuổi này) phản ảnh thực chất của cơ thể bạn. Bạn có thể có tuổi thời gian là 40 nhưng tuổi sinh học là 53 (tức là có cơ thể của người 53), và thật may mắn nếu ngược lại. Tuổi thọ của bạn phụ thuộc vào tuổi sinh học, đâu phải phụ thuộc tuổi thời gian. Tất nhiên khi tuổi thời gian tăng thì tuổi sinh học cũng tăng nhưng không tỷ lệ thuận.
Tăng tuổi sinh học là ước mơ ngàn đời
Biết tuổi sinh học rất có lợi, hiểu được mặt mạnh, mặt yếu của cơ thể để phát huy hoặc bồi bổ, duy trì bằng những biện pháp của y học hiện đại. Thường, tuổi sinh học bị giảm là do bệnh tật hoặc sự thoái hoá ở một bộ phận nào đó của cơ thể dưới tác động của những thói quen xấu (nghiện thuốc lá, nghiện rượu, ít vận động và nhiều nhà khoa học còn khẳng định một nguyên nhân nữa là lười sinh hoạt tình dục) hoặc do tác động bên ngoài (do vi trùng, vi khuẩn, môi trường ô nhiễm...).
Bằng cách sống lành mạnh, vui vẻ... con người có thể tăng tuổi sinh học. |
Để khoẻ mạnh và sống lâu, các cơ quan của cơ thể phải hoạt động đồng bộ, nghĩa là chúng cần phải có độ tuổi sinh học na ná như nhau, bởi giống như một cỗ máy, chỉ một chi tiết yếu là đã có thể làm cho toàn bộ máy chạy trục trặc. Cần phải biết, bộ phận nào, cơ quan nào yếu để “vực” nó lên cho bằng chị bằng em. Khi đó, tuổi sinh học của toàn cơ thể mới có ý nghĩa.
Người ta tăng tuổi sinh học, trước hết bằng cách sống lành mạnh, và cơ quan nào yếu cần được bồi bổ, chỉnh sửa ngay lập tức, không để đến khi phát thành bệnh mới tìm cách chữa trị. Ăn uống cũng là một liệu pháp. Có những loại thực phẩm bổ riêng cho não, bổ riêng cho mắt, bổ riêng cho xương, bổ riêng cho gan… mà người ta đã tổng kết (song không phải ăn gì bổ nấy).
Gần đây, các nhà y học ngày càng hiểu rõ tuổi sinh học phụ thuộc rất nhiều vào hocmon, đặc biệt là hocmon giới tính. Đó là testosteron ở nam giới, oestrogen và progesteron ở nữ giới. Thông thường khi bước vào tuổi 40, sự tiết hocmon giới tính bắt đầu giảm, và quá trình lão hoá của cơ thể xuất hiện và tăng dần theo tuổi thời gian. Hoạt động chức năng của các cơ quan nội tạng bước vào thời kỳ suy thoái, ảnh hưởng mạnh đến sinh lực. Xương trở nên giòn hơn, dễ gãy hơn. Dự trữ glycogen, tạo ra năng lượng cần thiết để cơ bắp hoạt động, giảm đi. Thịt nhão ra. Những nhánh liên kết quanh tế bào thần kinh bị xoá dần, dẫn đến sự suy giảm trí nhớ và trí tuệ …
Tại các nước tiên tiến, người ta đã áp dụng “hocmon liệu pháp” để kéo dài tuổi sinh học khiến con người giữ được lâu thời thanh xuân, tuổi cao nhưng cơ thể vẫn mạnh khoẻ và trí tuệ vẫn minh mẫn. Từ đó đã kéo dài được tuổi làm việc của con người, tăng cường sự đóng góp cho xã hội của họ. Số người có tuổi thọ cao trên thế giới, như ta thấy, ngày một nhiều lên.
100 năm không phải là giới hạn của cuộc đời, mà theo dự báo, vào cuối thế kỷ XXI, nó sẽ phải là 120 năm hay hơn nữa.
-
Tuấn Hà