- Trong số các loại tuổi đã nói trên, trong khi chưa có cách tính tuổi chức năng để “ứng xử” với một người trong mọi chuyện, từ đề bạt, sử dụng đến lấy vợ lấy chồng cho tương xứng thì tuổi thời gian và tuổi sinh học là hai căn cứ để đánh giá sự “già/trẻ” ở một người.
TIN LIÊN QUAN
Tuổi thời gian và tuổi sinh học ít khi là một
Tuổi thời gian là tuổi thường dùng nhất, dù theo âm lịch và dương lịch có khác nhau chút xíu, gọi nôm na là tuổi ta và tuổi tây. Anh “ta” tính xuê xoa, đại khái, tính tuổi theo năm chứ không theo tháng, và vừa ra đời, các bà mụ đã cho một tuổi rồi (mà có lẽ cũng có lý, vì cái bào thai, được tạo ra từ 9 tháng trước cơ mà, nó chỉ “chưa muốn” ra hít thở khí trời mà thôi). Anh “tây” chi ly hơn. Nếu chưa qua sinh nhật, chưa được tính thêm tuổi. Cho nên, đôi khi “cậu ấm” Việt tính tháng, rõ ràng đẻ sau “cô chiêu” Tây, nhưng hỏi tuổi (theo cách tính thông thường) lại hơn “cô chiêu” Tây đến 2 tuổi. Sự khác biệt ấy chẳng đáng nói làm gì.
Nhiều cô gái trẻ mắc sai lầm vì không phân biệt được được tuổi thời gian và tuổi sinh học của các đức lang quân tương lai. Ảnh: socbay.com. |
Tuổi thời gian thường được người xưa quy ước mỗi cuộc đời là 100 năm. Cho nên cụ Nguyễn Du mới bắt đầu Truyện Kiều bằng câu Trăm năm trong cõi người ta, cụ Nguyễn Công Trứ mới than Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy…. Nếu bạn thấy bác nông dân bảo: “Cụ tôi trăm tuổi vào năm Kỷ Mão, vừa thọ sáu mươi” mà bắt bẻ “Mới sáu mươi, sao đã trăm tuổi ?” thì người ta sẽ cười cho bạn đấy, rằng không hiểu khái niệm “trăm tuổi” – đã đến giới hạn quy định - đồng nghĩa với khái niệm “qua đời”.
Tuổi thời gian trung tính ở chỗ, không phải ai chừng ấy tuổi cũng già như nhau, yếu như nhau, lú lẫn như nhau và từ biệt cõi trần gian vào cùng một lúc. Đó chính là sai lầm của cô hoa hậu khi tình nguyện nâng khăn sửa túi cho cụ tỷ phú đã quá bát tuần. Biết đâu, nhờ những thành tựu của y học, với liệu pháp hocmon hoặc phép màu nào đó của y học, 30 năm sau, khi cô đã hết duyên và cạn mọi ham muốn thì cụ vẫn… phây phây, móm mém tâm sự “Phướng phì phướng phập, phưng phông phướng phằng phúc phương phì”…
Vì lý do ấy, người ta mới đề cập đến tuổi sinh học, xác định bằng các số đo cụ thể từng bộ phận trong số lục phủ ngũ tạng, xương cốt, cái răng cái tóc… của một con người.
Tuổi thời gian và tuổi sinh học khác nhau thế nào?
Tuổi sinh học có thể trùng khớp với tuổi thời gian, có thể ít hoặc nhiều hơn. Trong phòng thí nghiệm thụ tinh nhân tạo nọ, người ta là lấy tinh trùng của một nhà bác học cho thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của một người mẫu chân dài thành phôi, nhưng chưa có ai đặt hàng, nên phải bảo quản trong môi trường nitơ đông lạnh. Ba năm sau, mới có một cặp vợ chồng vô sinh đến xin mua cái phôi ấy. Ghép phôi vào tử cung người vợ, chín tháng sau, một cô bé ra đời. Vậy là tuổi sinh học của cô bé nhiều hơn tuổi thời gian của cô là 3 tuổi.
Thời xưa, các Hoàng đế có tam cung lục viện. Khi tuyển các thanh niên hầu hạ mình trong cung cấm, để bảo đảm an toàn tuyệt đối, hoàng đế bèn cắt bỏ tinh hoàn của họ để khỏi lẹo tẹo với các cung tần mỹ nữ. Mất “nhà máy sản xuất tinh trùng và hocmon nam”, đảm bảo sự tổng hợp các protein cho cơ thể, những vị hoạn quan này già đi nhanh chóng: mặt chảy xệ, tác phong đờ đẫn, chậm chạp, mí mắt sụp xuống, người béo phị và không sống được lâu. Họ là những người có tuổi thời gian thấp, nhưng tuổi sinh học lại rất cao.
Nếu như 2.300 năm trước, Tần Thuỷ Hoàng cử các thuật sĩ đi khắp nơi tìm thuốc “cải lão hoàn đồng” – nói theo ngôn ngữ của y học ngày nay là thuốc để kéo lùi tuổi sinh học– mà chẳng thành công thì ngày nay với nhiều khám phá mới, người ta hoàn toàn có thể làm tuổi sinh học tăng chậm, hoặc đứng nguyên, thậm chí lùi hẳn lại. Và như vậy, tuổi sinh học lúc này thấp hơn tuổi thời gian. Một bằng chứng là cô đào xi-nê lừng lẫy một thời là Elizabeth Taylor với 8 đời chồng mà cách đây mầy năm, khi đã 78 tuổi, cô (đúng ra phải gọi là cụ) còn lên xe hoa cùng người chồng thứ 8 là Jason Winters, kém cô 28 tuổi. Chắc chắn rằng tuổi sinh học của cô nhỏ hơn tuổi thời gian khá nhiều.
Ai mà không mong muốn quay lại cái thời này nhỉ? Ảnh: multiply.com. |
Xem như thế không phải tuổi thời gian mà tuổi sinh học mới quan trọng. Nó quyết định trạng thái sức khoẻ (thể chất và tinh thần) cũng như tuổi thọ của một người cụ thể.
Chúng ta đều biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp và giáo sư Trần Văn Giàu đã đúng 100 tuổi, tuy sức khoẻ không được như mấy năm trước nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn thì về một mặt nào đó, là những người có cả tuổi thời gian và tuổi sinh học cao.
Tuy nhiên nếu sự chênh lệch giữa tuổi thời gian và tuổi sinh học quá lớn thì lại là bệnh tật do đột biến gen. Trên thế giới người ta vẫn gặp các bệnh “già trước tuổi” (thuật ngữ khoa học gọi là progeria) và “không lớn lên được” với tỷ lệ là 4 phần triệu trong dân số. Với bệnh “già trước tuổi”, người ta thấy những “lão ông, lão bà” 7, 8 tuổi da nhăn nhúm, tóc rụng thưa, móm mém, đầy bệnh tật của người già… và nói chúng không sống quá 12, 13 tuổi. Còn với bệnh “không lớn lên được”, có những chàng thanh niên, những cô thiếu nữ tuổi đời thì đã ngoài 20 nhưng cả tầm vóc và hiểu biết cũng như các kỹ năng, nói, đi… chỉ như đứa trẻ lên hai.
Đó là những bệnh hiếm gặp và cho đến nay chưa có cách chữa.
Tìm cách cưỡng lại Thiên nhiên để làm tuổi sinh học tăng chậm lại (hãy đặt mục tiêu khiêm tốn như thế) là một trong những hướng nghiên cứu của ngành Lão khoa.
-
Tuấn Hà